Tổng mất, Tô lên, hàng loạt sân sau đang tháo chạy như ong vỡ tổ?

Ngày 27/7, ngày Đảng Cộng sản an táng ông Nguyễn Phú Trọng, cũng là ngày xuất hiện làn sóng từ nhiệm ồ ạt. Hàng loạt cái tên đình đám, đều là chủ tịch, tổng giám đốc của các doanh nghiệp nhà nước lớn, hoặc doanh nghiệp cổ phần hoá từ doanh nghiệp nhà nước, lần lượt tìm cách tháo chạy. Trong đó có thể ra những cái tên như: Vinaconex, Hà Đô, Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hòa (còn gọi là TTC AgriS), Lộc Trời, Dược Cửu Long, Dược Hậu Giang vv… đều tranh thủ “tháo chạy”.

Ở đất nước này, không một quan chức nào trong sạch, không một quan chức Trung ương nào không có sân sau. Với ngân sách trên 100 ngàn tỷ mỗi năm, và trong tay có đến hàng triệu quân, Tô Lâm đã thu thập hầu hết các tên tuổi của những đại gia làm kinh tài cho các quan chức Trung ương. Hồ sơ đã có, vấn đề là Tô Lâm cần đánh ai thì ông sẽ lôi hồ sơ của người đấy ra để trảm.

Hầu hết, những quan chức cấp Bộ Chính trị mà đỡ đầu cho doanh nghiệp, thì chỉ bị ép rời ghế, còn các chủ doanh nghiệp thì phải xộ khám, và bị phía Tô Lâm moi cho kỳ hết những tài sản đã tích lũy.

Ở đất nước này, không một doanh nghiệp nào có thể lớn mạnh, nếu không cấu kết với quyền lực chính trị, nhất là với các doanh nghiệp nhà nước. Đây là hoạt động trong bóng tối, rủi ro rất lớn, nhưng nếu không liên kết với quyền lực chính trị, doanh nghiệp tư nhân hoặc lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, sẽ bị thịt khi chưa đủ lớn.

Cho đến thời điểm này, đến 99% là Tô Lâm sẽ trở thành Tổng Bí thư. Mà khả năng cao là ông sẽ kiêm nhiệm cả Chủ tịch nước và Tổng Bí thư, nên quyền lực của Tô Lâm rất lớn. Tô Lâm sẽ không theo luật chơi của Nguyễn Phú Trọng nữa, mà tự đặt ra luật chơi của chính ông.

Trước đây, ông Trọng nuôi một hệ sinh thái quyền lực rất lớn, trong đó có 3 nhóm lợi ích lớn ẩn nấp – đó là các nhóm Nghệ An, Hà Tĩnh, và Hà Nội. Ngoài ra, còn một số nhóm khác không thuộc 3 nhóm lớn này, cũng được ông Trọng che chở trong Ban Bí thư. Cho nên, khi ông Trọng “đốt lò” tránh “phe ta”, thì rất nhiều sân sau an toàn.

Giờ đây, nhóm lợi ích của Tô Lâm chủ yếu là nhóm Hưng Yên, ngoài nhóm Hưng Yên và những người thân cận với ông, tất cả những nhóm còn lại đều có nguy cơ bị đánh úp. Nhóm Hưng Yên khá ít, ít hơn 3 nhóm lớn từng ẩn nấp dưới trướng ông Trọng. Khi mà “doanh nhân” nào đang kinh tài cho thế lực không thuộc hệ sinh thái quyền lực của nhóm Hưng Yên, thì cần phải cao chạy xa bay để tránh hậu họa, bởi một khi Tô Lâm đã ra đòn thì không theo quy trình. Nếu cần đánh úp, Tô Lâm cho bắt nhanh chóng để các sân sau trở tay không kịp.

Thời kỳ Tô Lâm cầm quyền sẽ là thời kỳ công an trị, cả trong dân và trong Đảng. Với hàng đống hồ sơ đen trong tay, Tô Lâm có thể đánh úp bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào, mà không cần phải có thời gian điều tra trước. Đây mới là điều khiến các sân sau ăn không ngon ngủ không yên. Thà chạy trước còn hơn đến khi Tô Lâm “cất vó”, thì lúc đó tiền có nhiều cũng không thể dùng được, mà ngược lại còn bị trấn lột hết.

Với bản chất công an trị, Tô Lâm nắm quyền sẽ khiến cho nền kinh tế Việt Nam tê liệt. Doanh nghiệp trong nước thu vòi, không dám đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tính đường tháo chạy, hoặc né tránh thị trường Việt Nam.

Các nước phát triển xem Tô Lâm chẳng khác nào thành phần “đầu trộm đuôi cướp”, khi mà chính ông sang tận trời Âu để bắt cóc người, theo cách làm của các băng đảng xã hội đen.

Đầu tư vào một quốc gia do người như vậy đứng đầu, là canh bạc mạo hiểm. Rồi đây, Việt Nam sẽ chứng kiến thời kỳ suy thoái kinh tế trầm trọng hơn nữa, khi mà doanh nhân ôm tiền ra nước ngoài, để chạy trốn độc tài.

 

Hoàng Phúc – Thoibao.de