Hãng hàng không giá rẻ VietJet đối mặt với khoản bồi thường lớn khi thua kiện trong vụ tranh chấp thương mại quốc tế

Ngày 6/8, BBC Tiếng Việt có bài: “VietJet thua kiện trong vụ thuê máy bay, phải bồi thường 180 triệu USD”.

Theo đó, Hãng hàng không giá rẻ VietJet vừa thua kiện trong vụ tranh chấp thương mại với công ty cho thuê máy bay FitzWalter Aviation FWA, có trụ sở tại Anh, đối mặt với khoản bồi thường 180 triệu USD, cũng như phải trả lại bốn máy bay, theo phán quyết của Tòa Thượng thẩm Anh Quốc, hôm 31/7.

Vụ tranh chấp đã diễn ra trong một thời gian dài, tại các tòa án ở London, Singapore và Hà Nội kể từ khi FitzWalter Aviation đệ trình kiện việc VietJet ký thuê bốn máy bay Airbus, nhưng nhiều lần trễ hạn thanh toán trong năm 2021.

RFA cho biết, theo hồ sơ tòa án, đơn khởi kiện của FWA được nộp vào ngày 26/8/2022, và VietJet đã nộp giải trình vào ngày 7/12/2022.

Trong đơn giải trình, VietJet cho rằng việc các bên cho thuê bán tàu bay cho công ty mới và chấm dứt hợp đồng thuê dài hạn, ổn định đang có là không hợp lệ.

Vào thời điểm đó, VietJet cho rằng việc chậm thanh toán tiền thuê là bình thường, do ảnh hưởng của đại dịch và của việc áp dụng phong tỏa của các quốc gia, dẫn đến việc hãng phải tạm ngưng hoạt động.

RFA cho hay, FWA sau đó đã thu hồi bốn máy bay Airbus A321, và thay đổi đăng ký của bốn chiếc này từ Việt Nam sang Guernsey, một hòn đảo nằm ngoài khơi vùng biển giữa Pháp và Anh.

Tuy nhiên, VietJet từ chối công nhận tính hợp lệ của các thông báo chấm dứt cho thuê, đồng thời giữ quyền sở hữu các máy bay, và tiếp tục khai thác trong năm 2022.

Tới tháng 2/2024, trong một phiên tranh tụng trực tuyến, FWA cáo buộc VietJet tìm cách cản trở quá trình thu nợ, thu hồi máy bay, bằng cách can thiệp nhằm ngăn chặn việc đưa một trong số bốn chiếc ra khỏi Việt Nam.

BBC trích một văn bản phản hồi của VietJet gửi qua email, vào tháng 2/2024, nói rằng, FWA là “‘một quỹ kền kền”, và FWA “không thể thực hiện các quy định xuất khẩu tại Việt Nam, không tuân thủ luật pháp, dẫn đến gây ra các lỗi rất cơ bản”.

“Hãng có khả năng tài chính, nhiều lần đề nghị tiếp tục trả tiền thuê hoặc mua lại máy bay, nhất là phục vụ cho nhu cầu của hành khách, trong và sau đại dịch Covid-19, nhưng FWA không hợp tác” – thông cáo của VietJet gửi cho BBC viết.

Sau phiên tòa kéo dài hai tuần hồi tháng 6/2024, Thẩm phán Simon Picken của Tòa Thượng thẩm Anh hôm 31/7 đã ra quyết định bên cho thuê FWA thắng kiện.

BBC dẫn lại phán quyết của Thẩm phán Picken, nói rằng, các khoản nợ không thanh toán của VietJet là “có giá trị lớn và lâu dài, và rằng VietJet đã có thể hoàn thành các nghĩa vụ của mình, nhưng đã chọn không thực hiện dù biết điều gì sẽ xảy ra nếu không trả”.

Phán quyết của Tòa Thượng thẩm Anh chỉ ra nỗ lực cản trở thu hồi máy bay của VietJet, được thể hiện rõ ràng trong lá thư gửi Bộ Giao thông Vận tải ngày 10/10/2023, khi hãng hàng không giá rẻ “vận động” cơ quan chính phủ, cản trở việc đưa máy bay ra khỏi Việt Nam.

BBC cho biết, các luật sư của VietJet nhận thấy một số hiểu lầm trong phản ánh ban đầu, của tòa án về các sự kiện và tình tiết quan trọng của vụ việc.

VietJet cho biết không đồng ý với kết luận rằng, bên cho thuê có thể “đột ngột chấm dứt không hợp lệ những hợp đồng vay, thuê mua dài hạn, ổn định của hãng, đúng vào lúc đại dịch lên tới đỉnh điểm”. Hãng này viện dẫn đã thực hiện các chuyến bay đưa người ra khỏi tâm dịch và hỗ trợ cung cấp nhu yếu phẩm, thiết bị y tế.

Hãng hàng không giá rẻ này tiếp tục “phản đối mọi cáo buộc của FWA”, “bao gồm những cáo buộc cản trở quyền sở hữu hay xuất khẩu tàu bay”.

Tuy nhiên, VietJet không trả lời câu hỏi của BBC về tình trạng khai thác và vị trí của bốn chiếc máy bay Airbus trong vụ tranh chấp.

BBC cũng dẫn lời đại diện truyền thông của VietJet cho biết hãng khẳng định sẽ kháng cáo, và tin tưởng vào hệ thống tòa án Anh quốc, đồng thời “chắc chắn rằng công lý sẽ chiến thắng và quyết định cuối cùng sẽ công bằng cho hãng hàng không trong phiên tòa dự kiến đưa ra vào năm 2025”.

 

Quang Minh – thoibao.de