Ngày 10/8, BBC Tiếng Việt cho hay “Cựu Thủ tướng Hun Sen bác bỏ chuyện xa Việt Nam, thân Trung Quốc vì Phù Nam Techo”.
Theo đó, cựu Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt một bài báo trên tờ Sega của Bulgaria, ngày 5/8, với nhan đề “Trung Quốc kéo Campuchia rời xa Việt Nam bằng cách chuyển hướng giao thông dọc sông Mekong”.
BBC dẫn báo Khmer Times hôm 8/8, cho biết, ông Hun Sen nhấn mạnh, chuyện xây dựng kênh đào hoặc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với Việt Nam hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.
“Campuchia không từ bỏ bất kỳ người bạn nào! Quan hệ với các quốc gia bạn bè cũng phong phú như những bông hoa đầy sắc màu” – ông viết trên Facebook.
Ông Hun Sen bác bỏ cáo buộc rằng, ông sử dụng dự án kênh đào Phù Nam Techo để giúp người con trai cả Hun Manet lên nắm quyền, và tăng cường sức ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc.
“Thủ tướng Hun Manet lên nắm quyền cũng thông qua một cuộc bầu cử dân chủ, như nước Mỹ, với cựu Tổng thống George W. Bush có cha là ông George H.W. Bush từng là Tổng thống!”
“Việc cho rằng con kênh đào phục vụ tàu chiến Trung Quốc chỉ là sự hoang tưởng của những người ganh tị với Campuchia. Campuchia biết suy nghĩ và đang quyết định vận mệnh của mình” – ông Hun Sen khẳng định
BBC nhắc lại, trước đó, ông Hun Sen đã thường xuyên bác bỏ các nhận định cho rằng, kênh đào Phù Nam Techo có thể cho tàu chiến Trung Quốc di chuyển sâu vào nội địa Campuchia, và tiến về biên giới giữa nước này và Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh chủ quyền quốc gia là trên hết.
Ông Hun Sen cũng khẳng định, dự án kênh đào Phù Nam Techo không được tài trợ hoàn toàn “bằng tiền của Trung Quốc”, mà các doanh nghiệp Campuchia nắm đa số cổ phần trong tỷ trọng vốn đầu tư.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của BBC, một Tập đoàn lớn của Campuchia là OCIC góp vốn đến 49% vào dự án này, về danh nghĩa là công ty Campuchia, nhưng đằng sau là Trung Quốc.
BBC dẫn một bài viết khác trên trang Khmer Times ngày 7/8. Khác với những bài viết ủng hộ đại dự án trước đây trên tờ báo này, bài viết này đặt ra những câu hỏi, như, liệu kinh phí ước tính là 1,7 tỷ USD có thấp hơn so với mức thực tế, cũng như, liệt kê những quan ngại liên quan đến môi trường, địa chính trị, đồng thời đặt câu hỏi về tính khả thi của dự án này.
Tuy nhiên, nội dung bài viết chỉ dừng lại ở việc đề cập, không đi sâu vào bình luận, phân tích.
BBC cho biết, 3 ngày sau khi Campuchia chính thức động thổ dự án lịch sử, Việt Nam tiếp tục kêu gọi Phnom Penh chia sẻ thông tin về dự án.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt vào ngày 8/8 cho biết:
“Việt Nam ủng hộ nỗ lực phát triển của Campuchia, cũng như tôn trọng việc Campuchia triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo. Chúng tôi cũng mong muốn cùng phối hợp nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tổng thể tác động của dự án, cũng như có những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động.”
Vẫn theo BBC, lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng về dự án Phù Nam Techo là ngày 11/4. Khi đó, ông Đoàn Khắc Việt nói:
“Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Fanan Techo và cũng đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Uỷ hội Sông Mekong Quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, để đảm bảo hài hoà lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực.”
BBC dẫn nhận định của ông Brian Eyler – Giám đốc Chương trình Năng lượng, Nước và Tính Bền vững của Trung tâm Stimson, rằng:
“Cách Chính phủ Campuchia thực hiện dự án kênh đào Phù Nam Techo là vi phạm Hiệp định sông Mekong 1995.”
Ý Nhi – thoibao.de