Kế hoạch chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam đã thất bại, một phần do đàn áp xã hội dân sự

Ngày 21/8, RFA Tiếng Việt cho hay “Dự án 88: Đàn áp xã hội dân sự làm suy yếu quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam”.

RFA cho biết, một báo cáo mang tên “Ngày tận thế sắp đến?”, dài 56 trang bằng tiếng Anh, công bố ngày 15/8, của tổ chức phi chính phủ chuyên vận động cho nhân quyền ở Việt Nam – Dự án 88 (Project 88), cho rằng, việc chuyển đổi sang năng lượng sạch trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng JETP – một tuyên bố chính trị được thiết lập bởi Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế, đang thất bại.

Theo RFA, Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng được thông qua và công bố ngày 14/12/2022, theo đó, các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, và chuyển đổi từ nhiên liệu hoá thạch sang năng lượng sạch.

RFA dẫn kết luận của Dự án 88, rằng, cho đến nay, tất cả các bên đều không thực hiện đúng các cam kết của mình trong thỏa thuận.

Theo đó, các nước giàu tài trợ cho Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng của Việt Nam, chỉ cung cấp 2% trong tổng số tiền đã hứa, dưới dạng tài trợ không hoàn lại, số còn lại là cho vay theo lãi suất thị trường, mà Việt Nam không muốn chấp nhận vì lãi suất cao.

Dự án 88 khuyến cáo, các quốc gia giàu cần cung cấp các khoản tài trợ không hoàn lại, và không đưa Việt Nam trở thành con nợ của mình.

Vẫn theo RFA, Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng được trông đợi giúp Việt Nam đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, Dự án 88 nói, Việt Nam ưu tiên an ninh năng lượng, bằng cách tiếp tục tăng cường sử dụng than, hơn là chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu xanh và sạch.

Việt Nam hiện có 75 nhà máy và có kế hoạch xây dựng ít nhất 8 nhà máy nữa.

RFA nhắc lại, vào tháng 6/2023, sau khi miền Bắc thiếu điện do nhiệt độ cao và sản lượng điện từ các nhà máy thuỷ điện suy giảm vì thiếu nước, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã yêu cầu các cơ quan Chính phủ tăng sản lượng than và khí đốt.

RFA dẫn lời ông Nguyễn Phạm Mười, một nhà quan sát thời cuộc ở Hà Nội, cho rằng, nhiều năm qua, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam liên tục thua lỗ, “nên yêu cầu EVN hạn chế chạy nhà máy điện than là không thể”, vì điện than giá rẻ hơn điện khí. Hơn nữa, Ban lãnh đạo EVN chỉ có nhiệm kỳ vài năm, nên họ sẽ không nghĩ cho 20 năm sau.

RFA tiếp tục dẫn báo cáo của Dự án 88, cho rằng, tự do lập hội và tự do ngôn luận đặc biệt quan trọng đối với chính sách khí hậu. Tuy nhiên, Việt Nam thường xuyên vi phạm các quyền này, đặc biệt là đối với các nhà hoạt động vì khí hậu. Dự án 88 nêu dẫn chứng, kể từ năm 2021, đã có 6 nhà lãnh đạo chủ chốt chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam bị cầm tù.

Đó là: bà Ngụy Thị Khanh, ông Đặng Đình Bách, ông Mai Phan Lợi, ông Bạch Hùng Dương, bà Hoàng Thị Minh Hồng và bà Ngô Thị Tố Nhiên.

Trước khi bị bắt, họ vận động thành công Chính phủ cam kết phi carbon hóa nền kinh tế, đỉnh điểm là tuyên bố về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26, vào tháng 11/2021 – Dự án 88 cho hay.

RFA cũng cho biết, Dự án 88 nhắc lại việc Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 24, vào tháng 7/2023, với mục tiêu bảo đảm không có ảnh hưởng từ nước ngoài trong quá trình hoạch định chính sách, và dập tắt các nỗ lực của các nhà hoạt động, nhằm định hình chính sách nhà nước và thúc đẩy cải cách pháp luật.

Do vậy, hàng tỷ đô la viện trợ nước ngoài, bao gồm cả tài trợ khí hậu, đã bị giữ lại. Tính đến tháng 5/2024, không có khoản tiền nào của Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng được giải ngân.

 

Xuân Hưng – thoibao.de