Trong tay nắm trọn công cụ bạo lực, Tô Lâm mơ về một “vĩ nhân” họ Tô?

Khi thâu tóm quyền lực trong tay, ông Nguyễn Phú Trọng từng bước xây dựng hình ảnh của mình thành một “bậc vĩ nhân”, như Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp – 2 nhân vật trong ngôi đền thiêng của chế độ này. Ông Trọng sử dụng cái lò nổi tiếng để xây dựng hình ảnh. Tuy cuối đời, “lò” bị mất kiểm soát, và bị đồ đệ cướp mất, nhưng vẫn không sao, Tuyên giáo vẫn huyền thoại hóa hình ảnh của ông.

Tại kỳ họp Tiểu ban Nhân sự ở Văn phòng Trung ương Đảng, ngày 27/8 vừa qua, Tô Lâm đã nói về một “khởi điểm lịch sử mới”. Vậy, lịch sử mới này có phải là lịch sử do ông Tô Lâm tạo ra? Có phải, ông Tô Lâm muốn tạo ra một lối đi hoàn toàn khác với ông Trọng?

Có thể nói, câu nói trên của ông Tô Lâm chứa đầy tham vọng. Sau khi đã tước đoạt thành công quyền lực tối cao của Đảng, Tô Lâm xem như đã thỏa ước mơ “trị quốc”, và giờ đây, ông bắt đầu xây dựng ước mơ “bình thiên hạ” chăng?

Thời kỳ Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp là thời dân thất học, thiếu thông tin, vì thế, Đảng dễ dàng thành công xây dựng nên những huyền thoại. Đến thời ông Nguyễn Phú Trọng thì việc này đã không còn dễ dàng nữa. Dù “lò” của ông Trọng đốt nhiều củi thật đấy, nhưng Đảng có sạch không?

Nếu Đảng đã không trong sạch, thì dân được ích lợi gì? Chống tham nhũng nhưng lại nuôi cho tham nhũng lớn mạnh bằng cơ chế, bằng thể chế lỗi thời, thì dân vẫn khốn khổ.

Mặc dù được rất nhiều dư luận viên tung hô, nhưng ông Trọng vẫn không thể trở thành “bậc vĩ nhân”. Dù ông có chống tham nhũng đến hơi thở cuối cùng, nhưng người dân thấy rõ, những “đệ tử ruột” của ông, như Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai… và cả hệ thống công quyền mà ông tạo nên đều bẩn.

Tại Nga, Putin cũng có tham vọng tạo nên một “Tổng thống vĩ đại”. Dù sống ở thế kỷ 21, nhưng Putin lại có tư tưởng của những bạo chúa thời trung cổ. Ông muốn biến bản thân thành một “đại đế” thời hiện đại của nước Nga, bằng cách xua quân xâm lược nước khác. Nhưng kết quả lại vô cùng thảm hại. Nước Nga bị thế giới văn minh ruồng bỏ, Putin bị xem là tội phạm, uy tín nước Nga trên trường quốc tế bị tụt dốc thảm hại.

Không cần phải để “lịch sử phán xét”, chỉ cần nhìn kết quả hiện tại, thì đủ biết, Putin sẽ được miêu tả như thế nào trong những trang sách sử tương lai. Chắc chắc, ông chỉ là một kẻ độc tài sắt máu, chống lại văn minh tiến bộ, chống lại loài người, tên tội đồ tàn phá nước Nga hơn bất kỳ lãnh tụ nào khác vv…

Tương tự như vậy, với bản chất quân phiệt, cai trị 100 triệu dân bằng công an, và đặc biệt là sẵn sàng đạp lên luật pháp, miễn đạt được ý muốn, thì Tô Lâm không thể xây dựng được hình ảnh một nhà lãnh đạo “kiệt xuất”. Ông có thể chỉ đạo cho Tuyên giáo làm điều đó, chỉ đạo cho bộ máy giáo dục làm điều đó, nhưng sẽ vô ích. Bởi lịch sử rất công bằng, và người dân không bao giờ thừa nhận một kẻ cai trị bằng bạo lực, lại là người đáng tôn trọng. Thời đại internet này, bạo chúa không bao giờ là tự biến mình thành “kiệt xuất” được.

Với cách chiếm quyền bằng bạo lực, với việc dùng công an để thực hiện ý đồ cá nhân, Tô Lâm không những gây thù chuốc oán với 100 triệu dân, mà còn gây thù chuốc oán với rất nhiều thế lực khác trong Đảng. Càng sử dụng bạo lực hà khắc, ngôi báu của Tô Lâm càng kém bền vững.

Liệu rằng, Tô Lâm có thể diệt sạch mọi thế lực chống đối hay không? Chắc chắn là không. Và chính những thế lực bị Tô Lâm cướp mất chén cơm, cướp mất cơ hội, họ sẽ nuôi ý chí “phục thù”.

Nếu Nguyễn Phú Trọng cuối đời bị phản, thì không lý do gì, Tô Lâm lại không bị phản. Đứng trước cơ hội chiếm đoạt quyền lực, dù có là đồng hương Hưng Yên, thì cũng sẽ quay ra chiến nhau thôi.

Chiếm ngôi đã khó, giữ ngôi lại càng khó hơn. Liệu Tô Lâm có giữ ngôi được lâu như Nguyễn Phú Trọng hay không? Thời gian sẽ trả lời.

 

Thái Hà-Thoibao.de