Trung Quốc sắp chuyển giao tàu chiến và cảng nước sâu ở căn cứ Ream cho Campuchia

Ngày 28/8, RFA Tiếng Việt cho hay “Trung Quốc chuyển giao 2 tàu chiến và cảng nước sâu cho hải quân Campuchia”.

RFA dẫn các nguồn tin của họ cho biết, Trung Quốc có thể sẽ sớm chuyển giao cho hải quân Campuchia 2 tàu chiến, và cảng nước sâu đủ sức chứa cho tàu sân bay, và các cơ sở liên quan đang được xây dựng ở căn cứ bên bờ biển của Campuchia.

Khoảng 100 tàu hải quân Trung Quốc đã làm việc “ngày đêm” tại căn cứ hải quân Ream, để chuẩn bị chuyển giao quyền kiểm soát cho Campuchia, nhiều khả năng là vào cuối tháng 9 này, các nguồn tin cho biết.

RFA cho biết, 2 tàu hải quân Trung Quốc, là tàu hộ tống Type 056A có tên lửa với số hiệu là 630 và 631, đã đến căn cứ Ream từ tháng 12/2023. Hai tàu này sẽ được chuyển giao cho hải quân Campuchia cùng với những cơ sở mới, sau khi đã đào tạo các nhân viên hải quân Campuchia để vận hành các tàu này.

Theo RFA, nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng, có khả năng, Campuchia đã cho phép các tàu Trung Quốc được triển khai đến Ream định kỳ, “không phải đậu cố định”, để tránh vi hiến.

RFA dẫn lời chuyên gia cấp cao Thomas Shugart, từ Mỹ, nói rằng, cảng mới được ước tính có chiều dài 300 mét và “phải có khả năng chứa bất cứ tàu nào của hạm đội thuộc hải quân Trung Quốc, bao gồm cả loại tàu sân bay mới Type 003”.

Căn cứ hải quân của Campuchia đã có sự mở rộng và nâng cấp nhanh chóng, mạnh mẽ trong năm qua, theo các hình ảnh vệ tinh. Các quan sát thực địa của RFA xác nhận rằng, ngoài cảng mới, căn cứ bây giờ còn có ụ khô, cầu tàu và nhiều tòa nhà lớn bao gồm cả văn phòng và doanh trại.

RFA cũng cho hay, Campuchia và Trung Quốc bắt đầu xây dựng cảng hải quân Ream, với sự trợ giúp vốn từ Bắc Kinh vào tháng 6/2021, khiến Hoa Kỳ phải cảnh báo, và một vài nước láng giềng của Campuchia đã lo lắng về sự hiện diện quân sự đang gia tăng của Trung Quốc, rất gần với vùng Biển Đông đang có tranh chấp.

Hoa Kỳ đã bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về sự kiểm soát rõ ràng của Trung Quốc đối với các phần của cơ sở hải quân ở Campuchia.

Vẫn theo RFA, nhiều cơ sở do Mỹ và Việt Nam tài trợ xây dựng ở căn cứ này trước đây, đã bị phá bỏ và thay mới.

Campuchia đã nhiều lần phản bác thông tin rằng, Trung Quốc được cho phép có quyền tiếp cận đặc biệt vào căn cứ này, đồng thời nói rằng, điều này là vi phạm Hiến pháp Camphuchia.

RFA dẫn các quan chức Trung Quốc, cũng nói rằng, việc trợ giúp nâng cấp và cải tạo căn cứ hải quân Campuchia là nhằm nâng cao khả năng cho Campuchia trong việc duy trì toàn vẹn chủ quyền và chống tội phạm trên biển, không phải để có được một căn cứ quân sự tiềm tàng.

RFA cũng dẫn các nhà phân tích quân sự, đặt câu hỏi về sự hiện diện liên tục của 2 tàu chiến Trung Quốc ở căn cứ – điều mà theo ý kiến của họ là chỉ dấu cho thấy, Trung Quốc đang thiết lập sự hiện diện thường xuyên ở Vịnh Thái Lan.

Mặc dù vậy, phân tích của RFA đã xác định rằng, 2 tàu chiến ở Ream trong tháng này khác với 2 tàu chiến có mặt ở đây hồi tháng 12 năm ngoái.

Các tàu chiến trước đó là Wenshan (số 623) và Bazhong (số 625). Các tàu này, ngoài việc đào tạo cho nhân viên hải quân Campuchia, còn tham gia vào cuộc tập trận chung Rồng Vàng, diễn ra vào tháng 5 vừa qua, với các tàu của hải quân Campuchia.

RFA dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia, Tướng Chhum Socheat, phát biểu hồi tháng 5 rằng, Phnom Penh đang có kế hoạch mua thêm các tàu Trung Quốc để phục vụ nhu cầu của mình. Hiện không rõ, liệu Campuchia có phải trả tiền mua tàu, và trả bao nhiêu cho 2 tàu hộ tống khi được chuyển giao vào tháng tới.

RFA cũng nhìn thấy, lần đầu khu vực ở Công viên Quốc gia Ream gần căn cứ hải quân, đã được giao cho Bộ Quốc phòng Campuchia xây dựng một trụ sở và bộ chỉ huy phòng không, cũng như một hệ thống radar hải quân. Công trình xây dựng đã bắt đầu tại hiện trường, nơi cây cối đã bị chặt để phát quang và xây đường.

 

Thu Phương – thoibao.de