Vì sao Tổng Bí thư Tô Lâm được đánh giá là lãnh đạo cứng rắn, thiên về tư bản và thích hưởng thụ?

Sau một thời gian hết sức ngắn ngủi, cựu Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời nắm giữ 2 chức vụ hàng đầu, là Tổng Bí thư và Chủ tịch nước.

Theo giới phân tích quốc tế, Tô Lâm là người thực dụng, chỉ chú trọng kinh tế, thay vì lý luận chính trị. Đáng chú ý, ông là người thực thi các chính sách do ông Nguyễn Phú Trọng đề ra, nhưng ông cũng lợi dụng chiến dịch chống tham nhũng, để loại bỏ các đối thủ cản bước ông trên con đường thâu tóm quyền lực.

Tuy nhiên, giới phân tích quốc tế đặt nghi vấn, phải chăng, ông Tô Lâm là tân lãnh đạo cứng rắn của Việt Nam, thiên về tư bản, và là người thích hưởng thụ?

Đây cũng chính là tiêu đề của bài nhận định trên báo The Economist tuần qua: “Nhà lãnh đạo mới cứng rắn của Việt Nam: thiên về tư bản và thích hưởng thụ”. Bài báo đã gây ra sự ngạc nhiên và dẫn tới các bình luận trái chiều.

Việc ông Tô Lâm là người thích hưởng thụ, tác giả đưa dẫn chứng là sự kiện dát vàng”, và cho rằng:

Ông Lâm bị tai tiếng vì vụ thưởng thức món thịt bò dát vàng của đầu bếp nổi tiếng Nusret Gokce, ở Luân Đôn, sau khi đến thăm mộ lãnh tụ Cộng sản Karl Marx.”

Trên mạng xã hội của người Việt trước đây, đã có những chia sẻ cho rằng, 1 bữa thịt bò “dát vàng” của ông Tô Lâm, trị giá 37.000 bảng Anh, tương đương 50.000 USD, hay 1kg vàng, vào thời điểm năm 2021, trong mùa đại dịch Covid-19.

Điều đáng chú ý, trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, ông Tô Lâm đã ghé qua thành phố Quảng Châu, trước khi đi Bắc Kinh, để tưởng niệm ông Hồ Chí Minh. Bởi lý do, tôn vinh các nhà cách mạng lão thành là điều kiện tiên quyết, để thăng tiến trong chính trường Việt Nam.

Theo The Economist, ông Tô Lâm chọn thăm Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, cũng cho thấy tinh thần trọng thương mại. Nghĩa là, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ngầm ưu tiên cho Tư bản Chủ nghĩa, chứ không phải Xã hội Chủ nghĩa – điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn theo đuổi và cổ súy.

Quan hệ giữa ông Tô Lâm với lĩnh vực kinh tế tư nhân, khiến người ta nghĩ rằng, ông chú ý và quan tâm đến giới kinh doanh. Ngoài ra, ông Tô Dũng – em trai Tổng Bí thư Tô Lâm, là một doanh nhân lớn, sở hữu doanh nghiệp trị giá hàng tỷ USD, kinh doanh nhiều lĩnh vực, nhất là bất động sản, năng lượng, và đất hiếm. Ông Tô Dũng khởi nghiệp bắt đầu từ việc làm đại lý của thương hiệu xe máy Vespa Piaggio, tại Việt Nam.

Dù Chủ tịch nước là một chức vụ tượng trưng, nhưng đó là một bước đệm để ông Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư, sau khi cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời.

Trong Chính phủ Việt Nam hiện nay, số lượng các quan chức cấp cao xuất thân từ công an khá nhiều, bao gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính. Trong khi, phe quân đội chỉ chiếm được 4/15 ghế trong Bộ Chính trị, thua phe công an 1 ghế. Theo giới phân tích, đó là lý do, có những đánh giá cho rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm “nhạy cảm” với các đối thủ từ phe quân đội, hơn là những mối đe dọa khác.

Theo giới phân tích quốc tế, Tổng Bí thư Tô Lâm công du Trung Quốc trước, và nay sắp đi Mỹ, cho thấy, ông không chỉ tiếp tục chính sách “ngoại giao cây tre”, mà còn phải xử lý các vấn đề liên quan đến cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, trong bối cảnh quốc tế diễn biến rất phức tạp.

Tháng 10 tới đây, Quốc hội khóa 15 sẽ bầu tân Chủ tịch nước, và ông Tô Lâm sẽ thôi chức danh Chủ tịch nước. Điều này có nghĩa là, nguyên tắc lãnh đạo tập thể của Đảng Cộng sản Việt Nam được tái duy trì.

Đây là sự khác biệt so với mô hình nhất thể hóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều đó cho thấy, xu hướng suy yếu quyền lực của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Trà My – Thoibao.de