Ngày 10/9, BBC Tiếng Việt bình luận “Vì sao hàng chục ngàn cây xanh bật trơ gốc ở Hà Nội sau bão Yagi?”
Theo đó, sau khi cơn bão Yagi càn quét qua các tỉnh phía Bắc Việt Nam, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm, là hàng ngàn cây xanh gãy đổ, bật gốc, lộ ra bộ rễ trơ trụi, thậm chí vẫn bị bó chặt trong các bầu đất.
Theo ước tính sơ bộ, hàng vạn cây xanh ở các tỉnh miền Bắc đã bị bão quật đổ. Riêng tại Hà Nội, số cây bật gốc ước tính khoảng 24.000.
BBC trích bình luận đăng trên báo Lao Động, hôm 9/9, viết rằng:
“Trồng cây nhưng cây phải sống, sống khỏe, tạo mảng xanh cho đô thị, không phải trồng cho xong việc, sau khi nghiệm thu thì sống chết mặc cây.”
BBC cho biết, bão Yagi được ghi nhận kỷ lục, là cơn bão giữ cấp siêu bão (cấp 16) lâu nhất trên Biển Đông, trong khoảng 30 năm trở lại đây.
Sau cơn bão, nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh cây xanh đổ bật gốc trên nhiều tuyến đường đô thị – nơi cơn bão đi qua.
BBC nêu vấn đề, sau mỗi cơn bão và các đợt cây bị bật gốc, dư luận lại đặt câu hỏi về trách nhiệm của các công ty cây xanh, trong việc trồng và chăm sóc cây.
Tuy nhiên, mỗi mùa bão qua đi, cây vẫn tiếp tục bật gốc, trong khi, dư luận đến nay chưa nhận được câu trả lời nào thỏa đáng.
Dư luận cũng thảo luận về việc, liệu có nên ngay lập tức cưa các cây bật gốc làm gỗ, thay vì trồng lại và chăm sóc.
BBC cũng cho biết, ngày 8/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, khi đi kiểm tra tình hình thiệt hại của bão số 3, đã yêu cầu phải cứu, trồng lại những cây xanh bị đổ do bão.
BBC trích dẫn báo Lao Động, cho biết, Thạc sĩ Ngô Thị Minh Thê, trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng, những cây được lựa chọn trồng ở đô thị phải là những cây có kết cấu rễ cọc, ăn sâu xuống dưới lòng đất. Tuyệt đối không trồng những cây tăng trưởng nhanh.
Bà Thê cũng cho rằng, việc cây còn nguyên bầu đất bọc nilon khiến rễ cây không phát triển, khó bám chắc vào đất, và dễ gãy đổ.
BBC trích bài trên báo Tiền Phong, dẫn lời lãnh đạo một đơn vị chuyên cây xanh đô thị tại Hà Nội, khẳng định, tại tất cả các dự án có cây xanh, thì việc đưa cây nhỏ về trồng nguyên bầu là “đúng kỹ thuật”. Với đợt mưa bão quá lớn vừa qua thì cây bật gốc, là điều không thể tránh khỏi.
Trong khi đó, nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, việc trồng cây để trong các bầu đất như vậy là không đúng cách, là cách làm gian dối.
BBC dẫn bình luận của Facebooker Cù Mai Công, rằng:
“Riêng về mấy bầu nhựa quanh gốc cây khiến rễ cây bị bó, không khó truy lại đơn vị, bộ phận trồng mấy cây đó, lẫn những đơn vị làm đường, làm vỉa hè, đã chặt, xén rễ… Để xử lý, kỷ luật và bồi thường về hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” này.”
BBC cũng dẫn nhận xét của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, viết trên Facebook cá nhân:
“Nhìn vào các gốc trốc lên, ai cũng thấy rõ, đó là những bao ni lông phải cả 100 năm sau mới tiêu hủy được. Bằng chứng là sau vài năm trồng, các bao ấy vẫn còn nguyên, và hoàn toàn không có cái rễ nào xuyên qua bao ấy được. Hầu hết, những cây bị bọc rễ ấy phải đâm rễ ra từ phần gốc không bọc bên trên. Đó là lý do tại sao cây đổ dễ dàng.”
Theo BBC, có nhiều ý kiến khác nhau về chuyện cứu cây. Có ý kiến cho rằng cần cứu, trồng lại cây gãy đổ, chỉ cây nào không thể cứu được mới bỏ.
Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, chỉ nên cứu các cây có ý nghĩa văn hóa, lịch sử, còn lại, cây đã đổ nên loại bỏ, trồng cây khác. Quan trọng nhất là chọn đúng loại cây thích hợp với đô thị, và trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật.
Thu Phương – thoibao.de