Công an và quân đội  “chạy đua vũ trang”, Tô Lâm lấy ít thắng nhiều!

Năm 2023, Bộ Quốc phòng được duyệt chi 185.235 tỷ đồng, Bộ Công an được duyệt 99.953 tỷ đồng.

Năm 2024, Bộ Quốc phòng được nhận nguồn ngân sách 207.585 tỷ đồng, tăng 22.350 tỷ đồng. Bộ Công an nhận 113.271 tỷ đồng, tăng 13.318 tỷ.

Cũng năm 2024, Bộ Y tế chỉ được cấp ngân sách 7.010 tỷ đồng, Bộ Giáo dục nhận được ngân sách tương đương. Chỉ riêng số tiền mà Trung ương Đảng tăng thêm cho Bộ Quốc phòng, cũng đã gấp 3 lần ngân sách cả năm cho Bộ Y tế; còn ngân sách tăng thêm cho Bộ Công an cũng gần gấp 2 lần Bộ Y tế.

Con số không biết nói dối. Ngàn lời ca tụng của tuyên giáo, rằng, “nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân”, cũng không thể nào che lấp được thực tế là, Đảng đổ quá nhiều tiền cho quân đội và công an, mà bỏ mặc người dân tự bơi.

Trên thực tế, tiền mà Đảng đổ vào cho quân đội và công an, chính là tiền thuế của dân. Nhưng Đảng lại để mặc cho các ngành y tế và giáo dục tự tìm cách móc túi dân mà tồn tại.

Hiện nay, phe quân đội và phe công an đang tranh giành quyền lực ở thượng tầng chính trị. Phe công an đứng đầu là Tô Lâm, đang giữ thế thượng phong. Phe quân đội nhỉnh hơn phe công an về ngân sách, và đông hơn về số uỷ viên Bộ Chính trị, cũng như uỷ viên Trung ương Đảng, nhưng lại phải chịu lép vế trước phe công an. Rõ ràng, Tô Lâm đã lấy ít thắng nhiều bằng cách chú trọng vào Bộ Chính trị, nơi tập trung quyền lực cao nhất này, công an chiếm 6 ghế,  nhiều hơn quân đội 2 ghế. Và đây là bài học chua chát cho phe quân đội.

Sắp tới, phe quân đội sẽ có đại diện ở “Tứ trụ”, nếu biết đoàn kết, phe quân đội hoàn toàn có thể hình thành một thế lực mới, cân bằng với phe công an. Với sự hình thành 2 phe, cùng tồn tại song hành, hứa hẹn, năm sau ngân sách sẽ tiếp tục tăng thêm cho quân đội và công an nhiều hơn nữa. Bên nào cũng muốn ngân sách rót về phe mình thật nhiều, để có điều kiện rút rỉa và phân bổ lợi ích, nhằm củng cố lực lượng.

Khi công an và quân đội tranh chạy đua, thì chắc chắn, họ sẽ vét hết tiền để bơm vào ngành của họ. Như vậy, sẽ không có tiền để tăng thêm cho y tế và giáo dục. Hơn nữa, bấy lâu nay, Đảng đã ngầm cho phép 2 ngành này được móc túi dân, thì nay cũng sẽ tiếp tục.

Đấy là một phần của bức tranh hiện thực, về nền chính trị Việt Nam.

Với cách quản lý của nhà nước Cộng sản, thì việc bơm nhiều tiền cho quân đội, không có nghĩa là quân đội sẽ hùng mạnh; bơm nhiều tiền cho công an, không có nghĩa là công an biết bảo vệ dân và tuân thủ luật pháp. Việc bơm quá nhiều tiền chỉ tạo điều kiện cho các phe nhóm kiếm chác, và sử dụng nó như một thứ “đặc ân” mà các quan lớn ban phát cho các quan nhỏ. Lợi ích nhóm chính trị, đa phần hình thành theo cách này.

Khi quân đội và công an giành giật nhau trên vũ đài chính trị, thì hầu hết tiền thuế của dân đều hút về hai lực lượng này. Sẽ không có tiền để đầu tư trực thăng, hay xuồng máy chuyên dụng, nhằm mục đích cứu hộ, cứu nạn thiên tai. Sẽ không có ngân sách lớn cho y tế và giáo dục.

Trong khi đó, Đảng vẫn tìm đủ cách để khoan vào sức dân. Thiên tai xảy ra thì kêu gọi dân cứu dân; ngành y thì móc túi bệnh nhân để tồn tại; ngành giáo thì móc túi phụ huynh mà tồn tại.

“Chạy đua vũ trang” giữa quân đội và công an, không phải theo nghĩa đen, mà là việc họ tranh nhau nguồn tiền ngân sách. Trên danh nghĩa, 2 ngành này dùng tiền để đầu tư khí tài và huấn luyện binh lính, nhưng thực chất, tiền chảy vào túi các nhóm lợi ích, để chia chác nhau, và để mỗi bên củng cố sức mạnh của nhóm mình, rồi chiến nhau.

Quân đội và công an sẽ còn cạnh tranh nhau lâu dài trên vũ đại chính trị, chỉ có dân là phải chịu thiệt. Mỗi nhóm lợi ích đều có lợi ích to lớn về quyền và tiền.

Thoibao.de