Tin tức về việc nhà cầm quyền trả tự do cho nhà đấu tranh dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức nhanh chóng được lan rộng trên các nền tảng truyền thông xã hội cũng như các trang báo hải ngoại. Tuy nhiên, một nguồn tin ẩn danh cho biết, bà Hoàng Thị Minh Hồng, một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng cũng vừa được trả tự do, cùng thời điểm với ông Thức.
Bà Hồng và ông Thức được trả tự do chỉ vài giờ trước khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mỹ và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc, Khóa 79 ở New York.
Ngoài ra, trước 2/9 vài ngày, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao – một luật sư, trí thức phản biện nổi tiếng – cũng được trả tự do sau 21 tháng bị bắt giam với cáo buộc ngụy tạo về tội trốn thuế. Hồi đầu năm 2020 ông lên tiếng yêu cầu lập “uỷ ban độc lập” ở Quốc hội để điều tra vụ đột kích của lực lượng vũ trang Việt Nam vào xã Đồng Tâm cũng như cái chết của cụ Lê Đình Kình. Hồi tháng 3/2020 ông được Mỹ mời lên thăm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ngoài khơi Đà Nẵng.
Kỹ sư, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức 58 tuổi, một nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng bị bắt vào tháng 5 năm 2009. Ông cùng ba người bạn tranh đấu khác là doanh nhân Lê Thăng Long, luật sư Lê Công Định và thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung. Cả bốn người bị cáo buộc tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” trong một phiên tòa diễn ra vào năm 2010, thu hút sự quan tâm đặc biệt của công luận, các chính phủ dân chủ và các cơ quan nhân quyền quốc tế. Ông Thức là người bị kết án nặng nhất với 16 năm tù giam và 5 năm quản chế.
Sau khi ông Thức bị bắt, người ta mới biết ông mở những blog cá nhân như Trần Đông Chấn, “Change We Need” thông qua “Nhóm Nghiên Cứu Chấn” với các bài viết nghiên cứu, phân tích về tình hình chính trị, kinh tế, thời sự Việt Nam, thúc đẩy cải cách.
Trong những năm qua, các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, các chính phủ Hoa Kỳ, Anh, cũng như Liên Âu lên án việc cầm tù ông Trần Huỳnh Duy Thức là “đi ngược lại với Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc” và bản án ông Thức bị áp đặt là “nhạo báng công lý.” Ông Thức cũng từ chối tị nạn chính trị tại Mỹ như một điều kiện để Hà Nội trả tự do cho ông.
Giam cầm một con người tài năng, vô tội gần 16 năm và trả tự do trước thời hạn (chỉ) 8 tháng, và chỉ vài tiếng trước khi Tô Lâm lên đường công du Mỹ.
Ông Nguyễn Tiến Trung, từ nước Đức, cũng bày tỏ vui mừng khi hay tin ông Trần Huỳnh Duy Thức được trả tự do sớm tám tháng trước thời hạn. Ông Trung nói với RFA:
“Tôi rất bất ngờ và cũng rất vui mừng khi anh thức được trả tự do sớm vài tháng trước thời hạn 16 năm. Tuy nhiên, đối với tôi, bản án của anh Thức là hoàn toàn bất công và việc kết án 16 năm là không đúng, hoàn toàn sai trái của chính quyền Việt Nam.”
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Trung cũng tỏ ra lo lắng về bối cảnh hiện tại của phong trào dân chủ tại Việt Nam, khi chính quyền ngày càng đàn áp mạnh tay hơn:
“Thật đáng tiếc là anh Thức ra tù vào lúc phong trào dân chủ Việt Nam đang bị đàn áp nặng nề nhất. Hầu hết những người hoạt động dân chủ có tiếng tăm đều phải rời đi hoặc bị bắt giữ. Điều này có nghĩa là anh Thức sẽ gặp nhiều khó khăn khi trở lại, và có thể rất ít người còn bên cạnh anh để tiếp tục đấu tranh trong nước.”
Ông Trung cũng nhấn mạnh rằng, ông Trần Huỳnh Duy Thức sẽ cần thời gian để phục hồi sức khỏe sau một thời gian dài bị giam giữ, cũng như để có thể tìm lại sự liên kết với những nhà hoạt động mới trong phong trào dân chủ tại Việt Nam.
Theo một bài đăng trên Facebook Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ruột của ông Thức, sáu ngày trước khi ra tù, ông Thức nhắn với gia đình rằng một phái đoàn của chính phủ Mỹ đã đến trại tù số 6 ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, thăm tù nhân lương tâm Bùi Văn Thuận, chuyển lời hỏi thăm ông Thức kèm thông điệp “Hoa Kỳ rất quan tâm đến tù chính trị Việt Nam.”
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, là một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng. Năm 2019, tạp chí Forbes đã bình chọn bà là một trong 50 phụ nữ có tầm ảnh hưởng nhất tại Việt Nam.
Bà Hồng là người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực vào năm 1997, và đã trở thành Đặc phái viên trẻ của UNESCO và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong cùng năm đó.
Bà cũng là người Việt đầu tiên giành được học bổng của Quỹ Obama tại Đại học Columbia năm 2018-2019.
Nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng là người sáng lập kiêm Giám đốc tổ chức CHANGE, một tổ chức phi lợi nhuận địa phương năng động có sứ mệnh nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho cộng đồng bảo vệ thiên nhiên môi trường, động vật hoang dã, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.
Cùng trong năm 2019, bà là 1 trong 5 người nhận giải thưởng Đại sứ Truyền cảm hứng tại lễ trao giải WeChoice Awards 2019; và giành danh hiệu Chiến binh Xanh của Năm tại lễ trao giải Elle Style Awards. Năm 2015 bà được climateheroes.org đưa vào danh sách các Anh hùng Khí hậu (Climate Hero) nhân Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu COP21.
Vào năm 2018, trên danh khoản Twitter cá nhân của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama, ông đã viết rằng Hoàng Thi Minh Hồng (Hong Hoang) “là một trong những người trẻ đã truyền cảm hứng cho ông trong năm”.
Trước đó, ngày 1/6/2023, bà Hồng bị bắt với cáo buộc “trốn thuế”, kịch bản mà Hà Nội đã dựng lên để kết án các nhà hoạt động môi trường khác như Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách, Bạch Hùng Dương…
Ngày 28/9/2023, tòa sơ thẩm tại Sài Gòn kết án bà Hoàng Thị Minh Hồng 03 năm tù giam.
Việc bắt giữ bà Hồng đã bị Mỹ, một số nước phương Tây và các tổ chức như Liên Hợp Quốc, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế lên án.
Hiếu Bá Linh (Tổng hợp)
>> Những ai đứng tên cho khối tài sản khổng lồ của Nguyễn Xuân Phúc?
>> Anh em Nguyễn Xuân Phúc & Nguyễn Quốc Dũng
>> Hồ sơ khởi tố bắt giam vợ chồng N.X. Phúc & T.T.N.Thu đã hoàn tất
>> Nguyễn Hoà Bình có cứu được Nguyễn Xuân Phúc hay không?