Mở phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”: hết khôn dồn đến dại?

Điều 69 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 hiến định, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện quyền lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, và giám sát tối cao đối với hoạt động của bộ máy nhà nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, Quốc hội Việt Nam là một cơ quan hoàn toàn mang tính hình thức, chỉ thực hiện duy nhất một việc là “đóng dấu”, thông qua các nghị quyết, chủ trương của Đảng. Ngay đến cả vai trò lập pháp, thì các đại biểu cũng chỉ là có mặt, để thông qua các bộ luật, các văn bản dưới luật, do Chính phủ soạn sẵn. Vì vậy, họ được gọi là “nghị gật”.

Những điều kể trên đã phản ánh một tình trạng – “luật là tao, tao là luật” – của Đảng Cộng sản Việt Nam, và Quốc hội chỉ là công cụ của Đảng.

Mới đây, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông báo, tại kỳ họp lần thứ 8, Quốc hội khóa 15, vào tháng 10 tới đây, các đại biểu Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước mới, thay cho ông Tô Lâm. Đây là một sự kiện quan trọng, đang được công luận trong nước cũng như quốc tế hết sức quan tâm.

Ngày 27/9, báo Tin Tức đưa tin về “Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ 2 năm 2024”. Bản tin cho hay, trong các ngày, từ ngày 27 đến 29/9, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ 2 năm 2024, sẽ diễn ra tại Hà Nội, với sự tham dự của 306 đại biểu, là các em đội viên thiếu nhi tiêu biểu, đến từ 63 tỉnh, thành phố, trong cả nước.

Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ 2, do Trung ương Đoàn chủ trì, nối tiếp phiên họp giả định lần thứ 1 năm 2023. Mục đích được cho là, giúp các em thiếu nhi được trải nghiệm, tìm hiểu về bộ máy Quốc hội; khẳng định sự quan tâm lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đối với trẻ em.

Chủ đề này đã trở thành một nội dung bàn thảo rất sôi nổi trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một chủ trương vô bổ, không phù hợp.

Trong khi các phiên họp thật, của các đại biểu Quốc hội “thật”, còn chưa được thực hiện đúng, đủ các chức trách theo quy định. Thì tại sao phải bày vẽ ra cái gọi là Quốc hội “giả định” của trẻ con?

Hay đây là một trong những “thâm ý” của các lãnh đạo Quốc hội có lương tri, muốn sử dụng phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”, để gửi một thông điệp đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước, về tình trạng lâu nay ai cũng thấy. Đó là, Quốc hội Việt Nam “có cũng như không”, vai trò giám sát cũng chỉ là nói cho vui.

Với cơ cấu tổ chức hiện nay, các hoạt động giám sát của Quốc hội hoàn toàn chỉ mang hình thức, không hiệu quả. Trong khi, chi phí cho các buổi họp Quốc hội tốn kém hàng tỷ đồng mỗi ngày.

Theo giới chuyên gia, Quốc hội Việt Nam chỉ có thể giám sát hiệu quả, đối với các quan chức trong bộ máy chính quyền, do Quốc hội bổ nhiệm. Tức là, Quốc hội phải được quyền bãi miễn tất cả các chức danh lãnh đạo của Nhà nước, Chính phủ, cũng như Quốc hội.

Tuy nhiên, công luận thấy rằng, người dân Việt Nam hiện nay hoàn toàn không kỳ vọng vào vai trò của Quốc hội. Với lý do, Quốc hội vẫn do Đảng cử, còn việc dân bầu chỉ là hình thức. Tất cả những người tự ứng cử đều bị loại ngay từ vòng ngoài. Trong khi, những đại biểu Quốc hội có tâm với dân, như ông Lưu Bình Nhưỡng, ông Lê Thanh Vân… vì dám nói thẳng, nói thật, đều bị bắt giam vô cớ.

Đa số các đại biểu Quốc hội chỉ phát biểu theo sự phân công của Đảng. Đây là thủ đoạn mị dân, và khiến cho hoạt động của Quốc hội mang tính chất giả hiệu.

Nhận xét về cách tổ chức của Quốc hội Việt Nam, ông Bùi Kiến Thành – một Việt kiều đã về làm việc tại Việt Nam nhiều năm, cho biết: “Ở Việt Nam, mấy người vào Quốc hội như mấy ông sư hay tướng tá, là một việc hết sức khác so với các nước. Họ không bắt buộc phải hiểu biết về chính trị hay lập pháp, luật lệ. Nó độc đáo ở chỗ, phần lớn là nghiệp dư, cứ mỗi năm tới gặp nhau, chờ Chính phủ đưa ra những dự án luật này, luật kia, rồi họp nhóm, rồi cho ý kiến, và cuối cùng thì bấm nút, thế là xong.”

 

Trà My – Thoibao.de