Nguyễn Duy Ngọc – giải pháp Công an “trị” Công an trong Ban Bí thư!

Tô Lâm – người từng được Nguyễn Phú Trọng sử dụng để củng cố quyền lực, và đã tương kế tựu kế thành công trong việc chiếm ngôi Tổng Bí thư.

Tô Lâm đã giả vờ trung thành với ông Trọng một cách tuyệt đối, để có thời gian xây dựng lực lượng của riêng mình, và đợi thời cơ ra tay.

Khi ông Trọng còn sống, ông không hề có ý định truyền ngôi cho ông Tô Lâm, mà chọn người khác. Vương Đình Huệ được ưu tiên số 1, và Võ Văn Thưởng ưu tiên số 2. Có lẽ, ông Trọng nghĩ rằng, ông Tô Lâm là một quan võ, không phải là quan văn – giỏi về lý luận XHCN như ông Thưởng hay ông Huệ, hoặc ông coi Tô Lâm là một người dễ bị lợi dụng. Nếu ông Trọng nghĩ rằng, ông Tô Lâm là người dễ bị lợi dụng, thì ông đã nhầm to. Bởi chính Tô Lâm đã lợi dụng ông hiệu quả hơn rất nhiều, so với việc ông lợi dụng Tô Lâm.

Bao năm dưới trướng ông Trọng, ông Tô Lâm cũng đã học được công thức thành công. Thậm chí, ông còn có thể rút kinh nghiệm, từ những khiếm khuyết của ông Trọng. Ông Trọng đã đứng vững trên ngai vàng, nhờ công thức “Tứ trụ + Bộ Công an”. Nay, ông Tô Lâm cũng dùng công thức y như thế. Thậm chí, ông còn có tham vọng nắm chắc luôn cả quân đội, với ý định ủng hộ Tướng Hoàng Xuân Chiến tranh chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ở nhiệm kỳ sau.

Việc chiếm lấy Bộ Quốc phòng là một ý tưởng hay, nhưng không dễ thực hiện. Bởi hiện nay, ông Phan Văn Giang đang là thế lực mạnh nhất trong Bộ Quốc phòng, kế đến là thế lực của ông Lương Cường. Vị trí của ông Hoàng Xuân Chiến khá mờ nhạt, chưa đủ sức cạnh tranh với 2 nhân vật trên.

Đến gần cuối đời, công thức quyền lực của ông Trọng bị phá sản. Bộ Công an thì tạo phản, lật 2 đệ ruột của ông, để độc chiếm vị trí kế nhiệm ông. Ban Bí thư, nơi được xem như “sân nhà” của Tổng Trọng, lại mong manh dễ vỡ. Ông Tô Lâm dễ dàng đánh gục Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, khiến ông Trọng phải vội vã đưa tướng Lương Cường về trấn giữ.

Hiện nay, Tô Lâm đang đưa ông Nguyễn Duy Ngọc vào Ban Bí thư. Thông tin nội bộ cho biết, ý đồ của Tô Lâm là đưa ông Ngọc lên chức Thường trực Ban Bí thư, kế nhiệm Lương Cường, một khi Lương Cường lên làm Chủ tịch nước. Đích cuối cùng là phải lo thu xếp cho ông Ngọc vào được Bộ Chính trị, muộn nhất là đến năm 2026.

Ngoài ra, nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh cũng đang nỗ lực lực đưa người của mình vào vị trí Thường trực Ban Bí thư, sau khi ông Lương Cường rút đi.

Hiện nay, trong Ban Bí thư vẫn còn những uỷ viên Bộ Chính trị gốc Công an, đặc biệt là ông Phan Đình Trạc. Đây là nhân vật rất khó lường, và được đánh giá là “khó trị”, đối với Tô Lâm. Cũng có khả năng, ông Trạc của nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh sẽ trở thành Thường trực Ban Bí thư.

Tô Lâm đã thành công trong việc đưa Nguyễn Duy Ngọc vào Ban Bí thư, bước kế tiếp là sẽ cơ cấu vào ghế Thường trực Ban này, là cách mà Tô Lâm muốn công an hóa Ban Bí thư. Ở vị trí cao nhất – Tổng Bí thư, do một Đại tướng Công an nắm giữ; thấp hơn – ghế Thường trực Ban Bí thư được coi là Phó Tổng Bí thư, do một Thượng tướng Công an tọa trấn. Lúc đó, trong Ban Bí thư, nhóm Hưng Yên có thể dùng 2 tướng Công an, đánh 1 Đại tá Công an là ông Phan Đình Trạc. Dân Việt có câu, “2 đánh 1 không chột cũng què”. Đây được xem là giải pháp dùng Công an để trị Công an trong Ban bí thư.

“Dân trong ngành” đánh giá, Tướng Ngọc rất tàn bạo, là một viên tướng hung hãn, không chùn tay trước bất kỳ hành động bất nhân và bất hợp pháp nào, miễn sao mang về cho chủ hiệu quả tốt nhất. Một ví dụ điển hình là trường họp Chung “con”. Vậy nên, nếu ông Trạc còn muốn bám giữ lại Ban Bí thư ở nhiệm kỳ sau, thì cũng nên cẩn thận trước một Tướng Ngọc đầy nguy hiểm. Và còn đặc biệt nguy hiểm hơn, khi Tướng Ngọc được ông Tô Lâm bảo kê.

Việc bắt Nguyễn Văn Yên để loại Phan Đình Trạc, xem ra là giải pháp không hiệu quả của Tô Lâm. Phan Đình Trạc khó bị bứng hơn Vương Đình Huệ rất nhiều. Có lẽ, ông Tô Lâm cũng đang tính đến nước cờ “sống chung với lũ”, nghĩa là, chấp nhận việc ông Trạc ngồi lì ở Ban Bí thư, nhưng hạn chế sự ảnh hưởng của ông Đại tá Công an gốc Nghệ An này.

 

Thái Hà – Thoibao.de