Đưa Nguyễn Duy Ngọc vào ghế Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương không dễ như Tô Lâm tưởng

Trong kế hoạch thâu tóm quyền lực tuyệt đối trong Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ những ngày đầu, ông Tô Lâm đã có những biểu hiện “gây bè, kéo cánh”. Ông Tô Lâm đã và đang sử dụng các nhân vật thân tín, là đồng hương Hưng Yên, hay những người có mối quan hệ thân quen chặt chẽ với gia đình.

Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, ông Tô Lâm đã đưa Thứ trưởng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng chưa trọn 1 nhiệm kỳ, nhảy tót lên ghế Bộ trưởng Bộ Công An, để sau đó lập tức đưa vào Bộ Chính trị.

Tương tự, trong cùng một thời gian ngắn, Thứ trưởng Bộ Công An Nguyễn Duy Ngọc nhanh chóng được cơ cấu vào ghế Chánh Văn phòng Trung ương, rồi trở thành thành viên Ban Bí thư khi chưa là ủy viên Bộ Chính trị.

Điều đáng nói, tất cả đều được vận dụng với cái gọi là “trường hợp đặc biệt”. Đây là một trong những lý do khiến cho nội bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng ngày càng mâu thuẫn, và chia rẽ sâu sắc hơn.

Nguồn tin nội bộ của Thời Báo cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đang nỗ lực tìm mọi cách để đưa Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, ngồi ghế vào ghế Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thay cho ông Trần Cẩm Tú đã được phân công làm Thường trực Ban Bí thư.

Đây là một sự tính toán rất quan trọng, vì một khi Bộ trưởng Bộ Công an chuyển hồ sơ các vụ Đại án cho Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, để xem xét và đề xuất hướng xử lý cho Bộ Chính trị ra quyết định kỷ luật. Điều đó có nghĩa là, “kẻ tung và người hứng” đều là đàn em của Tổng Bí thư Tô Lâm. Khi đó, các đối thủ của ông Tô Lâm trong Ban lãnh đạo Đảng sẽ bị biến thành củi, để tống vào lò hết sức dễ dàng.

Một khi ông Tô Lâm thành công trong việc đưa Nguyễn Duy Ngọc ngồi vào ghế Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thì quyền lực của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ trở nên vô đối hơn.

Tuy nhiên, cán cân quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay đang có những diễn biến “đảo chiều”, và có dấu hiệu sẽ trở nên quyết liệt hơn. Sau khi ông Tô Lâm phải chấp nhận chuyển giao chức vụ Chủ tịch nước cho Đại tướng Lương Cường.

Việc ông Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú được bổ nhiệm chức vụ Thường trực Ban Bí thư, được đánh giá là rất bất lợi cho Tổng Bí thư Tô Lâm và phe cánh.

Thường trực Ban Bí thư là một vị trí quan trọng trong trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, và những người nắm giữ vị trí này có cơ hội vươn lên trong bộ máy “Tứ trụ” dễ dàng. Như các ông Trương Tấn Sang, Võ Văn Thưởng và Lương Cường, sau thời gian làm thường trực Ban Bí thư, đã trở thành Chủ tịch nước.

Việc ông Trần Cẩm Tú là người Hà Tĩnh, được chọn làm Thường trực Ban Bí thư, nằm trong nỗ lực duy trì cân bằng quyền lực trong Bộ Chính trị và “Tứ trụ”, về vấn đề vùng miền.

Trước đây, ông Tô Lâm đã “cài” Vũ Hồng Văn – một nhân vật thân tín nằm phục sẵn trong Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đây là điều mà hơn ai hết, ông Tú hiểu rất rõ. Cho nên tính toán của ông Tô Lâm tìm cách đưa Nguyễn Duy Ngọc – đàn em Hưng Yên, vào ghế Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ trở nên khó khăn gấp bội.

Các phe phái chống ông Tô Lâm trong Đảng được cho là đã thắt chặt liên kết, thông qua sự dẫn dắt của các Ban Đảng. Những tin tức bất lợi của phe công an đã bị Ban Tuyên giáo thổi bùng lên, mục đích nhằm hạ uy tín của ông Tô Lâm cũng như phe Công an.

2 phe Hà Tĩnh và Nghệ An là những thế lực rất mạnh dưới thời cố Tổng Bí thư Trọng. Nếu nhắc đến phe thân Bắc Kinh trong Đảng, không thể không nhắc tới 2 phe cánh chính trị này, và Chủ tịch nước Lương Cường.

Trong khi, Ban lãnh đạo Bắc Kinh được cho là đã công khai không “hài lòng” với Tổng Bí thư Tô Lâm. Vì thế, việc tìm cách đưa Nguyễn Duy Ngọc vào ghế Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ không dễ như ông Tô Lâm tưởng.

 

Trà My – Thoibao.de