Ngày 29/10, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận “Tổng Bí thư Tô Lâm “rất sốt ruột”, nhưng cải cách thế nào?” của Huỳnh Trần.
Tác giả cho biết, giới nghiên cứu và quan sát chính trị đã và vẫn dành sự quan tâm đặc biệt, đến chủ đề dân chủ hoá ở các nước Đông Âu, từng theo mô hình Cộng sản Liên Xô, chuyển đổi sang chế độ dân chủ kiểu phương Tây. Điều này cũng được quan tâm ở Việt Nam, nhưng có những khác biệt quan trọng…
Trong bối cảnh “kỷ nguyên mới”, như các nhà lãnh đạo Đảng nói, nhưng chưa biết “vươn mình” thế nào? Trong đó, việc tập trung giải quyết thế chế – “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, là vấn đề cấp bách.
Theo tác giả, ông Tô Lâm đã trình bày khái quát những nội dung chủ yếu, nêu trong các văn kiện của Đảng, nhưng cụ thể hoá việc thực hiện thế nào là điều được quan tâm. Điều này tùy thuộc vào vai trò và phong cách lãnh đạo của người đứng đầu Đảng.
Tổng Trọng thường “chỉ đạo” cần thận trọng, “vấn đề gì rõ, chín… mới đưa thành chính sách để thực hiện, nếu chưa thì thí điểm”. Trong khi, ông Tô Lâm tỏ ra quyết đoán, mạnh mẽ trong công tác nhân sự, củng cố quyền lực, cũng như chương trình nghị sự, thúc đẩy tiến độ với nhiều hội nghị bất thường…
Tuy nhiên, tác giả cho rằng, việc “chuyển giao” chức Chủ tịch nước cho Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, từng là Đại tướng Quân đội, dấy lên đồn đoán về việc chia sẻ quyền lực giữa các phe phái. Nghĩa là, ông Tô Lâm có thể bắt đầu đối mặt trực diện với nguyên tắc tập thể lãnh đạo, với cơ chế “Tứ trụ” thay vì “Tam trụ”.
Tác giả đánh giá, trong quá trình tồn tại, chế độ Đảng Cộng sản toàn trị ứng phó linh hoạt, uyển chuyển, tinh vi trước tình hình, với những biến động phức tạp. Hơn thế, nó “ổn định” hơn hình thức toàn trị ban đầu, là Chủ nghĩa Phát xít Đức, Ý, Nhật vào nửa đầu thế kỷ 20, bởi ý thức hệ Cộng sản và chính trị ký ức từ cách mạng giành độc lập dân tộc.
Vẫn theo tác giả, thực tế cho thấy, chế độ Đảng Cộng sản toàn trị đã biến đổi trước nguy cơ sụp đổ. Đường lối “Đổi mới” chứa đựng nội hàm “cải cách và mở cửa”. Tuy nhiên, các dấu hiệu bất ổn lớn dần, bởi mâu thuẫn giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị. Đảng Cộng sản “khước từ đổi mới lần 2”, như một số đề xuất, phủ nhận dân chủ hoá như một giải pháp tăng trưởng, và không thể hy vọng về “kỷ nguyên chuyển đổi dân chủ”!
Tác giả nhận định, Tô Lâm đang đối mặt với thời kỳ “vàng son” đã bước vào giai đoạn thoái trào, trong đó, tăng trưởng kinh tế nhanh gắn với tham nhũng mang tính hệ thống. Chống tham nhũng đồng nghĩa với giải giáp vũ khí quan chức, sẽ phá vỡ các quan hệ làm ăn kinh tế, khiến cả hệ thống rung động, sụt giảm kinh tế, rối loạn chính trị và huỷ hoại niềm tin vào lãnh đạo, chế độ.
Kéo dài quá trình này có khả năng cao dẫn đến chế độ độc tài, công an trị hay nhà nước cảnh sát, những biểu hiện “cực đoan” của chế độ toàn trị, trước khi chuyển hoá hoặc sụp đổ.
Tác giả nhấn mạnh, trong bối cảnh tha hóa quyền lực, suy thoái lãnh đạo Đảng, kể cả việc “thay máu” nhân sự bởi công an, quân đội, cũng không phải là giải pháp căn cơ, nếu không thay đổi quan điểm về cải cách thể chế. Trước hết, thay đổi cách tiếp cận, giải đáp các câu hỏi vì sao phải cải cách. Cải cách cái gì và cải cách như thế nào? Qua các “tuyên bố” của lãnh đạo, luận ra có 3 vấn đề chính: 1. Kỷ nguyên mới; 2. Thể chế và phương thức lãnh đạo Đảng; 3. Đổi mới và vươn mình.
Tác giả kết luận rằng, đổi mới đã mở rộng “hành lang” cho tự do kinh tế, nhưng đã cấp thiết tạo hành lang cho tự do chính trị, song hành với tự do kinh tế, đó phải là mục đích của cải cách thể chế. Đó chính là câu trả lời cho câu hỏi nêu trong tiêu đề bài viết của tác giả.
Thu Phương – thoibao.de