Trăm năm trồng người theo lời Bác, giáo dục như bãi rác?

Ngày 30/10 vừa qua, báo Vnexpress đăng bài “Khoảng 80% du học sinh tự túc không về nước”.

Thông tin cho biết, do thu nhập cao, đãi ngộ tốt, nên khoảng 70 – 80% du học sinh tự túc ở lại nước ngoài làm việc, sau khi học xong, theo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Theo báo cáo, số người Việt du học tăng đều các năm, bằng nhiều con đường, ước tính hiện nay có trên 250.000 người. Tính riêng diện tự túc, mỗi năm tăng khoảng 10.000 người. Còn nhóm theo học bổng ngân sách nhà nước hoặc do nước ngoài tài trợ, có khoảng 6.800 người, trong giai đoạn 2017 – 2022, trong đó, trên 80% ở Nga và Hungary.

Thực tế không thể chối cãi, có đến 80% chọn con đường ở lại sau khi du học. Vậy, 20% trở về để “cống hiến”, hay vì không thể tìm được chỗ đứng trong xã hội ở các nước phát triển?

Đa phần ý kiến cho rằng, nếu được tuyển dụng ở nước ngoài, thì không ai muốn về. Nguyên nhân đãi ngộ trong nước không tốt, chỉ là một phần nhỏ. Phần lớn hơn là do bất công trong môi trường làm việc, và bất an trong đời sống xã hội.

Trong lĩnh vực công, con ông cháu cha thiếu kiến thức, kém năng lực, nhưng lại được ưu tiên. Du học sinh trở về, dù có giỏi đến mấy thì cũng chỉ được làm chuyên viên, hoặc trợ lý, chịu sự lãnh đạo của những kẻ ngu dốt hơn. Người dốt cai trị người giỏi là thực tế ở Việt Nam.

Trong lĩnh vực tư nhân, doanh nghiệp muốn phát triển thì phải hối lộ quan chức, để họ bảo kê cho làm bậy. Do đó, kể cả doanh nghiệp tư nhân cũng không cần người giỏi quản lý, chỉ cần người gian manh, liều mạng. Du học sinh được hưởng thụ nền giáo dục khai phóng và chính trực ở nước ngoài, làm sao có thể chịu đựng được môi trường làm việc như vậy.

Chưa kể, khi bị phanh phui, cấp trên thường đổ lỗi cho cấp dưới, và cấp dưới là người lãnh đủ.

Ở Việt Nam, doanh nghiệp làm ăn chân chính thì không phát triển nổi. Do đó khó có khả năng họ đủ tiền để trả lương cho những người tốt nghiệp đại học ở nước ngoài. Nếu du học sinh trở về tự mở doanh nghiệp, thì cũng khó mà tồn tại.

Còn một lý do khác khiến du học sinh không trở về, đó là, người dân dùng con đường du học để tị nạn. Đầu tư cho con du học, mỗi năm tốn khoảng 1 tỷ đồng, học hết 4 năm, tương đương 4 tỷ, tức khoảng 160 ngàn đô la Mỹ. Sau khi ra trường thì xin việc làm để tìm kiếm cơ hội định cư. Giá đầu tư này rẻ hơn rất nhiều so với diện đầu tư mua quốc tịch, trung bình khoảng 2 triệu đô la Mỹ, mà chưa chắc đã mua được.

Hồi tháng 3, Sở Giáo dục New South Wales, Úc, thông báo dừng nhận hồ sơ của các học sinh từ Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Ninh, đến học bậc phổ thông công lập. Đây là phản ứng của nước ngoài, trước tình trạng du học sinh Việt Nam trốn học, ở lại làm việc bất hợp pháp. Những du học sinh này mượn con đường du học, để tị nạn bất hợp pháp.

Mặt khác, các bậc cha mẹ cho con em đi du học, là muốn con họ thoát khỏi sự nhồi sọ của nền giáo dục Việt Nam. Bởi nền giáo dục này không giúp cho học sinh có khả năng phản biện và có chính kiến. Học sinh giỏi ở Việt Nam, chủ yếu là giỏi “tầm chương trích cú”, thiếu hẳn tính sáng tạo. Cho con du học, người dân muốn con em họ tránh xa nền giáo dục nguy hiểm này.

Từ khi giành được chính quyền, ông Hồ Chí Minh đã tung ra khẩu hiệu “vì lợi ích mười năm trồng cây/ vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Nhưng sau chưa đầy trăm năm, Đảng đã phá nát rừng tự nhiên, khiến năm nào người dân cũng phải chịu cảnh thiên tai, lũ lụt thảm khốc. Sự nghiệp trồng người thì như một bãi rác.

Ngay cả quan chức cũng cố gắng tham ô thật nhiều tiền, để đưa con mình đi du học, tránh xa nền giáo dục bệ rạc do Đảng nặn ra.

Trăm năm trồng người – một thất bại ê chề của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Trần Chương – Thoibao.de