Sản phẩm từ động vật hoang dã vẫn được chào bán công khai trên mạng tại Việt Nam

Ngày 7/12, BBC Tiếng Việt nêu vấn đề “Vì sao mật gấu, nanh hổ, vảy tê tê… bán công khai trên mạng tại Việt Nam?”

BBC cho biết, những lời quảng cáo, chào bán các sản phẩm từ các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, tràn lan trên nhiều website thương mại điện tử và nhóm bán các sản phẩm từ động vật hoang dã công khai trên Facebook tại Việt Nam.

Việt Nam hiện đã có các quy định pháp luật cấm buôn bán voi, tê giác, tê tê, hổ và các sản phẩm liên quan, kể cả trực tiếp và trực tuyến.

Tuy nhiên, theo BBC, một khảo sát mới công bố cho thấy các quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam chào bán sản phẩm từ các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng đang ở quy mô đáng báo động.

Báo cáo do tổ chức phi chính phủ chuyên giám sát buôn bán động thực vật hoang dã Traffic thực hiện, với sự hỗ trợ từ dự án Cứu hộ động vật hoang dã bị đe dọa của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

BBC cũng cho biết, khảo sát này được thực hiện từ tháng 6/2021 đến tháng 7/2023, trên 5 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng là hổ, tê tê, tê giác, voi, rùa cạn và rùa nước ngọt.

So với nghiên cứu tương tự mà Traffic thực hiện năm 2017, thì tình hình không có dấu hiệu cải thiện.

Thậm chí đã xuất hiện thêm một số sản phẩm mới từ động vật hoang dã.

Một số mặt hàng cũ, như ngà voi, cao hổ, giá lại còn tăng mạnh.

BBC dẫn nhận định của bà Nguyễn Tuyết Trinh, Giám đốc Tổ chức Traffic tại Việt Nam, cho rằng “tình hình buôn bán động vật hoang dã trái phép diễn biến phức tạp, khiến công tác theo dõi và kiểm soát trở nên khó khăn hơn”.

BBC cũng dẫn khẳng định của bà Michelle Owen, Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, rằng:

“Tất cả các bên liên quan đều cần phải chung tay hành động trong cuộc chiến này.”

Bên cạnh đó, BBC dẫn lời ông Đỗ Quang Tùng – Giám đốc Ban Quản lý Dự án bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp Trung ương, cho rằng, việc “thường xuyên giám sát các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật trên nền tảng trực tuyến đã và đang cung cấp nguồn tin hữu ích cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc ứng phó với hoạt động này”.

Tuy nhiên, theo khảo sát của BBC, tình trạng buôn bán sản phẩm động vật hoang dã trái phép trên mạng trong vài năm gần đây, có vẻ không hề bị cản trở gì.

Cách đây 2 năm, phóng viên BBC đã thực hiện một cuộc điều tra nhỏ, và ghi nhận hoạt động này diễn ra công khai, sôi nổi.

Mới đây, khi phóng viên BBC tìm kiếm từ khóa “mật gấu” trên Facebook, ngay lập tức, hàng loạt kết quả nhóm bán mật gấu xuất hiện, với những lời quảng cáo về công dụng, hướng dẫn sử dụng, thông tin liên lạc và giá cả… tất cả đều công khai, thậm chí, còn có cả khuyến mãi.

BBC cho hay, Việt Nam từ lâu đã được công nhận là thị trường tiêu thụ động vật hoang dã lớn, và là điểm trung chuyển chính cho các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp, đến các quốc gia châu Á khác.

Nhu cầu ở Việt Nam được thúc đẩy bởi niềm tin rằng, các sản phẩm này có khả năng trị bệnh, tăng cường sức khỏe và nâng cao địa vị xã hội.

Sự xuất hiện của internet, các trang web thương mại điện tử và mạng xã hội, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động buôn bán trực tuyến các loài động vật hoang dã, thực vật và các sản phẩm liên quan.

BBC cho biết thêm, từ năm 2016, Traffic đã theo dõi các thị trường động vật hoang dã trực tuyến của Việt Nam. Báo cáo mới đây nhất cho thấy, tình hình từ đó tới nay không mấy cải thiện.

Một cuộc khảo sát khác năm 2020 được tổ chức phi chính phủ Change thực hiện, chỉ ra rằng, đối tượng chính tiêu thụ động vật hoang dã là người có tiền, có quyền, trong đó có các quan chức Chính phủ.

 

Xuân Hưng – thoibao.de