Mới lên Tổng Bí thư chưa lâu, ông Tô Lâm đã cho thực hiện ngay chính sách tinh giản bộ máy chính quyền. Đây là chính sách đáp ứng kỳ vọng của đa số người dân, bởi người dân đã quá chán ngán bộ máy cồng kềnh của chính quyền này. Giống như nắng hạn chờ mưa, khi có sấm chớp hay mây đen kéo về, thì người dân tất sẽ reo mừng. Tuy nhiên, có dấu hiệu đổ mưa nhưng chưa chắc đã thực sự có mưa.
Chính sách tinh giản bộ máy của ông Tô Lâm mới chỉ là một tín hiệu, hay nói đúng hơn là kế hoạch đang còn trên giấy. Từ khi lập kế hoạch, cho đến lúc thực hiện kế hoạch đó thành công, là cả một quá trình, nhất là một kế hoạch lớn, ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan, đến hàng triệu người, như kế hoạch tinh giảm nói trên. Với một chính sách lớn như vậy, thì khả năng, khi thực hiện sẽ bị chệch hướng, và mãi mãi không đạt được kết quả.
Trước đây, vào năm 2006, Tổng Bí thư lúc đó là ông Nông Đức Mạnh, đã hô hào sẽ biến Việt Nam thành nước công nghiệp tiến bộ vào năm 2020. Tuy nhiên, 10 năm sau, chính quyền đã phải tuyên bố là kế hoạch thất bại hoàn toàn. Từ trước đến nay, môi trường chính trị của Đảng Cộng sản, bằng cách này hay cách khác, không cho phép các chính sách tích cực được thực hiện.
Chính sách luân phiên cán bộ đang loại bỏ những người có năng lực, và đưa những người có thân thế mạnh lên cao hơn. Bởi chế độ luân chuyển cán bộ khiến họ có tâm lý chỉ ngồi tạm, chờ chuyển lên cấp cao hơn. Do đó, họ không bỏ nhiều công sức để tìm hiểu, không nắm vững công việc, cũng như không bộc lộ hết năng lực. Đồng thời, chế độ luân chuyển cũng không tuyển chọn được người giỏi.
Như vậy, chế độ luân chuyển không thể đánh giá hết năng lực của từng người.
Hiện nay, chính sách tinh giản bộ máy của ông Tô Lâm đang bị nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, như: Làm sao để tinh giảm được những người vô năng, và giữ lại người có năng lực? Nếu tinh giản mà lại đuổi đi người có năng lực, thì bộ máy sau đó không chỉ có chữ “tinh”, mà còn có chữ “tạp”. Bộ máy mà toàn là thành phần bất tài ngồi lại và leo cao thì nó nguy hiểm cho đất nước vô cùng.
Nếu chính sách tinh giản đi đôi với chính sách luân chuyển cán bộ, thì điều dễ thấy là người có năng lực sẽ bị đá văng. Những người còn lại trong bộ máy thường là người có gốc vững chắc, hoặc người thường xuyên nhảy việc. Mà hầu hết những người nhảy việc là những người không có khả năng xử lý vấn đề. Nói cho cùng, chế độ luân chuyển bắt buộc cán bộ phải nhảy việc liên tục.
Như vậy, chính sách tinh giản bộ máy chính quyền đang được báo trước là sẽ thất bại, bởi nó sẽ bị chính sách luân chuyển cán bộ vô hiệu hóa. Đấy là chưa kể, chính sách “không bỏ ai lại phía sau” của bà Phạm Thị Thanh Trà, cũng đang hướng tới mục tiêu giữ nguyên số lượng cán bộ. Bà Bộ trưởng này đang âm thầm chống lại chính sách lớn của ông Tô Lâm.
Ông Tô Lâm là người cực kỳ tham lam, không chỉ tham quyền, mà còn tham danh. Dù ngoài mặt ông tỏ ra kính trọng ông Nguyễn Phú Trọng, nhưng thực tế, Tô Lâm làm ngược lại các chính sách của ông Trọng, và rất mạnh tay, không ngại va chạm. Đặc biệt, chính sách tinh giản hiện nay gây tiếng vang mạnh hơn chính sách bẻ củi “đốt lò” của ông Trọng.
Nhưng rồi, cả ông Tô Lâm và ông Trọng đều đã và sẽ nhận lấy thất bại, mà chính họ không hiểu vì sao. Ông Trọng chống tham nhũng, thì tham nhũng bùng phát mạnh hơn. Ông Tô Lâm tinh giản bộ máy, thì ngay trong Đảng đã xuất hiện những chính sách có thể vô hiệu hóa chính sách của ông. Tất cả những cản trở trên được sinh ra từ thể chế chính trị độc hại, khiến mọi chính sách về kinh tế, xã hội, đều thất bại hoặc không hiệu quả.
Hoàng Phúc – Thoibao.de