Ngày 5/4, báo chí nhà nước cho biết, Nguyễn Công Minh, Chủ tịch Tổng công ty Cây xanh Công Minh đã trốn thoát. Trường hợp này khá giống với trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn hiện đang trốn ở Đức.
Có thể nói, quân cuả Lương Tam Quang mất một nhân chứng quan trọng trong hồ sơ đen của một nhân vật lớn trong Bộ Chính trị. Nhân vật số 2 trong Ban bí thư của Tô Lâm.
Tổng công ty Cây xanh Công Minh được cho là sân sau của Thường trực Ban bí thư-Trần Cẩm Tú. Vụ án này đã kéo dài hơn 1 năm nhưng Tô Lâm vẫn chưa tóm được nhân vật chủ chốt để khai thác về những mối quan hệ mờ ám. Điều này khiến cho Tô Lâm gặp khó khăn trong việc loại bỏ Trần Cẩm Tú – một tàn dư của ông Nguyễn Phú Trọng ra khỏi Ban bí thư.
Trần Cẩm Tú được cho là nhân vật khá “cứng đầu”. Sau khi ông Lương Cường rời khỏi chức vụ Thường trực Ban bí thư để đến với Phủ Chủ tịch, thì Trần Cẩm Tú nổi lên như ứng viên duy nhất và buộc Tô Lâm phải chấp nhận một cấp phó không cùng hội cùng thuyền. Lúc đó Nguyễn Duy Ngọc vẫn còn là Ủy viên Trung ương Đảng.
Đáng nói là dù có được chức Thường trực Ban bí thư, ông Trần Cẩm Tú vẫn không nhả chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Cho đến khi Tô Lâm đưa được Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị thì Trần Cẩm Tú mới chịu nhả.
Tô Lâm rất tham vọng, một khi Nguyễn Duy Ngọc đã có chức Ủy viên Bộ Chính trị thì ông Ngọc sẽ nhắm vào chức cao hơn, rất có thể là chức Thường trực Ban bí thư. Mà muốn nắm được chức vụ này, Tô Lâm cần phải có lý do chính đáng để loại Trần Cẩm Tú.
Mỗi sân sau có một nhân vật chủ chốt nắm nhiều bí mật. Đấy là tử huyệt của nhân vật đỡ đầu. Nguyễn Công Minh được xem là “tử huyệt” của Trần Cẩm Tú. Tuy nhiên, việc Nguyễn Công Minh tẩu thoát cũng là một câu hỏi to tướng về vấn đề bảo mật trong điều tra. Ai đã cung cấp thông tin cho Nguyễn Công Minh đánh hơi trước và trốn thoát? Xem ra tai mắt của Trần Cẩm Tú không hề yếu. Họ có thể đánh hơi trước khi quân của Tô Lâm ra tay.
Trong một môi trường đánh nhau khốc liệt như hiện nay, mỗi quan chức đều phải nắm trong mình một hệ thống “tình báo” riêng để che giấu “tử huyệt”. Đây chính là điều kiện sống còn cho sinh mạng chính trị của mỗi người. Nếu ông Thủ tướng mà không đánh hơi và báo trước cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì ắt giờ đây ông Chính đã chung số phận với Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ. Xem ra Trần Cẩm Tú cũng chuẩn bị rất kỹ cho tình huống xấu.
Hiện nay Ban bí thư được xem như nằm trong tay Tô Lâm. Trần Cẩm Tú là nhân vật không thuộc hệ sinh thái quyền lực của ông Tổng bí thư mà lại đang làm cấp phó cho ông Tổng thì quả là thử thách. Tình huống này được ví như rơi vào hang cọp và phải xoay sở làm sao để sống chung với thú dữ. Thật không dễ chút nào.
Muốn sống cạnh thú dữ thì chỉ có cách hay nhất là biến mình thành thú dữ, nếu không bằng con mãnh thú thì cũng đủ mạnh để nó thấy muốn đánh bại cũng không dễ. Và có lẽ, đấy chính là trường hợp của Trần Cẩm Tú. Trước Trần Cẩm Tú, ông Phạm Minh Chính cũng đã và đang tồn tại một cách thách thức trước tập đoàn quyền lực hùng mạnh của Tô Lâm.
Xem ra bài của Tô Lâm đã có người bắt được. Như vậy cũng khiến chính trường hấp dẫn hơn, căng thẳng hơn.
Ông Trần Cẩm Tú là 1 trong 2 người trong Bộ Chính trị được bầu từ năm 2021 còn chức mà còn đủ điều kiện về tuổi để ở lại Bộ Chính trị thêm một khóa nữa. Với vị trí Thường trực Ban bí thư, ông Trần Cẩm Tú hoàn toàn đủ tư cách để cạnh tranh một ghế trong Tứ trụ ở nhiệm kỳ sau hoặc chí ít ông cũng có đủ lý do để ngồi lại ghế Thường trực Ban bí thư thêm một nhiệm kỳ nữa.
Nếu không loại bỏ Trần Cẩm Tú, việc mở rộng quyền lực đối với Tô Lâm sẽ gặp không ít khó khăn.
Thái Hà -Thoibao.de