Chưa đầy 5 tháng sau khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, một cơ quan mới thành lập sau quá trình sáp nhập bộ máy theo chủ trương “tinh gọn, hiệu quả” của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Ông Đỗ Đức Duy đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo vì những vi phạm nghiêm trọng trong thời kỳ làm Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, và đề nghị Bộ Chính trị đưa ra Trung ương để xem xét xử lý kỷ luật.
Thông tin này đã khiến công luận không khỏi bất ngờ và đặt dấu hỏi lớn về chất lượng việc lựa chọn và cơ cấu cán bộ lãnh đạo “chủ chốt”, trong giai đoạn “tái thiết cơ cấu quyền lực toàn diện” dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Đỗ Đức Duy đã vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước về quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, và công tác cán bộ, đồng thời đã để xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại tỉnh Yên Bái.
Điều đáng nói, những hành vi này đã xảy ra trước khi ông Duy được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng, trong khi ở Yên Bái từng là một địa phương nổi cộm và đầy tai tiếng liên quan đến quản lý đất rừng và tài sản cán bộ.
Điều đó, đã khiến dư luận hoài nghi về tính hiệu quả và minh bạch của quy trình bổ nhiệm các lãnh đạo cấp cao. Đặc biệt, khi ông Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh đến yêu cầu lựa chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn và không được liên quan đến tham nhũng.
Như vậy, trường hợp của ông Duy lại cho thấy khoảng cách rõ rệt giữa lời nói và hành động của Tổng Bí thư Tô Lâm, và đã khiến công luận đặt câu hỏi: liệu công tác rà soát, thẩm định nhân sự đã thực sự kỹ lưỡng hay vẫn còn nhiều điều khuất tất?
Và, nếu một cán bộ cấp cao như ông Đỗ Đức Duy còn dễ dàng được “lọt lưới”, thì có bao nhiêu trường hợp tương tự đã và đang giữ những vị trí then chốt trong bộ máy mới hiện nay?
Những sự việc như vụ cảnh cáo ông Duy lại làm dấy lên lo ngại về tình trạng “chạy ghế, mua ghế” trong quá trình tái cơ cấu, cũng như khả năng kiểm soát chất lượng cán bộ khi các cơ chế phản biện, giám sát vẫn đầy yếu kém.
Hồng Lĩnh – Thoibao.de