Trong diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, thử nghiệm về phối hợp thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine với kháng sinh azithromycin bước đầu thành công trên một số bệnh nhân nhưng đã làm thế giới từ người dân đến nguyên thủ quốc gia “lên cơn sốt rét” giữa mùa dịch.
Trong cơn nóng lòng muốn vượt qua cuộc khủng hoảng y tế, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào thuốc hydroxychloroquine.
Theo tạp chí Vox (Mỹ), ngày 21/3, trong cuộc họp báo Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng ca ngợi những thuốc này như một liệu pháp điều trị hứa hẹn bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Ông Trump cổ súy việc dùng thuốc hydroxychloroquine, một loại thuốc chống sốt rét phổ biến để điều trị dịch bệnh hiện nay. Đây là loại thuốc đang bán sẵn ngoài cửa hàng dược, rất dễ sản xuất và theo một số thông tin đơn lẻ, loại thuốc này đã được dùng hiệu quả ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Ông Trump thậm chí cũng đã dẫn kết quả một nghiên cứu chứng minh hiệu quả của thuốc hydroxychloroquine trên Twitter.
Tiếp đó, ông Trump vẫn tiếp tục bảo vệ quan điểm của mình. Ông đăng lại tweet này để nói thêm rằng dùng hỗn hợp thuốc hydroxychloroquine và azithromycin (một loại kháng sinh) sẽ là cơ hội thực sự tạo ra những nhân tố thay đổi cục diện dịch bệnh trong lịch sử y khoa.
Trong cuộc họp báo chiều 21/3, ông Trump còn tiếp tục lặp lại quan điểm trên, thông báo trước báo giới về việc thuốc hydroxychloroquine và thuốc azithromycin sẽ được phân phối tới New York và các bang khác.
Ông Trump phát biểu trước báo giới ngày 21/3 như sau : “Chúng ta có gì để mất đây? Tôi cảm thấy rất tốt về nó. Chúng ta sẽ rất nhanh chóng biết nó có hiệu quả hay không“.
Việc ngợi ca thuốc điều trị sốt rét cho bệnh viêm phổi Vũ Hán của ông Trump không ngăn cản giới chuyên môn tiếp tục thận trọng.
Cũng ngay tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 21/3, giám đốc Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Anthony Fauci, đã phải làm rõ ngay tuyên bố của Tổng thống Trump. Ông nói các thông tin về hiệu quả “vẫn chỉ có tính giai thoại” và nhấn mạnh phải có thử nghiệm lâm sàng để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Ông giải thích là không thể nào “nhanh chóng nhận ra” các loại thuốc này có thể chống virus corona hiệu quả hay không.
Ông Fauci cho rằng việc này là không thể, ít nhất là khi chưa tiến hành một số thử nghiệm lâm sàng có đối chứng ngẫu nhiên.
Ông Fauci nói : “Tôi không hoàn toàn chắc chắn là tổng thống đang nhắc tới chuyện gì… Nhiều điều quý vị nghe đâu đó là những cái tôi gọi là các ‘thông tin đơn lẻ’. Chúng có thể đúng, nhưng chúng chỉ là những thông tin đơn lẻ… Nếu bạn thực sự muốn biết chắc chắn về việc một thuốc nào đó có hiệu quả hay không, bạn phải làm thử nghiệm để có được thông tin rõ ràng về nó“.
Tuy nhiên ông Fauci nói ông hiểu sự lạc quan của tổng thống. Ông Fauci nói: “Tổng thống đang nói về niềm hi vọng với mọi người. Và đó thực sự không phải niềm hi vọng vô lý với mọi người“.
Trước đó, thuốc hydroxychloroquine đã được các nhà khoa học tại Trung Quốc và Pháp điều trị thành công cho các bệnh nhân mắc viêm phổi Vũ Hán.
Ngày 9/3, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc công bố kết quả cho thấy hydroxychloroquine có hiệu quả trong điều trị virus corona chủng mới trong ống nghiệm.
Các tác giả này đề xuất liều điều trị 12 viên trong 5 ngày với người bệnh: ngày đầu tiên uống 2 lần/ngày, mỗi lần 2 viên 200 milligram và sau đó một ngày hai lần, mỗi lần một viên trong 4 ngày tiếp theo.
Một nghiên cứu khác gần đây của Pháp đã sử dụng phối hợp hydroxychloroquine với kháng sinh azithromycin. Hầu hết người Mỹ đều biết azithromycin với tên biệt dược là Zithromax Z-Pak thường được kê cho những người bệnh bị viêm đường hô hấp trên. Dùng riêng thuốc Z-Pak không có tác dụng trị viêm phổi Vũ Hán, nhưng những phát hiện về hiệu quả điều trị phối hợp thuốc này với hydroxychloroquine mới chỉ là những kết quả sơ bộ bước đầu.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu ở Pháp đã điều trị một nhóm nhỏ người bệnh bằng cả hai thuốc này và 100% người bệnh đã được chữa khỏi sau 6 ngày điều trị.
Tỉ lệ này là cực kỳ ấn tượng nếu so với 57,1% người bệnh khỏi khi chỉ điều trị bằng hydroxychloroquine và 12,5% người bệnh khỏi bệnh khi không dùng cả 2 loại thuốc này. Thêm nữa, hầu hết người bệnh đã hết sạch virus trong từ 3-6 ngày điều trị, thay vì 20 ngày như được quan sát tại Trung Quốc. Điều này làm giảm thời gian một người bệnh có thể lây nhiễm virus cho người khác.
Sự lạc quan của Tổng thống về hiệu quả của thuốc điều trị sốt rét cho bệnh viêm phổi Vũ Hán khiến nhiều người dân đặt niềm tin theo và thậm chí còn tự mua thuốc về uống để phòng bệnh, gây nên hậu quả nghiêm trọng.
Với ý định phòng ngừa dịch bệnh Vũ Hán, cặp vợ chồng ở độ tuổi 60 đã uống loại chloroquine phosphate dùng làm sạch bể cá, theo thông báo của Bệnh viện Banner Health ở thành phố Phoenix, bang Arizona. Hậu quả là người chồng đã tử vong còn vợ ông ở trong tình trạng nguy kịch.
Chloroquine phosphate có hoạt chất tương tự như thuốc trị sốt rét chloroquine mà Tổng thống Trump đăng trên Twitter ngày 20/3, ca ngợi là vũ khí giúp “lật ngược thế cờ” chống virus Corona chủng mới.
Trước đó, Trung tâm chống độc Bệnh Viện Bạch Mai tại thủ đô Hà Nội ngày 22/3 thông báo vừa tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc sau khi tự dùng thuốc điều trị sốt rét để phòng bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Bệnh nhân nam (44 tuổi) đã được chuyển đến từ một bệnh viện tuyến huyện tại Hà Nội, trong tình trạng mờ mắt, nôn nhiều, suy hô hấp và được điều trị giải độc. Trước nhập viện, bệnh nhân đã uống 15 viên chloroquine (loại 250 mg) sau khi đọc thông tin lan truyền trên mạng xã hội đề phòng dịch bệnh này.
Cũng liên quan đến việc ông Trump tin tưởng vào thuốc hydroxychloroquine, bài viết chỉ trích cá nhân tổng thống Mỹ Donald Trump và tuyên bố nước Mỹ không vĩ đại của bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), một tù nhân lương tâm và là một chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam đã làm dậy sóng cộng đồng mạng những ngày gần đây.
Bà Như Quỳnh gần đây có chia sẻ bài viết về tình hình dịch bệnh tại Mỹ trong đó có 2 ý. Thứ nhất, theo bà, việc Ông Trump, Tổng thống Mỹ loan báo thuốc sốt rét trị được bệnh viêm phổi Vũ Hán là sai. Bà viết : « Một vị lãnh đạo quốc gia mà hôm nay nói gì ngày mai quên mất, trong khi lời nói của mình có thể ảnh hưởng tới hàng trăm triệu người, đến sinh mạng của người khác thì thật đáng lo ngại. »
Thứ hai, bà khẳng định nước Mỹ không vĩ đại như nhiều người tưởng. Bà viết : « Thiếu khẩu trang y tế, thiếu bộ xét nghiệm, tổng thống kêu nhân viên sử dụng lại khẩu trang, có khác gì Vũ Hán không!? »
Bài viết của bà nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ cộng đồng mạng.
Nhiều ý kiến cho rằng mẹ Nấm đã được tỵ nạn ở Mỹ nhưng lại quay sang chỉ trích nước Mỹ. Cơn giận dữ còn lên đến mức họ khởi động kiến nghị, thu thập chữ ký trên trang change.org để chống lại bà Quỳnh, đòi trục xuất bà Quỳnh về nước.
Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng mẹ Nấm chỉ đang lên tiếng cho quyền được biểu đạt ý kiến riêng của mình. Bà nhận thức được vấn đề ra sao thì phát biểu như vậy. Điều đó không có gì là sai. Nếu không đồng tình với nội dung bà chia sẻ thì cần phản biện vào trọng tâm vấn đề chứ không được xâm phạm quyền tự do ngôn luận của bà Quỳnh.
Quay trở lại với việc sử dụng thuốc điều trị sốt rét cho bệnh viêm phổi Vũ Hán, ngày 28/03 vừa qua, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khuyến cáo là không nên sử dụng các phương pháp điều trị mà chưa có kết quả thử nghiệm chắc chắn.
Ông Tedros nhấn mạnh: “Trong lịch sử y khoa, đã có nhiều ví dụ về những phương thuốc mà trên lý thuyết hoặc trong phòng thí nghiệm đạt kết quả rất tốt, nhưng lại không có hiệu quả đối với người hoặc trái lại nguy hiểm đối với người. Chúng ta phải chờ kết quả thử nghiệm chắc chắn. Không thể đốt cháy giai đoạn.”
Hiện giờ, thuốc chloroquine đang được thử nghiệm lâm sàng tại khoảng 50 quốc gia, để xác định xem đây là phải là thuốc hiệu nghiệm trong việc điều trị bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán hay không.
Câu chuyện về thuốc Chloroquine hôm nay đã gợi cho nhiều người Việt về câu chuyện bất đồng với Trung Quốc liên quan đến việc điều trị bệnh sốt rét trong chiến tranh tại VN. Năm 2015 bà Đồ U U của Trung Quốc đã đạt giải Nobel Y học do những nghiên cứu chiết xuất để sản xuất thuốc để chữa bệnh sốt rét cho nhiều bộ đội cộng sản miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ qua Dự án 523 do Mao đề xướng. Tuy nhiên Việt Nam đã phủ nhận thông tin trên. Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói rằng chính bố ông là bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã khởi động nghiên cứu tìm thuốc chữa sốt rét cho bộ đội, không phải từ những cố vấn Trung Quốc.
Trong lúc này, một lần nữa, xin được khuyến cáo với quý độc giả là không nên tự uống thuốc chloroquine hay bất cứ một loại thuốc dù là với mục đích phòng bệnh hay trị bệnh mà không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)