Lê Khả Phiêu: Công với Tàu – Tội với dân?

Link Video: https://youtu.be/-Ac5-wGZC8M

Mỗi khi một vị lãnh đạo tối cao của Đảng và Nhà nước ra đi, người ta thường nhắc đến di sản của người mới nằm xuống để nhân dân tưởng nhớ, ghi công. Cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã qua đời hôm 07/08 mới đây. Đảm nhận vị trí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, chức vụ được cho là tối cao tại đất nước độc đảng độc tài Việt Nam trong một thời gian ngắn ngủi từ tháng 12/1997 đến tháng 04/2001 nhưng di sản mà ông để lại chứa chất những tai hại cho đất nước và cho nhiều thế hệ người dân Việt Nam.

Theo nhà quan sát Đỗ Ngà, nếu Nguyễn Văn Linh – Đỗ Mười – Phạm Văn Đồng có “công lớn” đưa Việt Nam trở lại vòng tay của Trung Quốc với Hội nghị Thành Đô 1990 thì Lê Khả Phiêu lại là người có “công lớn” cắt đất nhượng cho quốc gia láng giềng với “Hiệp ước hoạch định biên giới đất liền” năm 1999 và “Hiệp Định Vịnh Bắc Bộ” năm 2000.

Hội nghị Trung ương 4 của kỳ đại hội 8 là một kỳ họp khá đặc biệt khi không chỉ ra chủ trương cho Quốc hội bù nhìn thông qua mà tại hội nghị này, Đỗ Mười nhường chức Tổng bí thư cho Lê Khả Phiêu và rút về làm cố vấn cùng với Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt.

Theo nhà báo kì cựu Nguyễn Công Khế: “Trước khi làm Tổng bí thư, ông (Lê Khả Phiêu) được ông Lê Đức Anh và ông Đỗ Mười ưu ái, chuẩn bị kỹ càng để ngồi vào chiếc ghế quyền lực cao nhất nước này. Ông Đỗ Mười nhiều lần đánh giá rằng chỉ có ông Lê Khả Phiêu và ông Nguyễn Hà Phan là lập trường vững vàng nhất, là thứ gạo bỏ vào cối giã không bao giờ bị bể vụn.”

Có lẽ “lập trường vững vàng” như “thứ gạo bỏ vào cối giã không bao giờ bị bể vụn” mà ông Nguyễn Công Khế nói đến là tinh thần thần phục hoàn hoàn vào Trung Quốc không màng đến chủ quyền lãnh thổ của quốc gia mà biết bao thế hệ cha anh đã ngã xuống để bảo vệ.

Ảnh: Lãnh đạo Việt Nam gồm Nguyễn Văn Linh – Đỗ Mười – Phạm Văn Đồng và lãnh đạo Trung Quốc tại hội nghị Thành Đô, Tứ Xuyên, năm 1990. Kể từ hội nghị Thành Đô, Trung Quốc chi phối Việt Nam

Với 2 bản hiệp ước biên giới mà ông Phiêu ký với Trung Quốc, Việt Nam đã mất trắng 15.000 km2 lãnh thổ tương đương với diện tích của đất nước Đông Timor.

Facebooker Trần Thanh Cảnh viết: “Đất đai của ông cha, giao cho ai đó thay mặt nhân dân quản lý mà tùy tiện đem xén, đem cho, đem bán cho nước người cứ như không! Cứ như là những tấc đất mét núi dặm sông biển trời kia chưa từng ngấm máu và mồ hôi của con dân Việt trải từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn cho đến nay khai phá bồi đắp giữ gìn mà nên được non sông gấm vóc này!

Ôi, Ải Nam Quan xưa đã vĩnh viễn chỉ còn trong sử sách! Mỗi lần muốn chiêm ngưỡng dấu tích cổ xưa của biên giới nước Việt ta lại phải mua vé du lịch sang nước “bạn”, mới được ngắm cảnh xưa và mong gặp lại hồn cố nhân…

Ai làm ra nỗi này?”

Có lẽ vì công lao to lớn của ông Phiêu đối với đất nước anh em “4 tốt 16 chữ vàng” mà lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình đã gửi điện cho đồng nhiệm Nguyễn Phú Trọng, ca ngợi ông Phiêu là “lãnh đạo tiền bối xuất sắc” và “cũng là người đồng chí thân thiết và bạn bè thân mật của Đảng và nhân dân Trung Quốc”…

Ông Tập cũng ca ngợi ông Phiêu là người “dẫn dắt nhân dân Việt Nam đạt thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới”. Không nói thì ai cũng biết là “công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới” là bám theo mô hình của Trung Quốc thì mới được ông Tập ca ngợi như vậy.

Nhà quan sát Trương Nhân Tuấn mới đây đã tiết lộ ông Phiêu đã cản trở làm cho Việt Nam “lỡ chuyến tàu”. Nếu Việt Nam tuyên bố “trung lập” và theo tư bản chủ nghĩa từ thời đó tức là thời điểm năm 1995 khi ông Võ Văn Kiệt trình lên Bộ Chính trị đề xuất loại bỏ “định hướng xã hội chủ nghĩa”, “bỏ điều 4 Hiến pháp”, chủ trương trung lập và “thực hiện dân chủ triệt để” thì hiển nhiên bây giờ Việt Nam đã được “Phần Lan hóa”, số phận Việt Nam chắc chắn khá hơn, không nằm trong thế “bi đát”, trong gọng kềm ý thức hệ của Trung Quốc hôm nay.

Ảnh: Bức ảnh chụp Ải Nam Quan từ thời Pháp thuộc còn lưu lại cho thấy cửa ải và những bức tường chạy dài về hai bên, phân định rõ ràng biên cương lãnh thổ theo Công ước Pháp – Thanh đã ký năm 1887 và ký bổ sung năm 1895

Cũng theo ông Tuấn, di sản chính trị của Lê Khả Phiêu “kiên định con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa” đã làm cho Việt Nam đến nay không thể hội nhập hoàn toàn với thế giới văn minh.

Phiêu chủ trương hoãn ký Hiệp ước kinh tế với Mỹ. Ông Khế cũng đã thừa nhận “chính ông (Phiêu) là người đã cản trở việc Việt Nam ký Hiệp định hợp tác song phương với Mỹ tại New Zealand năm 1999, làm cho ông Phan văn Khải phải đi và về tay không sau khi phải giải thích rất khó khăn với Tổng thống Clinton. Và cũng chính ông đã tổ chức một cuộc đón tiếp Tổng thống Mỹ Bill Clinton thiếu những nghi thức ngoại giao sơ đẳng và nhất là trong nội dung các cuộc trao đổi là thiếu chuẩn mực khi Clinton đến Hà Nội. Cuộc trao đổi với bà Ngoại trưởng Madeleine K. Albright cũng tương tự như vậy.”

Chỉ hai năm ngồi ghế Tổng Bí thư, Phiêu đã khiến Đảng Cộng sản Việt Nam rập khuôn Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ tư tưởng, hành động cho tới ý thức hệ. Tương lai chính trị Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc.

Có thông tin cho rằng nếu ở Hội nghị Thành Đô, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười và Phạm Văn Đồng lấy danh nghĩa đảng và nhà nước để gặp Giang Trạch Dân và Lý Bằng, thì Lê Khả Phiêu lại dám lấy quan hệ cá nhân để bàn tính chuyện quốc gia đại sự với lãnh đạo Trung Quốc.

Ông Ngà viết: “Vốn là người xuất thân từ quân đội, Lê Khả Phiêu đã dùng Nguyễn Chí Vịnh điều khiển Tổng cục Tình báo Quân đội (tức tổng cục 2) để bắt liên lạc với tình báo Tàu của phía Giang Trạch Dân nhằm nhận lệnh riêng của ông này. Đây là cách làm việc vô lối và chắc chắn lịch sử sẽ ghi tội. Với lối quan hệ này, Lê Khả Phiêu đã xem đất nước Việt Nam này như là một thứ món hàng riêng của ông ta và muốn thỏa thuận với ai thì thỏa thuận. So với Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Phạm Văn Đồng thì phải nói rằng, Lê Khả Phiêu bán nước táo bạo hơn.”

Việc ông Phiêu tự ý làm việc trức tiếp với lãnh đạo Trung Quốc cũng được đề cập đến trong một nguồn khác.

Sách của tác giả Huy Đức dẫn lời ông Vũ Quốc Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, người được giao thẩm tra các sai phạm của ông Lê Khả Phiêu, cho biết: “Đầu năm 2001, Bộ Chính trị họp chuẩn bị Đại hội IX, chị Nguyễn Thị Xuân Mỹ (khi đó là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng) đi họp về nói, Bộ Chính trị đang kiểm điểm anh Phiêu gay gắt nhiều chuyện: vấn đề Campuchia, quan hệ nam nữ, vô nguyên tắc khi ra Quyết định 234, ngành tình báo lâu nay chỉ nắm địch, nay được theo dõi nội bộ, gặp Giang Trạch Dân, đi không hỏi, về không trình.”

Việc sử dụng cơ quan tình báo để theo dõi các đối thủ chính trị như trong danh sách các tội trên cho thấy ông Phiêu là một người có tham vọng quyền lực rất lớn, muồn thâu tóm hết quyền lực vào tay mình. Lê Khả Phiêu đã ban hành Quyết định 234 cho tổng cục 2 theo dõi các đồng chí trong Đảng Cộng sản. Mục đích của Phiêu là muốn khai thác những chuyện thâm cung bí sử của các đồng chí mình để nắm thóp họ, và từ đó thâu tóm quyền lực về cho mình. Chưa hết, tiếp theo Quyết định 234 thì Lê Khả Phiêu còn có ý định bỏ luôn Ban Cố Vấn để mình rảnh tay thâu tóm quyền lực. Đây chính là sai lầm “chết người” của Phiêu góp phần đánh dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của con người bán nước cầu vinh này.

Có lẽ vì lý do này mà đám tang của ông Phiêu trở thành vấn đề nhức nhối từ trong nội bộ Đảng Cộng sản cho đến quần chúng nhân dân.

Ảnh: Các lãnh đạo Việt Nam dự Quốc tang ông Lê Khả Phiêu, ngày 14/8/2020

Ông Nguyễn Doãn Đôn nhận định: “Ông Phiêu chết từ hôm 07/08/2020 nhưng Nhà nước ta chưa dám ra thông cáo cụ thể gì về tang lễ (cho đến 3 ngày sau đó).

Những người cùng quê với ông như Tô Huy Rứa, Phạm Quang Nghị v.v… được ông cất nhắc, cùng với đàn em thân tín đang ở Ba Đình thì muốn đòi hỏi tiêu chuẩn cho bằng chị, bằng em. Nên muốn tổ chức tang lễ cho hoành tráng và định xây cả lăng trong tỉnh Thanh cho ông.

Nhưng do tình hình diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị và xã hội ở Việt Nam vô cùng căng thẳng như bây giờ thì việc chi tiêu quá tốn kém tiền của và công sức của dân khó có thể phù hợp và đạt được. Mà Đảng dễ bị ăn đòn. Vì làm đám ma to cho một người có tội với non sông…”

Những ngày qua cộng đồng mạng lan truyền một câu hỏi lớn: Tại sao phải bắt dân để tang cho kẻ dâng đất cho ngoại bang?

Ông Nguyễn Văn Hùng viết: “Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, chưa có môt triều đại nào phải bắt dân để tang cho kẻ ‘dâng đất’ cho ngoại bang. Chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới làm điều nghịch lý như thế!

Nếu Đảng Cộng sản Việt Nam xem việc dâng đất cho ngoại bang là đúng, xem việc làm đó là có công với Đảng thì nên gọi là “đảng tang” chứ đừng bắt dân phải để tang vì ông Phiêu chưa có làm gì có ích cho dân.

Ngày nào mà chế độ cộng sản Việt Nam vẫn còn tồn tại thì ngày đó dân tộc Việt Nam không bao giờ thoát khỏi “vòng kim cô” của Trung Quốc.

Các bạn nghĩ thế nào khi Đảng bắt bạn, gia đình của bạn để tang cho cho ông Lê Khả Phiêu?”

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Nam: Chính phủ “rối bời”, Du lịch “kiệt quệ” vì làn sóng COVID-19 thứ hai

>>> Bắt cóc công dân – mật vụ Việt Nam “hành tẩu giang hồ”

>>> Chủ tịch Chung giáng chức – Thủ tướng Phúc hả hê

“Chộp cổ” công dân lôi về nước – mật vụ Việt Nam “hành tẩu giang hồ”