VTV gọi người bán rong là ‘ký sinh trùng’- cộng đồng phẫn nộ

Link Video: https://youtu.be/VU1Qv8v8kSI

Dư luận hai ngày nay gay gắt lên án việc biên tập viên Nguyễn Anh Quang của VTV1 dùng từ “sống ký sinh trùng” để nói về những gánh hàng rong trong bản tin tài chính sóng ngày 17/8.

Biên tập viên Anh Quang nói: “Dịch Covid-19 đã khiến cho những con phố du lịch hay chủ yếu là phục vụ khách nước ngoài tại TP HCM trở nên tiêu điều. Khi những con phố không còn sức sống thì những gánh hàng rong – vốn được xem là sống ký sinh trùng lên trên những con phố này sẽ tồn tại ra sao?”.

Gần như ngay sau đó, dân mạng ồn ào lên án cách dùng từ “ký sinh trùng“, cho đây là lối nói xúc phạm, xem thường người bán hàng rong, một thành phần kinh tế của đất nước.

Anh Quang sau đó xin lỗi trên Facebook cá nhân: “Do sơ suất, tôi đã đọc nhịu một câu dẫn khiến khán giả xem truyền hình bị hiểu sai nội dung muốn truyền tải, gây ra những sự phản cảm không đáng có. Đây hoàn toàn là sai sót của cá nhân tôi trong quá trình truyền tải thông tin tới khán giả. Trong khi nội dung của phóng sự là góc nhìn chia sẻ, đồng cảm với những người bán hàng rong vất vả mưu sinh, chứ không có bất kỳ một ý coi thường nào. Hiện cá nhân tôi đã viết bản tường trình và nhận các hình thức xử lý kỷ luật của cơ quan. Một lần nữa tôi mong nhận được sự lượng thứ của quý vị khán giả“.

Sau đó, biên tập viên này đóng trang Facebook Wang Phố Cổ của mình.

Theo số liệu của chính phủ Việt Nam, ngân sách nhà nước cấp riêng cho VTV năm 2019 là hơn 248 tỉ đồng.

Ông Phạm Minh Vũ viết rằng những người bán hàng rong “làm bằng công sức chính họ”, và so sánh rằng họ “không ăn hại” ngân sách một năm hàng chục ngàn tỷ như đảng cộng sản và các tổ chức của đảng, họ cũng “không tham ô”, “không cướp đất” như đảng viên cộng sản.

Người bán hàng rong không xin ngân sách một năm hàng chục ngàn tỷ như các tổ chức ăn hại của đảng, như tổ chức đảng cộng sản ăn bám của dân … Họ không tham ô như đảng viên cộng sản, họ không bòn rút đục khoét ngân sách, họ không cướp đất cướp nhà … Họ làm bằng công sức chính họ … Khó khăn mùa dịch mà nhà nước chính phủ hầu như chẳng giúp được cho họ cái gì, sao mắng người ta là ký sinh trùng? … Ký sinh trùng là đám đảng viên cộng sản, quan chức nó ăn bám của dân mãi không chịu buông mới đúng.” Ông Phạm Minh Vũ đưa ra nhận định.

Ảnh: Biên tập viên Anh Quang nói trên VTV1 sáng 17-8 rằng những gánh hàng rong là ký sinh trùng trên những con phố

Ông Menras André, một công dân Pháp cũng có quốc tịch Việt nam với tên Hồ Cương Quyết bình luận rằng: “Đất nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Nhưng có nhiều Việt Nam khác nhau. Trong đó, có một Việt Nam tôi yêu và rất tôn trọng. Họ biết đói cho sạch , rách cho thơm. Và cũng có một Việt Nam chỉ biết giàu cho béo, trị cho thối. Họ sống như đàn ma hút máu người. Đó là cái Việt Nam tôi vô cùng khinh bỉ.”

Nhà báo độc lập Lê Văn Dũng, còn có biệt danh là Le Dung Vova, khẳng định rằng VTV mắc phải một “sai lầm” thuộc loại “khó chấp nhận”.

Dưới góc nhìn của ông, người bán hàng rong là “những người tử tế khi lao động kinh doanh hợp pháp”. Trong khi đó, ông Dũng bình luận rằng những công chức, viên chức được nuôi từ tiền thuế của dân mà nếu “không làm việc đúng trách nhiệm và bổn phận”, hoặc “ăn cắp, tham nhũng”, chính là ký sinh trùng.

VTV nên có lời đính chính và xin lỗi khán giả cũng như những người bán hàng rong”, ông Dũng đề nghị.

Luật sư Lê Luân cho rằng việc VTV dùng những chữ “ký sinh trùng” để mô tả người bán hàng rong là “một sự nhục mạ công khai và khinh rẻ”.

Ông Luân đưa ra ý kiến rằng nếu nhà nước không xử phạt VTV về hành vi miệt thị một ngành nghề kinh doanh, điều đó đồng nghĩa là nhà nước “đang dung túng cho hành vi sai trái” một cách công khai.

Người bán hàng rong là những người tử tế khi lao động kinh doanh hợp pháp. Ký sinh trùng thực tế là những công chức viên chức được nuôi từ cái 10% VAT của dân nếu không làm việc đúng trách nhiệm và bổn phận. Nếu công chức ăn cắp, tham nhũng thì còn đê tiện hơn ký sinh trùng, ve chó cũng chưa tởm bằng.” ông Lê Văn Dũng nêu quan điểm.

Trên hai diễn đàn có hàng trăm ngàn thành viên, Nhật ký Yêu nước và Bàn luận về Kinh tế – Chính trị, nhiều người cũng lên án VTV với hàng trăm lời bình cho rằng các sử dụng từ ngữ của đài quốc gia là “mất dạy”, “vô học”, “xúc phạm nhân phẩm”, “kém văn minh”.

Ảnh: Gánh hàng rong đại diện cho kinh tế vỉa hè của Việt Nam.

Cộng đồng mạng nhận định rằng ở Việt Nam, nơi báo chí chịu sự kiểm duyệt, bản tin hôm 17/8 của VTV đã được biên tập kỹ lưỡng và không thể xem phát ngôn của nam biên tập viên là “buột miệng” được.

Một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO hồi năm 2016 cho hay số người lao động phi chính thức, trong đó có một tỷ lệ lớn là người bán rong, lên đến trên 18 triệu người trong tổng dân số hơn 90 triệu của Việt Nam.

Trên Facebook cá nhân, nhà báo Hoàng Hải Vân viết: “câu chuyện trên VTV hoàn toàn không phải là một chuyện nhỏ, càng không nên coi là một ‘tai nạn nghề nghiệp’ của công chức vì từ vô lễ với dân dẫn đến hành dân chỉ là một bước rất ngắn“.

Ông Hoàng Hải Vân cho rằng việc nhờ người khác đăng lời xin lỗi là “hành vi vô lễ khác“:

Biên tập viên này có tên tuổi, nhưng lời xin lỗi được cho là của bạn ấy trên Facebook bằng một cái tên hoàn toàn khác, trong lời xin lỗi này bạn ấy còn bảo là do mình nói ‘nhịu’. Lên sóng nói lời miệt thị dân thì công khai danh tính, còn xin lỗi thì vừa giấu tên vừa không thành khẩn. Đã nói lời vô lễ với dân, lại ‘xin lỗi’ bằng một hành vi vô lễ khác.”.

Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 18/8, cựu thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, nhà báo Ngọc Vinh nói:

Theo tôi đây là lỗi cố tình. Vì sau khi thấy dư luận bày tỏ phẫn nộ vì phát thanh viên dùng từ ký sinh trùng cho người bán hàng rong thì lãnh đạo VTV cho sửa sai bằng cách bỏ giọng đọc của Anh Quang để thay bằng giọng đọc của một phát thanh viên khác. Cậu này thay từ ký sinh trùng bằng từ ký sinh. VTV đã sửa sai bằng cách gọi những người bán hàng rong là những người sống ký sinh thay vì gọi họ là ký sinh trùng trước đó. Cả hai cách gọi đều tệ như nhau vì đều hàm ý miệt thị người bán hàng rong. Theo tôi, chỉ cần dùng từ ‘sống nhờ’ là được“.

Facebook Chánh Trung viết rằng: Người ta không bầu, không chọn các anh mà các anh cứ dùng tiền của người ta hội họp, tiệc tùng, lãng phí,… thì đó là sống ký sinh và chính các anh được xem như là ký sinh trùng. Hiểu chưa?

Cũng có một số người cảm thông với lời xin lỗi trên. Ông Đức Hiển, Phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP HCM, viết trên Facebook cá nhân: “Mình đã xem bản tin, và tin rằng VTV1 không có lý do gì để xúc phạm hay hàm ý xúc phạm khán giả bởi nội dung bản tin là nêu sự nhọc nhằn khó khăn của họ. Sự cố kỹ thuật ấy rõ ràng tai hại, gây ra sự giận dữ cho công chúng và trước mắt bạn ấy phải trả giá khá chát.

Mình tin lời xin lỗi ấy. Thật đáng tiếc! Với tư cách cá nhân mình – một khán giả, mình tha lỗi!”, Phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP HCM, Nguyễn Đức Hiển nêu quan điểm.

Ảnh: Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP HCM

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt ngày 18/8, dịch giả Nguyễn Việt Long phân tích:

Ký sinh trong sinh vật học là cách thức mà những loài vật sống trên cơ thể sinh vật khác, lấy chất dinh dưỡng từ các sinh vật đó để sống. Từ nghĩa gốc này mà dân gian dùng với nghĩa bóng, ví von là ‘ăn bám, sống gửi’ chứ không phải nghĩa đen như trong sinh vật học, nên có sắc thái tiêu cực. Tất nhiên những người bán hàng rong họ phải tự mưu sinh chứ không ăn bám ai cả, do đó không nên ví như vậy“.

VTV né tránh trách nhiệm?

Việc biên tập viên nói sai là một chuyện, nhưng điều khiến nhiều người chỉ trích là cách hành xử của Đài truyền hình quốc gia Việt Nam. Cho đến bây giờ, chưa có lãnh đạo nào của VTV lên tiếng xin lỗi về vụ việc và điều này gây ra khủng hoảng truyền thông.

Có người đưa ý kiến nguyên tắc xin lỗi là sai ở đâu thì xin lỗi ở đó: sai trên nền tảng truyền hình thì xin lỗi trên truyền hình, sai trên báo thì đính chính trên báo. Vì thế, dù BTV đã có lời xin lỗi nhưng xin lỗi trên trang cá nhân và VTV vẫn im tiếng cho tới bây giờ là không thỏa đáng.

Nhà báo Hoàng Hải Vân nhận xét:

Tôi biết đây hoàn toàn không phải quan điểm của VTV. Dù là một tai nạn nghề nghiệp không mong muốn, nhưng đã phát lên sóng quốc gia thì lãnh đạo VTV phải chịu trách nhiệm, thậm chí người đứng đầu nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm, vì VTV là tiếng nói của Nhà nước.

Chừng nào lãnh đạo VTV chưa xin lỗi dân trên sóng truyền hình quốc gia thì chừng đó lãnh đạo VTV vẫn gián tiếp thừa nhận những lời lẽ xúc phạm dân này không trái với quan điểm của mình“.

Ảnh: dư luận đang chờ lời xin lỗi từ chính ông Trần Bình Minh, Tổng giám đốc VTV, vì phát ngôn xúc phạm nghề gánh hàng rong lương thiện, nét văn hóa trong tâm hồn người Việt nam

Nhà báo Ngọc Vinh nói với BBC:

Phát thanh viên Anh Quang xin lỗi là điều tốt, nhưng là xin lỗi trên Facebook của cậu ta chứ không phải xin lỗi trên màn hình của VTV. Điều này khiến dư luận không vừa lòng, họ đòi hỏi lãnh đạo VTV phải đích thân xin lỗi trên VTV, vì cho rằng không chỉ phát thanh viên mà cả lãnh đạo VTV cũng có lỗi vì kịch bản phát thanh phát hình đã được xét duyện qua nhiều tầng nấc lãnh đạo của đài, sau khi đã sửa sai mà như không sửa. Tôi đồng tình với đòi hỏi này“.

VTV là đài truyền hình quốc gia sống bằng tiền thuế của nhân dân. Người bán hàng rong chính là nhân dân, góp thuế cho nhà nước chu cấp cho VTV. Vậy mà VTV lại đi miệt thị người bán hàng rong là ‘ký sinh trùng’ và ‘sống ký sinh’. Ai nghe cũng nổi giận huống gì một nhà báo như tôi. Theo tôi, các nhà báo được sinh ra không phải để miệt thị nhân dân mà là bảo vệ họ. Vì vậy, VTV đã sai. Sai nhưng cố chấp và sửa sai như không sửa. Họ phải chịu trách nhiệm về điều đó trước nhà nước và trước nhân dân. Hiện nay, nhân dân nói chung, người bán hàng rong nói riêng, đang chờ VTV xin lỗi họ“, ông nêu quan điểm.

Trên Facebook cá nhân, ông Võ Xuân Sơn cũng cho rằng lỗi này thuộc về VTV:

Vấn đề mà người ta đang phản đối sau câu phát biểu ‘ký sinh trùng’ của BTV Anh Quang không chỉ là giận dữ với cá nhân BTV Anh Quang, mà là với VTV. VTV không có bất cứ động thái nào xin lỗi về sai sót này.

Khi BTV Anh Quang nói trên VTV, thì anh ấy đã không còn là cá nhân… mà anh ấy đang đại diện cho một đài truyền hình lớn nhất Việt Nam“.

Ảnh: Gánh hàng rong suốt 20 năm nuôi 5 con đại học của vợ chồng ông Lê Văn Mưa và Nguyễn Thị Tâm Xuân trong con hẻm nhỏ sau khu biệt thự Lê Lai (Đà Lạt), với 2 bác sĩ, một kỹ sư, 2 cô gái út đang là sinh viên y khoa và ngân hàng

Có vẻ như VTV không hiểu được điều đó. Đây cũng không phải lần đầu tiên mà nhân viên của VTV có sai sót tương tự xảy ra trên sóng VTV, càng không phải lần đầu tiên VTV không đứng ra xin lỗi về những sai sót của đài mình. Tôi nghĩ, người nào đó quản lí VTV cần được giáo dục lại, về tính trách nhiệm, về liêm sỉ“.

Ông Nguyễn Hà Nam, trưởng ban thư ký biên tập của Đài Truyền hình Việt Nam, trả lời Tuổi Trẻ Online nói biên tập viên Anh Quang – người đọc bản tin nói trên – đã có lời xin lỗi chính thức tới khán giả trên trang cá nhân và đài cũng sẽ có hình thức xử lý đối với lỗi này.

Có ý kiến cho rằng, cách trả lời này của ông Nguyễn Hà Nam cho thấy lỗi lầm đang được đổ lên cá nhân biên tập viên và nhà đài đang phủi bỏ trách nhiệm.

Cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Vũ bình luận thêm rằng:

Cũng là bài viết của VTV viết về gánh hàng rong ở Trung quốc, thì VTV cho đó là ‘’huyết mạch kinh tế’’ của TQ trong mùa dịch.

Phát ngôn của VTV không phải là của biên tập viên nào hay lãnh đạo nào của nhà đài, mà nó là thái độ của nhà cầm quyền khi họ lâu nay khinh khi, miệt thị người nghèo ở VN. Gánh hàng rong trong tư duy người cộng sản họ là đang ăn bám vào các con phố, sống được là nhờ ơn đảng, ơn nhà nước.

Nhưng, cũng là gánh hàng rong, ở tận TQ, VTV nó phải vẽ lên, tô lên những ngôn từ đầy màu sắc lung linh.

Lãnh đạo đất nước thì xem nhân dân như thế lực thù địch, xem gánh hàng rong thì như ‘’ký sinh trùng’’, xem Trung hoa kẻ thù của Nhân dân VN là bạn vàng, đồng chí tốt, xem gánh hàng rong ở TQ là ‘’huyết mạch kinh tế’’.

Cái trọng cái khinh này, ngẫm sao mà cay đắng quá, xót xa quá!”

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Nam: Chính phủ “rối bời”, Du lịch “kiệt quệ” vì làn sóng COVID-19 thứ hai

>>> Vietnam Airlines sắp “hết tiền đổ xăng”

>>> “Triệt hạ đối thủ” – Trương Duy Nhất y án 10 năm tù

Việt Nam: Tướng, Tá rủ nhau “vào lò“