Tuyên giáo đảng „đầu hàng“ – VTV xin lỗi vụ „ký sinh trùng“

Link Video: https://youtu.be/IwKz0Ela1sc

VTV hôm 19/8 lên tiếng chính thức xin lỗi về vụ một biên tập viên của đài nói những người bán hàng rong ‘sống ký sinh trùng’ trong một bài phóng sự, gây bão mạng trong hai ngày qua.

Cụ thể, nguyên văn câu xin lỗi của Biên Tập Viên Thu Hương được phát sóng như sau:

Trong bản tin Tài chính – kinh doanh sáng 17/8 trên VTV1, chúng tôi đã phát sóng phóng sự chia sẻ những khó khăn của người bán hàng rong tại TP HCM trong dịch Covid-19.

Do sơ suất trong quá trình biên tập và lên sóng trực tiếp, biên tập viên dẫn chương trình của chúng tôi đã sử dụng từ ngữ không phù hợp và ngoài ý muốn khiến khán giả hiểu sai nội dung muốn truyền tải, trong khi toàn bộ phóng sự là góc nhìn chia sẻ và cảm thông với những gánh hàng rong đang phải vật lộn mưu sinh thời Covid-19“.

Đồng thời, BTV Thu Hương thay mặt ban biên tập chương trình “gửi lời xin lỗi chân thành đến những người bán hàng rong và quý vị khán giả về lỗi tác nghiệp nghiêm trọng này“.

Trước đó, trong bản tin tài chính phát sóng ngày 17/8, biên tập viên Anh Quang của VTV1 đã dùng từ “sống ký sinh trùng” để nói về những gánh hàng rong.

Biên tập viên Anh Quang nói: “Dịch Covid-19 đã khiến cho những con phố du lịch hay chủ yếu là phục vụ khách nước ngoài tại TP HCM trở nên tiêu điều. Khi những con phố không còn sức sống thì những gánh hàng rong – vốn được xem là sống ký sinh trùng lên trên những con phố này sẽ tồn tại ra sao?”.

Gần như ngay sau đó, dân mạng lên án cách dùng từ “ký sinh trùng“, cho đây là lối nói xúc phạm, xem thường người bán hàng rong, một thành phần kinh tế của đất nước.

BTV Anh Quang đã giải thích trên trang Facebook cá nhân rằng mình “nói nhịu” từ “ký sinh” thành “ký sinh trùng” trên sóng VTV1.

Trước đó, trong tạp chí Kinh tế cuối tuần của VTV, phóng sự này đã lên sóng một lần, BTV Huy Hoàng cũng đọc bản gốc là “sống ký sinh“.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng BTV Anh Quang đã nói nhịu nhưng cách dùng từ “ký sinh trùng” hay “ký sinh” đều không phù hợp.

Bản tin này đã gây bão mạng, nhiều người nói những người buôn bán trên các vỉa hè không ăn bám, ăn hại ai, mà bương chãi để mưu sinh.

PGS-TS Phạm Tất Thắng (Viện Ngôn ngữ học) cho rằng, việc sử dụng từ ký sinh trùng, hay ký sinh đều không đúng và khó có thể thể chấp nhận trong văn cảnh này. “Dùng những từ này về mặt nghĩa đen, hay nghĩa bóng đều không được”, PGS-TS Phạm Tất Thắng nhìn nhận.

Ảnh 1: BTV Thu Hương nói lời xin lỗi trên VTV ngày 19-8

Việc này giống như sự xúc phạm đến những người bán hàng rong. Họ cũng là những người bỏ sức lao động ra, chứ không sống dựa vào mồ hôi nước mắt của người khác”, ông Thắng nhấn mạnh.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng cho rằng, việc nói những gánh hàng rong như những ký sinh trùng cho thấy sắc thái khinh miệt.

Đối tượng được nói đến không chỉ là một sự vật trừu tượng mà là thân phận của những con người. Bởi vậy, khi dùng câu chữ nào đều phải rất cân nhắc”, ông Phạm Xuân Nguyên nói.

Phản ứng của dư luận

Mặc dù vậy, có những ý kiến của giới trong nghề truyền thông tại Việt Nam cho rằng lời xin lỗi này của VTV không được chấp nhận.

Blogger Đỗ Ngà, qua một bài viết, cho rằng vụ việc này của VTV không phải là một tai nạn theo như lời xin lỗi, mà là một tư tưởng mang tính hệ thống vốn có của những người Cộng sản.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, từ Sài Gòn vào tối ngày 19/8 giải thích với RFA vì sao ông cho rằng VTV đã ngụy biện:

Với tư cách tôi cũng làm ở Đài Truyền hình TP.HCM, tức là một đồng nghiệp của họ thì tôi cam đoan 100% tất cả những gì đã được đọc lên như vậy đều đã qua kiểm duyệt hết. Tôi khẳng định rằng không bao giờ có chuyện nói lầm, nói lẫn gì ở đây cả. Bởi vì đây không phải là một cuộc tọa đàm, không phải là một cuộc phỏng vấn mà đây là một bản tin nên không thể nào có sự nhầm lẫn xảy ra như vậy được. Nội dung được duyệt hết và duyệt kỹ từng con chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy. Tôi có thể khẳng định điều đó với tư cách tôi làm việc ở Đài Truyền hình TP.HCM trên 20 năm”, Nhà báo Nguyễn Ngọc Già khẳng định.

Ảnh 2: gánh hàng rong trên phố Hà nội

Ông Nguyễn Ngọc Già cho biết quy trình chịu trách nhiệm về một bản tin trong đài truyền hình là một tập thể bao gồm cả ban biên tập và phó giám đốc phụ trách về nội dung.

Do đó, nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng với nội dung bản tin gọi những người bán hàng rong là “sống ký sinh” hay “sống ký sinh trùng” đều phải do ban biên tập, phó giám đốc phụ trách về nội dung và tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, ông Trần Bình Minh, phải chịu trách nhiệm.

Theo số liệu của chính phủ Việt Nam, ngân sách nhà nước cấp riêng cho VTV năm 2019 là hơn 248 tỉ đồng.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nêu lên những trách nhiệm mà tập thể Đài VTV phải đối diện:

Việc phát ngôn của VTV đối với những người bán hàng rong, họ gọi là ký sinh trùng sống bám vào vỉa hè, thì về mặt đạo lý làm người, tôi cho là hạ nhục đồng bào, mà đặc biệt đây là những người đồng bào rất nghèo khổ. Thứ hai, về đạo đức nghề nghiệp thì họ đã phản bội lại độc giả, khán giả. Về mặt đảng viên thì họ vi phạm đạo đức đảng viên và họ vi phạm cả về Nghị quyết Trung ương của Đảng về nói và làm trái với đường lối, cương lĩnh của Đảng.

Về mặt luật pháp, họ đã phạm vào Khoản B, Mục 1, Điều 116, tội ‘Phá hoại chính sách đoàn kết’ và họ vi phạm vào Khoản B, Mục 1, Điều 117, tội ‘Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm chống Nhà nước CHXNCH Việt Nam’.”

Ảnh 3: Tổng giám đốc VTV Trần Bình Minh (đứng bên trái) trong một buổi họp với Trương Ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng

Đài RFA, vào ngày 19/8 tiếp xúc với một số người bán hàng rong ở Sài Gòn và được nghe họ chia sẻ rằng do phải vất vả mưu sinh nên không đọc báo hay xem đài. Một vài người trong số này nói rằng họ được nghe khách mua hàng nói lại thông tin VTV gọi họ “sống ký sinh trùng” trên đường phố. Một người đàn ông đẩy xe bán bánh bò dạo, bộc bạch rằng:

Không bán thì lấy gì mà ăn? Ở nhà thuê, nhà mướn mà không đi bán dạo thì lấy gì để sống đây? Mùa COVID-19 rồi, nói rằng những người bán hàng rong được hỗ trợ, mà lại đia phương nơi tạm trú thì kêu về quê làm đơn. Đi về quê, mang đơn đến cơ quan của xã nộp nhưng tới hôm nay cũng có nhận được hỗ trợ nào đâu.”

Ông bán bánh bò ở Sài Gòn trò chuyện với RFA thuộc trong nhóm hàng triệu người làm việc ở khu vực phi chính thức, theo định nghĩa trong kinh tế học. Những thân phận góp phần vào thơ ca, nhạc họa, di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam bằng tiếng rao hàng tâm tình với RFA rằng những ngôn từ đẹp đẽ hay miệt thị dành cho họ không ảnh hưởng gì đến từng đồng bạc lẻ mà họ dãi nắng dầm mưa mới chắt chiu có được. Song song đó, họ luôn trong tâm trạng lo lắng nếu gặp phải dân phòng hay công an thì mất hết tài sản lẫn miếng ăn của cả gia đình.

Nói chung là kinh tế quá khổ cho nên mẹ con tôi tính vay mượn một ít tiền để đóng một chiếc xe bán thức ăn nhanh đường phố ở các công viên công cộng, để sống qua ngày trong mùa dịch bệnh này.”

Trên đây là nỗi lòng của bà Nguyễn Thị Út, một phụ nữ trôi dạt từ đồng bằng sông Cửu Long lên Sài Gòn kiếm sống cách nay 2 thập niên. Bà đã tảo tần đủ mọi cách để nuôi đứa con gái duy nhất đến ngày tốt nghiệp đại học, ngành thiết kế đồ họa. Thế nhưng, bà Út nói rằng tạo hóa thật trớ trêu khi con gái bà chưa kịp tìm được việc làm và bà, một công nhân bị công ty sa thải do dịch COVID-19.

Bạn trẻ Đăng Quang, một trong số hàng trăm ngàn thanh niên Việt Nam bị mất việc làm bởi đại dịch COVID-19, trong một lần trao đổi với RFA cũng cho biết đã nghĩ đến bán nước giải khát trên vỉa hè trong thời buổi khó khăn chung của toàn xã hội, chứ không thể ngồi chờ sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Những người như anh Đăng Quang, bà Út, ông bán bánh bò dạo dù hoàn cảnh khác nhau nhưng đồng quan điểm rằng bán hàng rong là kế mưu sinh duy nhất khi không còn phương cách nào khác để lựa chọn.

Cựu tù nhân lương tâm Phạm Minh Vũ bình luận thêm rằng:

Cũng là bài viết của VTV viết về gánh hàng rong ở Trung quốc, thì VTV cho đó là ‘’huyết mạch kinh tế’’ của TQ trong mùa dịch.

Ảnh 4: một gánh hàng rong của bà cụ bán rau ven đường tự mưu sinh trong cơn đại dịch

Phát ngôn của VTV không phải là của biên tập viên nào hay lãnh đạo nào của nhà đài, mà nó là thái độ của nhà cầm quyền khi họ lâu nay khinh khi, miệt thị người nghèo ở VN. Gánh hàng rong trong tư duy người cộng sản họ là đang ăn bám vào các con phố, sống được là nhờ ơn đảng, ơn nhà nước.

Nhưng, cũng là gánh hàng rong, ở tận TQ, VTV nó phải vẽ lên, tô lên những ngôn từ đầy màu sắc lung linh.

Lãnh đạo đất nước thì xem nhân dân như thế lực thù địch, xem gánh hàng rong thì như ‘’ký sinh trùng’’, xem Trung hoa kẻ thù của Nhân dân VN là bạn vàng, đồng chí tốt, xem gánh hàng rong ở TQ là ‘’huyết mạch kinh tế’’.

Cái trọng cái khinh này, ngẫm sao mà cay đắng quá, xót xa quá!”

Một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO hồi năm 2016 cho hay số người lao động phi chính thức, trong đó có một tỷ lệ lớn là người bán rong, lên đến trên 18 triệu người trong tổng dân số hơn 90 triệu của Việt Nam.

Trở lại vụ việc bản tin của VTV gọi những người bán hàng rong “sống ký sinh trùng”, một số ý kiến trong giới nhà báo tại Việt Nam yêu cầu Đảng CSVN lãnh đạo và Bộ Chính trị phải xử lý nghiêm minh Đài VTV ở góc độ đảng viên và góc độ pháp luật. Còn nếu như cho rằng chỉ là “lỗi tác nghiệp” do nhầm lẫn hay nói nhịu và không xử lý thì sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu trong người dân đối với báo chí và “Đó là một vết nhơ của Đảng CSVN đối với những người dân nghèo hành nghề mưu sinh một cách chân chính”.

Ông Menras André, một công dân Pháp cũng có quốc tịch Việt nam với tên Hồ Cương Quyết bình luận rằng: “Đất nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Nhưng có nhiều Việt Nam khác nhau. Trong đó, có một Việt Nam tôi yêu và rất tôn trọng. Họ biết đói cho sạch , rách cho thơm. Và cũng có một Việt Nam chỉ biết giàu cho béo, trị cho thối. Họ sống như đàn ma hút máu người. Đó là cái Việt Nam tôi vô cùng khinh bỉ.”

Ảnh 5: cảnh thường thấy trong xã hội Việt nam, những gánh hàng rong trong cơn mưa bão hay dịch Cúm Covid-19 cũng không thể ngừng công việc mưu sinh

Nhà báo độc lập Lê Văn Dũng, còn có biệt danh là Le Dung Vova, khẳng định rằng VTV mắc phải một “sai lầm” thuộc loại “khó chấp nhận”.

Dưới góc nhìn của ông, người bán hàng rong là “những người tử tế khi lao động kinh doanh hợp pháp”. Trong khi đó, ông Dũng bình luận rằng những công chức, viên chức được nuôi từ tiền thuế của dân mà nếu “không làm việc đúng trách nhiệm và bổn phận”, hoặc “ăn cắp, tham nhũng”, chính là ký sinh trùng.

Người bán hàng rong là những người tử tế khi lao động kinh doanh hợp pháp. Ký sinh trùng thực tế là những công chức viên chức được nuôi từ cái 10% VAT của dân nếu không làm việc đúng trách nhiệm và bổn phận. Nếu công chức ăn cắp, tham nhũng thì còn đê tiện hơn ký sinh trùng, ve chó cũng chưa tởm bằng.” ông Lê Văn Dũng nêu quan điểm.

Ông Phạm Minh Vũ viết rằng những người bán hàng rong “làm bằng công sức chính họ”, và so sánh rằng họ “không ăn hại” ngân sách một năm hàng chục ngàn tỷ như đảng cộng sản và các tổ chức của đảng, họ cũng “không tham ô”, “không cướp đất” như đảng viên cộng sản.

Người bán hàng rong không xin ngân sách một năm hàng chục ngàn tỷ như các tổ chức ăn hại của đảng, như tổ chức đảng cộng sản ăn bám của dân … Họ không tham ô như đảng viên cộng sản, họ không bòn rút đục khoét ngân sách, họ không cướp đất cướp nhà … Họ làm bằng công sức chính họ … Khó khăn mùa dịch mà nhà nước chính phủ hầu như chẳng giúp được cho họ cái gì, sao mắng người ta là ký sinh trùng? … Ký sinh trùng là đám đảng viên cộng sản, quan chức nó ăn bám của dân mãi không chịu buông mới đúng.” Ông Phạm Minh Vũ đưa ra nhận định.

Ảnh 6: Biếm họa xuất hiện trên mạng xã hội sau sự kiện VTV miệt thị gánh hàng rong là ký sinh trùng

Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Ăn chó, mèo – Việt Nam nguy cơ thành Vũ Hán

>>> VTV gọi người bán rong là ‘ký sinh trùng’- cộng đồng phẫn nộ

>>> Đảng “nhọ mặt” vì tham nhũng – Dân bất lực trước công lý nửa vời

Lừa triệu đô bên Mỹ – bắt khẩn công dân Việt

Kasse animation 7.8.2023