Facebook bị chất vấn vì ‘cúi mình’ trước chính phủ Việt Nam

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=L8SBLKrGLHo

Ông chủ mạng xã hội nổi tiếng Facebook, Mark Zuckerberg, vừa bị chất vấn tại Uỷ ban Tư pháp của Thượng viện Hoa Kỳ về hành vi tiếp tay cho một số chính quyền độc tài trong việc kiểm duyệt người dùng mạng xã hội mà ví dụ điển hình việc mạng xã hội lớn nhất thế giới này đã “cúi mình” trước chính quyền cộng sản Việt Nam kiểm soát và đóng tài khoản của người sử dụng có tiếng nói bất đồng với chính phủ.

Tại buổi điều trần hôm 17/11 cùng với người đứng đầu trang Twitter là Jack Dorsey, CEO của Facebook là Mark Zuckerberg nhận được câu hỏi chất vấn từ Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Marsha Blackburn rằng liệu Facebook có thường xuyên kiểm duyệt tài khoản của người sử dụng theo lệnh của các chính phủ nước ngoài hay không.

Người sáng lập Facebook trả lời: “Tôi không chắc liệu có điều gì cụ thể mà ngài đang đề cập đến hay không, nhưng nói chung chúng tôi không kiểm duyệt.”

Đề cập trực tiếp đến “chế độ Cộng sản” và số lượng 60 triệu người sử dụng Facebook tại Việt Nam, Thượng nghị sĩ Blackburn tiếp tục đặt câu hỏi cho Zuckerberg rằng liệu Facebook có “theo lệnh của chính phủ Việt Nam”, đóng cửa và cấm tài khoản của một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam chỉ vì người này chỉ trích chính sách đất đai của chính phủ hay không.

Mark Zuckerberg trả lời: “Thưa Thượng nghị sĩ, tôi không rõ tất cả chi tiết của việc đó, nhưng tôi tin rằng chúng tôi có thể đã làm điều đó. Và nói chung, chúng tôi cố gắng tuân thủ theo luật pháp địa phương của các quốc gia khác nhau mà chúng tôi đang hoạt động.”

Thượng nghị sĩ Blackburn cũng cáo buộc người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã ưu tiên “lợi nhuận hơn nguyên tắc” khi bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng chính kiến theo lệnh của các chính phủ nước ngoài.

Ảnh: CEO của Facebook Mark Zuckerberg trong phiên điều trần hôm 17/11 tại Thượng viện

Bà Blackburn chỉ ra hàng loạt các dẫn chứng cho thấy Facebook “cúi mình” trước các chính phủ Cộng sản và độc tài.

Chẳng hạn, Facebook đã gỡ bỏ các bức ảnh của Nhà tiên tri Mohammed theo lệnh của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để tránh nguy cơ mất 40 triệu người dùng ở nước này.

Tại Nga, mạng xã hội Facebook cũng đồng ý gỡ bài đăng ủng hộ nhà bất đồng chính kiến người Nga Alexei Navalny, một đối thủ nổi tiếng chuyên phê bình Tổng thống Vladimir Putin và vừa bị đầu độc ở Nga vài tháng trước.

Thượng nghị sĩ Blackburn tiếp tục chất vấn Mark Zuckerberg: “Ông có nghĩ rằng nhiệm vụ của Facebook là tuân thủ sự kiểm duyệt do nhà nước tài trợ để có thể tiếp tục hoạt động, kinh doanh và bán quảng cáo ở quốc gia đó không?”

CEO của Facebook lặp lại: “Nhìn chung, chúng tôi cố gắng tuân theo luật pháp ở mọi quốc gia mà chúng tôi hoạt động và kinh doanh.”

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Blackburn đáp lại: “Luật liên bang cho quý vị khả năng đứng vững và phát triển mà không bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện tụng… Và quý vị đã dùng quyền lực này để có những hành động điên cuồng.”

Thượng nghị sĩ của bang Tennessee hứa rằng những cải cách pháp lý của Điều mục 230 sẽ “tước bỏ lá chắn trách nhiệm mà ông đã biến thành một bức tường mờ ảo”.

Thượng nghị sĩ Blackburn cho biết Đạo luật Đa dạng Quan điểm và Tự do Trực tuyến hiện đã sẵn sàng để bổ sung và kiềm chế một số biện pháp bảo vệ trên.

Ảnh: Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Marsha Blackburn

Mục 230 (là một phần của luật Internet ở Hoa Kỳ, Chuẩn mực Truyền thông, được đưa ra từ năm 1996), nằm trong Đạo luật truyền thông 1934. Mục 230 chỉ dài 26 từ – ngắn gọn và trọng tâm, nhưng nó đã có một ảnh hưởng quá lớn .

Hiểu đơn giản, Mục 230 định nghĩa các mạng xã hội chỉ là nhà cung cấp dịch vụ (platform), không phải là nhà xuất bản, do đó họ được miễn trừ trách nhiệm về nội dung bên thứ 3 đăng tải (người dùng). Mục này cho phép các platforms có quyền kiểm duyệt (xóa/chặn) các nội dung không phù hợp với tiêu chuẩn của platforms đặt ra.

Điều này lại xung đột với Tu chính án Số 1 – Tự do ngôn luận. Nguy hiểm hơn, các nhà mạng này đã lợi dụng điểm này, để tạo nên một thứ quyền lực mềm, thực hiện những ý đồ chính trị dơ bẩn như những gì chúng ta đang thấy.

Nhiều Thượng nghị sĩ khác của Đảng Cộng hòa cũng nêu lên quan ngại của họ về điều mục 230.

Họ nói các công ty truyền thông xã hội đang đưa ra quyết định có tính biên tập về nội dung gì cần gỡ xuống, dán nhãn hoặc để nguyên.

Điều này, họ lập luận, khiến các trang mạng xã hội trở thành các nhà xuất bản thay vì chỉ là nhà phân phối thông tin, và do đó, họ không nên được bảo vệ bởi Quy định 230 như hiện hành.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, nói thêm: “Khi chúng ta có các công ty sở hữu quyền lực như của chính phủ, có nhiều quyền lực hơn các phương tiện truyền thông truyền thống, thì có gì đó cần phải thay đổi.”

Trước đó, Tổng thống đắc cử Biden gợi ý rằng quy định 230 nên được “thu hồi” vì nó khuyến khích sự lan truyền thông tin sai lệch.

Ảnh: Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện

Trở lại với việc Facebook có những thỏa hiệp với Chính phủ Việt Nam, hồi tháng 04 vừa qua, Reuters dẫn nguồn tin từ nội bộ Facebook tiết lộ rằng Facebook đã đồng ý đẩy mạnh việc kiểm duyệt những bài viết “chống đối nhà nước Việt Nam“.

Theo đó, các máy chủ nội địa của Facebook đặt tại Việt Nam đã bị tắt trong vòng khoảng bảy tuần, nguyên nhân đến từ các công ty viễn thông do nhà nước Việt Nam sở hữu. Điều này khiến cho tốc độ truy cập Facebook bị trì trệ suốt thời gian qua.

Nguồn tin từ Facebook nói thêm: “Chúng tôi tin rằng hành động này nhằm gây áp lực lớn lên chúng tôi, buộc chúng tôi ngày càng phải tuân theo các yêu cầu pháp lý (từ phía Việt Nam) để xóa bỏ những nội dung nhất định mà người dùng ở Việt Nam tiếp cận.”

Tại thời điểm đó, theo facebooker Vi Yên thì thông tin này tuy mới nhưng không đáng ngạc nhiên.

Ngay sau khi luật An ninh mạng có hiệu lực vào đầu năm 2019, lãnh đạo Cục Phát tranh Truyền hình và Thông tin Điện tử đã khẳng định rằng Facebook vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, rằng “họ làm rất lâu. Chúng tôi yêu cầu gỡ bỏ các tài khoản nói xấu lãnh đạo trong vòng 48 tiếng nhưng họ chỉ gỡ sau vài tháng. Mới đây, Facebook đã gỡ 3.000 status nói xấu, gồm cả tài khoản nhưng sau đúng một năm khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu.” Vào thời điểm đó, vị này tiết lộ thêm rằng “Bộ cũng đang tính đến phương án áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết trong trường hợp Facebook không có động thái tích cực.”

Nguồn tin từ Facebook còn tiết lộ với Reuters rằng “các máy chủ nội địa của Facebook đặt tại Việt Nam đã bị tắt, cho đến khi Facebook đồng ý đẩy mạnh kiểm duyệt các bài đăng chống đối nhà nước.”

Rõ ràng, trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 09/2018, Giám đốc Điều hành của Facebook là bà Sheryl Sandberg đã khẳng định trước Quốc hội Mỹ rằng “Chúng tôi không có máy chủ ở Việt Nam. […] Chúng tôi chỉ hoạt động ở những quốc gia mà chúng tôi có thể gìn giữ được những giá trị của mình.”

Không hẳn Sheryl đã nói dối trước Quốc hội Mỹ (nên nhớ, nói dối trước Quốc hội bị coi là một hành vi phạm tội liên bang). Có thể bà Giám đốc đã chơi chữ, rằng Facebook không “sở hữu” các máy chủ đặt tại Việt Nam. Thay vào đó, Facebook có thể đã… thuê các máy chủ này.

Ảnh chụp màn hình bài báo hôm 21/04/2020 của Reuters cho biết Facebook chấp nhận đẩy mạnh việc kiểm duyệt theo mong muốn của chính quyền cộng sản Việt Nam

Thông tin này được tái khẳng định trong một tuyên bố của Bộ Công an, rằng “Google, Facebook đều đã thuê máy chủ tại nước ta. Theo thống kê sơ bộ, Google thuê khoảng 1.781 máy chủ, Facebook thuê khoảng 441 máy chủ tại 8 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước.”

Từ những thông tin trên, nhà hoạt động xã hội Vi Yên đã rút ra một số nhận định.

Thứ nhất, không thể phủ nhận rằng, suy cho cùng, Facebook cũng chỉ là một doanh nghiệp vì lợi nhuận, bất chấp những tuyên bố đẹp đẽ như “chỉ hoạt động ở những quốc gia mà chúng tôi có thể gìn giữ được những giá trị của mình” và rằng “chúng tôi sẽ không bao giờ cung cấp thông tin cho chính quyền Việt Nam“. Là một người sử dụng Facebook, chúng ta cần thận trọng hơn với những thông tin mà mình cho phép Facebook nắm bắt, nhất là khi chúng ta không biết Facebook đang thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam ở mức độ nào.

Thứ hai, người dùng Facebook nói riêng và người dùng mạng nói chung cần theo dõi sát sao hơn các thay đổi về luật pháp để biết được bản thân có thể bị ảnh hưởng như thế nào, từ đó có những biện pháp ứng phó phù hợp. Thực tế, luật an ninh mạng chưa được đưa ra áp dụng một cách cụ thể. Tuy nhiên, dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật này đang còn treo lơ lửng với rất nhiều điều khoản vi phạm quyền của người dân. Nếu được thông qua, cùng với thói thỏa hiệp của Facebook, nghị định này sẽ gây hại không ít đến cả thông tin cá nhân lẫn không gian tự do của người dùng mạng.

Và sau cùng, người dùng mạng không nhất thiết phải tự kiểm duyệt mình bằng cách tránh né các vấn đề chính trị xã hội bị coi là “nhạy cảm“, “chống đối“. Khi Facebook bắt đầu gia tăng kiểm duyệt các bài đăng bị coi là “chống đối nhà nước Việt Nam“, chúng ta cần tìm kiếm những cách thức hoạt động sáng tạo trên chính nền tảng Facebook để bày tỏ quan điểm của mình đối với các vấn đề chính trị xã hội. Thông thường, để gỡ bỏ hoặc hạn chế bài viết, Facebook vẫn có khuynh hướng tìm cách biện minh cho hành động của nó bằng chính các nguyên tắc mà nó đã đề ra, như các “tiêu chuẩn cộng đồng“. Hiểu rõ các tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook, cũng như viết bài hay đăng ảnh lên Facebook một cách sáng tạo nhằm tránh vi phạm các tiêu chuẩn này, chính là cách để “lách kiểm duyệt” hiệu quả.

Ảnh 5: Bà Sheryl Sandberg, Giám đốc điều hành của Facebook tại buổi điều trần trước Thượng viện Mỹ hôm 05/09/2018

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Bà Hồ Thị Kim Thoa có bị dẫn độ từ Pháp về hay không?

>>> Liệu có phải là Đảng luôn lắng nghe dân không?

>>> ĐƯỢC HAY MẤT SAU TRANH CÃI?

Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh ra tòa, Hoàng Trung Hải có run?

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT