Đạp nhau trước Đại Hội – Nguyễn Đức Chung rơi xuống hố sâu

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=tur0iIvns5I

Đảng Cộng sản Việt Nam mới đây cho hay ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (hiện đang bị khởi tố, tạm giam và đình chỉ sinh hoạt đảng) đã bị đề nghị khai trừ Đảng.

Đề nghị này được đưa ra trong Kỳ họp 50 của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương diễn tra trong hai ngày 01 và 02/12/2020, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa tin tại Kỳ họp này, sau khi xem xét các hành vi sai phạm của ông Nguyễn Đức Chung; UBKT Trung ương nhận thấy: ông Nguyễn Đức Chung đã vi phạm rất nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân.

Căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét khai trừ ông Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng.

Trước đó, ngày 25/11, ông Nguyễn Đức Chung, 53 tuổi, cùng Phạm Quang Dũng, cựu cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an) bị VKSND Tối cao truy tố về tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước với khung hình phạt 10-15 năm tù, theo khoản 3 điều 337 Bộ luật hình sự 2015.

Cùng tội danh, tài xế riêng của ông Chung là Nguyễn Hoàng Trung và Nguyễn Anh Ngọc, 46 tuổi, cựu phó trưởng Phòng Thư ký biên tập Văn phòng UBND Hà Nội bị truy tố theo khoản 1; khung hình phạt 2-7 năm tù.

Ngoài vụ án này, ông Chung còn bị điều tra trách nhiệm liên quan vụ án xảy ra tại Nhật Cường; vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại UBND Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Ảnh 1: Hình ảnh Kỳ họp 50 của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương diễn tra trong hai ngày 01 và 02/12/2020, tại Hà Nội

Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hôm 30/11/2020 quyết định, ngày 11/12 tới đây sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” liên quan đến vụ án Công ty Nhật Cường do nguyên Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cầm đầu theo hình thức xét xử kín.

Quyết định của tòa Hà Nội được đưa ra chưa đầy một tuần kể từ khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì một phiên họp với nội dung hối thúc điều tra và xét xử sơ thẩm các vụ án lớn và các vụ được “dư luận và quần chúng quan tâm“.

Tòa án không giải thích vì sao phiên tòa xét xử kín tuy nhiên theo Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam năm 2015 ở Điều 25 quy định:

Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.

Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, bị cáo, đương sự và những gười tham gia tố tụng do Hội đồng xét xử triệu tập nếu xét thấy cần thiết.

Còn lại, không một ai khác được ở lại phòng xét xử để theo dõi diễn biến phiên tòa, kể cả nhà báo hay người thân của bị cáo.

Phần tuyên án công khai này sẽ chỉ nêu họ tên các bị cáo, tội danh bị kết án và mức hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo.

Ảnh 2: Ông Nguyễn Đức Chung (thứ 4 từ phải qua) trong lễ nhận quyết định thăng hàm lên Thiếu tướng vào tháng 07/2013. Ông Nguyễn Đức Chung là thiếu tướng trẻ nhất ngành Công an thời điểm được phong quân hàm, khi mới 46 tuổi

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương cho RFA biết ông được biết ông Nguyễn Đức Chung là người cũng có chí và có tài.

Nhưng dưới chế độ hiện nay thì ông Chung lại không đem được cái tài của mình để làm việc cho tử tế, bởi chế độ này luôn luôn thúc đẩy người ta đi tìm quyền lực, rồi dùng quyền lực ấy để kiếm chác, làm giàu cho bản thân. Ông Chung là một trong những điển hình xấu xa của người cộng sản trong cái đảng cộng sản này.

Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh đang công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội bình luận với BBC:

Thời gian qua, nhiều tướng lĩnh và sĩ quan cao cấp của Bộ Công an (nhiều tướng lĩnh được vinh danh Anh hùng lực lượng vũ trang), cùng nhiều quan chức gốc ngành này, bị truy tố và phạt tù.

Người thì phạm tội tham nhũng, người phạm tội chiếm đoạt bí mật quốc gia, người thì bảo kê băng nhóm xã hội đen, bảo kê đường dây đánh bạc, v.v.

Đó là thực trạng đau xót, làm mất đi sức mạnh và tính liêm chính của lực lượng được ví như “thanh kiểm và lá chắn” bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật.

Tôi cho rằng, khi tội phạm lan rộng tới lực lượng này thì đó là mối hiểm họa từ chính nội bộ của một thể chế chính trị.”

Ảnh 3: Tối ngày 28/8/2020, lực lượng chức năng đã xuất hiện tại nhà riêng của ông Nguyễn Đức Chung để thực hiện lệnh khám xét

Ông Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá an ninh từng nhiều năm làm việc trong ngành Công an Việt Nam bình luận:

Việc nhiều sĩ quan cao cấp thuộc ngành Công an Việt Nam bị xử lý dưới nhiều hình thức trong thời gian qua, trước hết đó là hậu quả của việc họ có quyền lực quá lớn, trong một hệ thống được trao quyền lực quá nhiều.”

Trong khi ngược lại, từ năng lực chuyên môn cho tới đời sống văn hóa tinh thần, nền tảng đạo đức thì họ lại thiếu, ít được trau dồi, rèn dũa, hoặc chỉ được “giáo dục” theo những cách nặng tính hình thức.

Thực trạng đó được thể hiện sống động hàng ngày, người dân đều biết, nhưng báo chí hầu như không (được hay không dám) đả động tới.”

Luật sư về nhân quyền Lê Quốc Quân thì bình luận:

Theo tôi thì tội phạm tham nhũng ở Việt Nam là rất lớn, bất kể ngành nào, cấp nào. Trong ngành công an càng lớn vì họ sống trong tội phạm, sống với tội phạm và giải quyết các vấn đề của tội phạm cho nên rất nhiều người nhúng chàm, bất kể to hay nhỏ.

Trong thời gian gần đây thì có chiến dịch “đốt lò” và có vẻ như Trung ương làm mạnh về tội phạm tham nhũng cho nên nhiều sỹ quan cấp cao của ngành Công an và có gốc đến từ ngành này bị xử lý kỷ luật là đương nhiên.

Điều cần rút ra ở đây là cơ chế kiểm soát quyền lực và phải minh bạch hoá và pháp luật phải nghiêm minh với tất cả mọi người. Đối với quan chức chế độ này thì với tình hình và bản chất chế độ, thể chế như hiện nay, thì cứ đánh đâu là trúng đó thôi, không riêng ngành nào.”

Ảnh 4: Danh sách 20 tướng lĩnh thời bình bị kỷ luật, bị bắt trong các năm trở lại đây

Tuy nhiên trong cộng đồng mạng lan truyền thuyết âm mưu cho rằng ông Nguyễn Đức Chung bị thanh trừng ngay trước Đại hội 13 là do mâu thuẫn lợi ích.

 Nhà quan sát Phạm Nhật Bình phân tích sự việc như sau:

Theo cáo trạng của công an điều tra, ông Chung gặp và được Phạm Quang Dũng đồng ý hợp tác bằng cách ông Dũng đột nhập vào văn phòng lãnh đạo C03 để ăn cắp tài liệu mật của vụ án. Qua Viber, Dũng đã chuyển cho Nguyễn Đức Chung 3 lần, bao gồm 12 tài liệu của vụ án Nhật Cường.

Sau đó, cũng qua Viber, Chung chuyển cho thư ký của mình là Nguyễn Anh Ngọc 3 tài liệu và yêu cầu Ngọc chỉnh sửa, bỏ những chữ ký và tiêu đề trong những tài liệu này. Tất cả được Ngọc in ra đưa cho tài xế Nguyễn Hoàng Trung để Trung giao lại cho Nguyễn Đức Chung.

Trong chuỗi đánh cắp và tàng trữ tài liệu được cho là mật này có một chi tiết đặc biệt không ai ngờ tới. Theo cáo trạng, ông Phạm Quang Dũng đã tự thú trong cuộc điều tra của cơ quan C03 là Nguyễn Đức Chung có nhờ Dũng cung cấp tài liệu mật và C03 đã tiếp tục cho Dũng làm chuyện này.

Nói cách khác, C03 đã tương kế tựu kế dùng Dũng cài ngược lại để bắt tội Nguyễn Đức Chung. Trong nghề tình báo, cài ngược là nghiệp vụ thông thường nhưng ông Chung lại dính mới lạ. Được biết vụ cài ngược này xảy ra vào ngày 10/06/2020, tức là gần một tháng sau hội nghị trung ương 12. Hội nghị này họp vào đầu tháng 05/2020 để chọn những ai của khoá 12 được ở lại trung ương khoá 13 (2021-2026), đồng thời bầu chọn thử ai xứng đáng vào Bộ Chính trị khóa mới.

Trong Hội nghị trung ương 12 này, vị trí của Chủ Tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung sáng như mặt trăng ngày rằm. Ông Chung không những được chọn vào trung ương khoá 13 mà còn nằm trong danh sách dự kiến của Bộ Chính trị khóa mới. Rõ ràng ngôi sao Nguyễn Đức Chung sáng hơn 4 sao của Bộ trưởng Công An Tô Lâm.

Nếu con đường thăng tiến của ông Chung tiếp tục lên cao như vậy, nhiều phần Chung sẽ nắm ghế Bộ trưởng Công An thay ông Tô Lâm hoặc là Trưởng ban Nội chính sau Đại hội 13. Như thế, rõ ràng ông Chung trực tiếp trở thành kẻ thù của phe nhóm Tô Lâm, và ông Nguyễn Đức Chung là người cần phải bị triệt hạ trước khi đại hội 13 diễn ra.

Không ai khác hơn chính Bộ Trưởng Tô Lâm đã vẽ ra trận đồ “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” để đưa Chung vào tù, vĩnh viễn cắt đứt sinh mạng chính trị của Chung. Bản thân Chung cũng là sĩ quan công an mang cấp tướng, nhưng non tay ấn so với đương kim Bộ trưởng Công an Tô Lâm và cũng vì quá tự tin vào ngôi sao chiếu mệnh của mình.

Nói khác đi, công an với công an giết nhau bằng tài liệu bí mật, mà mật hay không cũng do chính công an chế ra để triệt hạ lẫn nhau trong ván cờ quyền lực chứ nào ai biết được.

Đó cũng được coi là nguyên nhân dẫn đến việc phải xử kín vụ án Nguyễn Đức Chung. Facebooker Amy Truc Tran nhận định: “Bởi lẽ nếu không “xử kín” thì toàn bộ “bí mật nhà nước” sẽ bị bại lộ hết… Đảng ta suy nghĩ thấu đáo “tài tình sáng suốt” trong mọi quyết định liên quan đến quyền lợi của đảng!”

Ảnh 5: Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung xuất hiện cùng nhau trong một chương trình biểu diễn nhạc kèn của Đoàn nghi lễ Bộ Công an tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Trung ương Đảng họp quyết định số phận Nguyễn Đức Chung

>>> Tư tưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước pháp quyền XHCN: bánh vẽ & mị dân?

>>> Bất lực trước nạn tham nhũng ở Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng dẫn Bao Công thời đại mới

Chủ tịch Hà Nội tiết lộ tình trạng bao che tham nhũng tại thủ đô

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023