Nhận hối lộ triệu Đô: Mặc Trọng cấm – Đảng viên vẫn thu quà Tết

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=GWWItgnrXCY

Như mọi năm, cứ vào thời điểm người dân cả nước chuẩn bị cho dịp tết nguyên đán cổ truyền thì chính quyền cộng sản Việt Nam đưa ra chỉ thị cấm tặng quà Tết cho cấp trên. Lệnh cấm truyền thống này của Đảng dường như chỉ mang tính chất hình thức vì chiến dịch đốt lò của người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước những năm qua đã liên tục ‘tiết lộ’ về những món quà, phong bì tết hàng tỉ đồng và tình trạng này không có dấu hiệu được giải quyết dứt điểm.

Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư hôm 09/12 đã ký ban hành chỉ thị 48-CT/TW năm 2020 về việc tổ chức tết năm 2021.

Trong đó, điều 4 của chỉ thị này quy định các cán bộ nhà nước không được tổ chức đi thăm, chúc tết cấp trên và lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm biếu, tặng quà tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức, không đi lễ chùa, lễ hội nếu không được phân công, không sử dụng ngân sách nhà nước, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi…

Việc biếu, tặng quà là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, biểu lộ thành ý kính trọng, tri ân với những người thân thiết, giúp đỡ mình hoặc giữa những người có mối quan hệ trong làm ăn, buôn bán với nhau.

Tuy nhiên, nét văn hóa đẹp đẽ này đã bị đảng viên cộng sản biến thành công cụ biếu xén, đút lót, tạo quan hệ với cấp trên nhằm mục đích hối lộ để được quan tâm, thăng tiến.

Từ lâu, trong giới quan chức Việt Nam, một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc là tặng quà tết đã trở thành một hình thức “hợp thức hóa hối lộ“.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục QH khóa XIII năm 2017 từng nhận định:

Tết chính là thời điểm thích hợp để người ta hợp thức hóa hành vi hối lộ trá hình.”

Ảnh: Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư

Trên thực tế, biếu, tặng quà Tết cấp trên đã trở thành vấn nạn trong chính quyền cộng sản Việt Nam.

Cứ vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề là người ta thấy nườm nượp từ xe to đến xe nhỏ đến nhà lãnh đạo chúc Tết, tặng quà.

Câu chuyện biếu, tặng quà Tết lãnh đạo, cấp trên luôn làm bức xúc dư luận. Bởi, xét cho cùng thì số quà cáp đó đến từ chính những đồng tiền tham nhũng, những đồng tiền rút ruột từ nhà nước, tức tiền thuế của người dân.

Còn những chỉ thị của chính quyền về việc nghiêm cấm biếu quà cáp đối với lãnh đạo, được rao giảng suốt nhiều năm qua, cũng chỉ là khẩu hiệu mị dân mà thôi bởi tình trạng này không hề giảm mà còn biến tướng ngày càng tinh vi hơn.

Nhiều ý kiến bình luận rằng việc cấm biếu quà không thực tế, chỉ là hình thức, là khẩu hiệu, không thể làm giảm được vấn nạn hối lộ, tham nhũng trong công quyền. Không cần đợi đến tết, người ta có thể “tặng quà” cho sếp bất cứ lúc nào, ở bất cứ đâu và nhiều hình thức khác nhau.

Bà Lê Hiền Đức, người được Tổ chức Minh bạch Thế giới trao giải thưởng Công dân Liêm Chính hồi năm 2007 nêu quan điểm rằng chuyện tặng quà tết cho nhau không có gì xấu cả. Còn cái lệnh ban hành cấm biếu quà tết thì người ta có thiếu gì cách khác để đút lót, chạy chọt chuyện cá nhân:

Việc cấm như thế chỉ là một cái lệnh thôi. Còn cái người biếu và người nhận móc nối với nhau thì chả có anh nào kiểm tra được. Nên lệnh là một chuyện nhưng có làm được hay không. Chẳng hạn tôi với bạn thân nhau, tôi biếu bạn một tí là tình cảm thì không sao cả, nhưng mà biếu để nhờ vả, xin xỏ việc nọ việc kia đó mới là cái đáng cấm.

Chẳng cần phải là quà tết mà thiếu nhiều lúc người ta gặp nhau để biếu nhau. Ví dụ bây giờ tôi cần lên chức thì không cần phải đến tết tôi cũng mang đến để biếu.”

Ảnh chụp màn hình một số quy định trong Chỉ thị 48-CT/TW năm 2020 về việc tổ chức tết năm 2021 mà truyền thông trong nước đăng tải

Báo Dân trí tháng 01/2019 đã có bài viết mang tựa đề “Những túi quà Tết tiền tỉ khiến hàng loạt “sếp bự” doanh nghiệp dính vòng lao lí”.

Bài báo chỉ ra không chỉ Ninh Văn Quỳnh, cựu Kế toán trưởng của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) bị lĩnh án liên quan đến những túi quà Tết tiền tỉ mà còn có 4 cựu lãnh đạo của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) cũng bị lĩnh án tù và nhiều lãnh đạo công ty khác cũng đang dính vòng lao lí.

Cụ thể ông Ninh Văn Quỳnh, cựu Kế toán trưởng PVN đã phải lĩnh bản án 16 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” trong vụ nhận những túi quà Tết tiền tỉ từ cựu tổng Giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn.

Tương tự cựu Kế toán trưởng của PVN, hôm 22/01/2019, 4 cựu lãnh đạo của Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) từng nhận tiền tỉ của Oceanbank cũng lần lượt bị lĩnh án tù gồm: Vũ Mạnh Tùng – nguyên Phó TGĐ Cty BSR: 8 năm tù; Nguyễn Hoài Giang – nguyên Chủ tịch BSR: 7 năm tù; Phạm Xuân Quang – nguyên Kế toán trưởng BSR: 6 năm tù và Đinh Văn Ngọc – nguyên TGĐ Cty BSR: 4 năm tù.

Tuy nhiên, kỷ lục về giá trị của món quá tết trong chính quyền cộng sản Việt Nam cho đến nay thuộc về vụ đại án MobiFone mua lại AGV, được xét xử hồi tháng 04/2020.

Trong vụ án này, bị cáo Lê Nam Trà, nguyên là Chủ tịch công ty MobiFone khai đã nhận từ Phạm Nhật Vũ 2,5 triệu đô-la Mỹ. Trong đó có phong bì quà tết gởi đến văn phòng làm việc trị giá 500 ngàn đô. Với 2 triệu đô còn lại, ông Vũ bỏ vào 2 thùng carton chứa hoa quả gởi đến nhà riêng cho ông Nam Trà.

Sau đó, ông Trà 2 lần gởi tổng cộng 700 ngàn đô cho Nguyễn Bắc Son, khi đó là Bộ trưởng Thông tin truyền thông. Trong đó có 500 ngàn đô-la Mỹ là “quà tết”.

Ảnh: Ông Ninh Văn Quỳnh, cựu Kế toán trưởng của Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trước vành móng ngựa

Ông Lê Như Tiến từng nhận định rằng vẫn còn nỗi băn khoăn trong một phần dư luận, gồm cả quan chức về định nghĩa khi nào thì quà tặng chính là hối lộ.

Quy định riêng dành cho cán bộ, công chức được ban hành từ năm 2007 ghi rằng, nếu biếu quà tết dưới 2 triệu đồng, dù chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cán bộ, công chức tặng quà và người nhận quà cũng có thể bị xử lý kỷ luật.

Theo điều 364, Bộ luật hình sự năm 2015 về tội Đưa hối lộ quy định “Người nào trực tiếp hay qua trung gian đưa cho người có chức vụ, quyền hạn để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.”

Việt Nam không có những quy định rõ ràng, chi tiết về việc đưa và nhận hối lộ. Đây có thể là một nguyên nhân dẫn đến việc xã hội Việt Nam ngày nay được vận hành theo công thức chạy chọt, đút lót.

Người dân chạy xe máy ra đường gặp cảnh sát giao thông phải “đút túi” cảnh sát vài trăm ngàn để được đi cho nhanh, khỏi bị kiểm tra phiền phức. Cho đến học sinh tiểu học cũng sẽ bị giáo viên “tỏ thái độ” nếu phụ huynh lỡ quên tặng quà cho thầy cô giáo.

Mới đây, hôm 07/12, truyền thông Việt Nam còn đưa tin phát hiện một số cán bộ công an phường Phú Thọ Hoà, quận Tân Phú, TP HCM nhận tiền hối lộ từ nhóm tội phạm mua bán ma túy khiến Công an TPHCM đã tạm đình chỉ 25 cán bộ công an, đồng thời khởi tố vụ án một số bị can có liên quan..

Ảnh: Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son tại phiên toà ở Hà Nội hôm 20/12/2019. Ông Son bị kết án tù vì tội nhận hối lộ

Giảng viên học viện Âm nhạc Huế Dương Bích Hà bình luận: “Thực tại bây giờ, hầu như tất cả các cơ quan, đoàn thể từ trung ương đến địa phương người nào được cấp trên cất nhắc đều có vấn đề hết. Những ai không có vấn đề thì bị gạt ra ngoài luồng đó.”

Ở Việt Nam mình có câu “trên không nghiêm thì dưới không nghiêm”. Bây giờ, một xã hội loạn như vậy. Cấp trên đã không nghiêm chỉnh thì không thể nào tránh khỏi những việc này. Với một chính quyền như hiện tại thì sẽ không bao giờ thay đổi một cái gì cả. Điều đó vẫn sẽ mãi tồn tại thôi.

Cái tình trạng gọi là “đảng trị” làm cho mọi người bị nhu nhược, ai cũng sợ bị động đến quyền lợi của mình cả. Không ai dám lên tiếng. Bởi vì lên tiếng là vào tù, là sẽ bị trù dập, bị mất quyền lợi… thì chả ai dám dại gì mà mở miệng ra cả. Người ta sống từ trên xuống dưới đều bằng kiểu đó.

Theo góc nhìn của mình thì rất khó để đưa ra một cái giải pháp gì. Ngoại trừ trường hợp thay đổi thể chế. Nếu không thì vẫn sẽ tồn tại một xã hội từ trên xuống dưới đầy tiêu cực và tham nhũng, không bao giờ thoát khỏi được cả.”

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, một nhà phân tích chính trị từ Hà Nội từng nói với BBC:

Sờ đâu cũng ra tham nhũng, cho nên cần tiếp tục để cho người dân có quyền giám sát mọi hoạt động của hệ thống chính trị Việt Nam.

Mặt khác, cần tiếp tục cải cách tư pháp và xây dựng hệ thống pháp luật, nâng cao trình độ và đạo đức của tất cả những người tham gia lĩnh vực tư pháp, từ điều tra viên, kiểm sát viên đến thẩm phán và thi hành án v.v…

Mục tiêu lớn nhất, theo tôi, là dân có thực quyền giám sát mọi hoạt động của nhà nước và của Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu trong Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, tại Thủ đô Hà Nội và trực tuyến đến hơn 80 điểm cầu trong cả nước hôm 12/12/2020

Lan Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Cho công an thẩm tra hàng trăm nhân sự các cấp – Nguyễn Phú Trọng muốn gì?

>>> Vì sao nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị bắt?

>>> Đại hội 13 : Bao giờ đảng công khai về nhân sự?

Việt Nam: Công an nói gì về vụ bắt giữ Tất Thành Cang?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT