Hiện tượng Y bác sỹ bỏ việc: Máu, nước mắt và sự bạc bẽo

Link Video: https://youtu.be/J-sDD30CBR8

“Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều tỉnh thành đặc biệt là điểm nóng Tp.HCM đang xảy ra hiện tượng Y bác sĩ bỏ việc. Ngày 4/9, thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Trường Sơn ký công văn gửi xuống, trong đó có đề nghị biện pháp nặng nhất là tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề. Việc này đang gây nhiều bức xúc cho đội ngũ nhân viên y tế ở các Bệnh viện công.”

Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà nêu ý kiến cùng với nhiều thông tin tổng hợp về thực trạng căng thẳng, thiếu thốn trong công việc và nhiều bức xúc do chế độ ăn uống sinh hoạt đang tác động trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của đội ngũ y bác sỹ phục vụ ở tuyến đầu chống dịch, nhất là ở TpHCM hiện nay.

Nếu như các đợt dịch lần 1,2 và 3 đội ngũ hỗ trợ chống dịch chủ yếu là tình nguyện, thì trong đợt bùng phát thứ 4 này hầu hết nhân viên y tế tuyến đầu là từ các bệnh viện phân công;

Có nghĩa là lên danh sách bắt buộc đi hết kể cả trưởng, phó khoa – ngoại trừ các trường hợp có con nhỏ dưới 2 tuổi, vợ/chồng được xác nhận đang đi bệnh viện dã chiến, hoặc có bệnh nền đang điều trị như ung thư.

Nhóm này về thì nhóm khác đi, văn bản phân công là 05 tuần; về thì cách ly 07 ngày xong đi làm và chờ tua tiếp.

Mới đây tân giám đốc Sở y tế Tp.HCM Tăng Chí Thượng đề xuất tăng lên 06 tuần nhưng bị phản đối quá nên hiện vẫn là 05 tuần/đợt phục vụ.

Tuy nhiên, thực tế công việc tại các bệnh viện ít vì cả thành phố giờ chữa mỗi covid, nên có những người đi bệnh viện dã chiến 03 tháng chưa về.

Về phân công nhân sự mới nhất (4/9) cho Tp.HCM cũng của ông Sơn thứ trưởng Bộ y tế. Thì, mỗi bác sĩ và điều dưỡng hàng ngày phải quản lý và chăm sóc từ 140 – 150 bệnh nhân, với mỗi tua làm việc từ 8 – 10 tiếng/ngày, trực cấp cứu 12 tiếng/ngày và đều trong điều kiện đồ bảo hộ kín mít dễ gây mất nước, kiệt sức; và gần như ngủ cũng mang cả khẩu trang.

Nhiều thứ bất hợp lý đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của nhân viên y tế đang phục vụ tại tuyến đầu!

Ảnh: Y bác sỹ chống Covid mệt mỏi sau ca trực ở một Bệnh viện dã chiến TpHCM

Về đời sống, nhân viên y tế được phát cơm hộp với suất ăn hiện đang chế độ 120.000 đồng/ngày.”

Một bác sỹ đang ở bệnh viện dã chiến cho hay.

Nhân viên y tế chúng tôi ăn thế này [hình] trong khu cấp cứu F0 đây: 1 phần cơm, 1 ít thịt/cá kho, 1 bọc nylon nho nhỏ đựng canh rau cho trưa và chiều; sáng được cái bánh ngọt. Muốn ăn gì thêm thì nhà tiếp tế lên, nên cũng không biết mình được 120 ngàn đồng tiền ăn/ngày.

Nhóm y bác sỹ đội tôi có ngày không có gì ăn, ra hỏi thì bảo buổi sáng không đăng ký cơm thì không có. Bs đội trưởng làm dữ lên thì được bảo phải ký tên nhận 04 phần cơm, mấy bạn y tá vừa ăn vừa khóc. Tức cái là những ngày trước vẫn phát cơm, chứ ăn ngày nào báo ngày đó thì không nói làm gì.

Nhân viên y tế làm việc chống dịch cho địa phương mà phát cơm như phát chẩn, lại còn bắt ký tên. Lúc nào anh em cũng tự động viên nhau ráng lên, chúng ta đang đi chống dịch!”.

Lý do nhân viên y tế bỏ việc ngoài ra còn nhiều vô vàn, có người thì nhà con nhỏ hoặc cha mẹ già không đi chống dịch được, cũng có người sợ…vv.

Ảnh: suất cơm thực tế mà YBS chụp lại. Sau này họ mới biết đó là khẩu phần tiêu chuẩn 120.000đ/ngày. Suất cơm này nếu mua ở quán cơm tư nhân thì chỉ có giá 10-15 ngàn đồng

Một bác sĩ viết trên trang cá nhân.

Trước khi trừng phạt những nhân viên y tế  có ý định từ bỏ cuộc chiến không cân sức này, xin hỏi Bộ y tế đã có một khoản chu cấp nào đáng kể từ đầu dịch đến giờ cho họ yên tâm làm việc không? Và nếu có, nó cũng không phải là điều kiện ràng buộc họ phải ném mình vào nơi cực kỳ nguy hiểm như vậy? Tôi chưa bỏ cuộc, nhưng sẽ không dám lên án đồng nghiệp nào rũ áo. Còn chúc họ và gia đình bình an, vì biết đâu sẽ có ngày tôi đầu hàng?”.

Những trường hợp nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19 trong quá trình công tác thì được điều chuyển lên khu người bệnh. Suất ăn của nhân viên y tế được chuyển sang tiêu chuẩn suất ăn của người bệnh là 80.000 đồng/ngày. Việc làm này khiến cho tinh thần nhân viên y tế không may nhiễm bệnh lại càng thêm suy sụp.

Lực lượng an ninh, quân sự thường xuyên kiểm tra nghiêm khắc với lực lượng y tế mỗi khi ra ngoài mua thêm đồ ăn, thức uống bổ sung (yêu cầu nhân viên y tế mở túi đồ để kiểm tra). Điều này ảnh hưởng đến đời tư mỗi cá nhân, tạo cảm giác không thoải mái, ảnh hưởng đến tinh thần nhân viên y tế.

Ông Sơn, một thầy thuốc-người biết rất rõ “mỗi bác sĩ, điều dưỡng hàng ngày phải chăm sóc và quản lý từ 140 – 150 người bệnh”; biết rất rõ mỗi ca trực kéo dài “8 – 10 tiếng/ngày trong điều kiện mặc trang phục bảo hộ liên tục”… và trong điều kiện những suất cơm “khó ăn, không hợp khẩu vị”.

Vậy mà. Cái công văn doạ thu hồi chứng chỉ hành nghề nếu Nhân viên y tế nghỉ việc vẫn ký. Như một gáo nước lạnh, như một cái tát gây bức xúc suốt mấy ngày qua.

Người bác sĩ cấp cứu- chứng kiến những ca hấp hối ra đi còn nhiều hơn “các vị” ăn cơm uống nước hàng ngày, vừa hôm qua trắng đêm với “5 bệnh nhân tử vong, 5 bệnh nhân nguy kịch doạ tử vong”- đã đặt câu hỏi “lúc đó các vị ở đâu”?

Nhân viên y tế cũng là người, cũng chỉ có 2 bàn tay, có vui, có buồn và cũng mệt mỏi chứ đâu phải robot… để buộc người ta phải cống hiến, phải hy sinh, phải không được xin nghỉ dù vượt quá sức chịu đựng.

Dòng trạng thái trên FB của người bác sĩ có tựa là: Nghề của máu và nước mắt. Nhẽ phải thêm vào đó hai chữ bạc bẽo nữa.

Mà bạc thật, cái sự bạc không đến từ đâu, lại đến ngay từ đồng nghiệp. Những đồng nghiệp cũng mang danh thầy thuốc giờ đã thay con dao mổ bằng ngón trỏ.” Nhà báo Đào Tuấn nêu bình luận trên FB cá nhân của mình.

FB Thuy Gärtner viết:

Đọc mà thương quá. Chính quyền thì vắt chanh bỏ vỏ . Càng dịch Càng tham những. Đến tiền ăn của YBS cũng bị cắt xén. Bị đối xử như vậy thì hỏi ai muốn tiếp tục cống hiến

FB Hồ Nguyễn:

Có nhiều vấn đề bất cập và là nỗi bức xúc cho đội YBS lắm, ai có người thân là YBS mới có thể đồng cảm với họ được, tôi sẽ trích dẫn thêm vài ý cho mọi người hình dung nhé:

Làm việc cường độ rất cao, có những người F0 vẫn phải đi làm. Có rất nhiều lần họ không có đủ đồ bảo hộ, khẩu trang thì tái sử dụng.

Làm việc không có thời gian nghỉ ngơi, hầu như không được nghỉ ngơi. Đa số là không dám uống nước vì sợ đi tiểu, mà đi tiểu thì phải thay quần áo tắm rửa, vì tiết kiệm cho bệnh viện họ hy sinh luôn sức khỏe, dù họ thừa biết khi mồ hôi tiết ra nhiều mà không bổ sung nước không bài tiết thì sẽ dẫn đến hư thận.

Ăn uống thiếu thốn lắm, có khi cả ngày chỉ ăn những gói mì sống. Nghỉ ngơi thì nghỉ bất cứ nơi đâu, thậm chí trải chiếu ngủ trong nhà vệ sinh.

Người họ đầy ghẻ, họ rất mặc cảm nhưng vẫn vì đạo đức nghề y họ vẫn vui vẻ chấp nhận; đi làm tới khuya 2-3 giờ sáng về tới chỗ nghỉ toàn tắm nước lạnh. Ai có kiến thức thì thừa hiểu việc này dễ dẫn đến đột quỵ, viêm phổi cấp về sau; bạn nhớ về trường hợp của Anh Vũ, Vân Quang Long, Việt Quang không?

Bộ y tế, Sở y tế ban đầu kêu gọi họ tình nguyện họ vui vẻ chấp nhận không so đo về phụ cấp, nhưng giờ khi họ mệt mỏi thì bị ép mà chính sách phụ cấp thì không thỏa đáng.

Ảnh: ông Nguyễn Trường Sơn, Bộ trưởng Bộ y tế

Y bác sỹ dù như thế nào vẫn là một con người, họ trước khi vào ghế ngành y đa số những con người chỉ quen việc học, họ đâu quen với việc chiến đấu như anh bộ độ, lính đặc công?

Họ không phải vô cảm, vô đạo đức rời bỏ bệnh nhân, cũng chẳng phải vô trách nhiệm bỏ trốn mà vì họ mệt mỏi, họ cần được nghỉ ngơi và hơn hết cần sự động viên và thấu cảm từ cấp trên.

Nghề y hay nghề nào cũng vậy suy cho cùng cũng chỉ là mưu sinh nuôi sống bản thân và gia đình, cũng chỉ là lao động. Người lao động có quyền thôi việc, chuyển công tác nếu họ cảm thấy sự cống hiến của họ không được tôn trọng, sức khỏe và tinh thần của họ có vấn đề, luật lao động đã quy định rõ mà.

FB Khúc Thụy Du nêu bình luận rằng:

Từ chuyện chùi nhà vệ sinh cho tới giành giựt từng hơi thở đối với bệnh nhân cúm Tàu, đội ngũ y bác sỹ hiện tại gần như kiệt sức. Chưa kể những sang chấn tâm lý với họ ngày ngày đối diện với những cái chết và sự lo sợ của người thân họ, vài trường hợp “đào nhiệm“, cũng bình thường thôi, họ không là thánh nhân !

Lẽ ra lúc này họ nhận lời an ủi, chia sẻ động viên, nhưng Bộ trưởng đã ký Công văn 7330/BYT-KCB 1 cách vô cảm: “các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm các quy định về đạo đức hành nghề… tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề“. Liệu với 1 BS khi chăm sóc vài chục bệnh nhân làm sao tránh thiếu sót? Điều này rất dễ quy ra bị vi phạm và cái giá họ trả là tước chứng chỉ. Nếu như họ vi phạm đã có luật, tại sao phải mang Công văn ra dọa họ lúc này?

Họ đã vắt kiệt sức mình hơn một trách nhiệm cần có, đằng sau chiếc áo bờ-lu kia còn bao sức ép vậy mà thêm chiếc roi phía sau của Bộ Y tế canh chừng trên bờ ruộng. Xin đừng biến họ thành công cụ và đừng để sự vô ơn dẫn lối!

Bích Ngọc – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Scandal tiền từ thiện, Anh vẫn là Trấn Thành hay sẽ là “Trấn Bại”?

>>> Sao có thể nói ‘mỗi trường học là một pháo đài chống dịch’?

>>> Lưu Bình Nhưỡng vỗ mặt Chu Ngọc Anh, khen cho con người can đảm

Đối diện nguy cơ bị châu Âu phạt ‘thẻ đỏ’, Thủ tướng Việt Nam ra hạn gỡ ‘thẻ vàng’


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT


Kasse animation 7.8.2023