Link Video: https://youtu.be/gPGQwc4r9wE
Thông thường, chương trình toàn khóa và hàng năm của Ban Chấp hành Trung ương sẽ làm việc 6 tháng một lần, và họp “bất thường” khi được cho là “cần thiết”. Bất kỳ khi nào Bộ Chính trị “cho rằng cần thiết”, hoặc có trên một nửa số Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đề nghị, thì Bộ Chính trị sẽ quyết định triệu tập Hội nghị Trung ương “bất thường”, như phiên họp ngày 30/12/2022 vừa qua.
Các trang báo chí thuộc truyền thông Nhà nước chỉ đăng vỏn vẹn vài dòng tin, với cùng nội dung: “Ông Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XIII. Ông Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XIII.”
Ông Vũ Đức Đam từng là Thư ký và Trợ lý cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong bảy năm. Sau đó, ông về làm việc tại địa phương và trở thành Phó Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ vào năm 1994, tiếp đến là Vụ trưởng Vụ ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao, trước khi đảm nhiệm vị trí Phó Thủ tướng.
Khi Việt Nam bắt đầu hứng chịu đại dịch COVID-19 từ khoảng cuối năm 2020 và đỉnh điểm là năm 2021, ông Đam trở thành “lãnh tụ tinh thần” của công tác phòng chống dịch. Tuy nhiên, sau những phát ngôn “quyết liệt”, thì những hậu quả do biện pháp phong tỏa hà khắc nhưng vô lý, đã khiến đa số người dân bức xúc. Cùng với vụ nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á, cho thấy rằng, ông Đam không thể chối bỏ trách nhiệm của người chỉ đạo chống dịch.
Sự nghiệp của ông Phạm Bình Minh gắn liền với ngành ngoại giao, sau này nhận thêm một số mảng nội chính trong nước. Ông đã công tác ở cơ quan ngoại giao đại diện Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và Hoa Kỳ trong bốn năm. Sau đó, ông về nước làm Quyền Vụ trưởng, Vụ trưởng các tổ chức quốc tế, và Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Tháng 8/2007, ông làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và bốn năm sau làm Bộ trưởng ở tuổi 52. Phạm Bình Minh đã đảm nhiệm chức vị Phó Thủ tướng trong vòng 9 năm, từ tháng 11/2013 đến nay.
Ngay sau quyết định cho thôi chức đối với hai Phó Thủ tướng, nhà thơ Lưu Trọng Văn, đã nêu ý kiến trên trang Facebook cá nhân của mình.
“Theo lẽ công bằng, ở các nước có nền dân chủ và báo chí độc lập, thì chỉ cần tích tắc trợ lý của ông Minh, một mắt xích quan trọng trong vụ cướp đoạt, tham nhũng trắng trợn “Chuyến bay giải cứu” này bị công an truy tố, ông Minh có lòng tự trọng đã chủ động từ chức rồi, nếu không muốn bị cách chức.”
“Điều quan trọng nữa, sức ép từ chức không thể chỉ là màn diễn của phe nhóm quyền lực mà phải với bất cứ ai dù ở vị trí cao nào.
Đó cũng là sự Công bằng dành cho người Dân vì người Dân luôn phải có quyền được phục vụ bởi những quan chức thực sự tử tế chứ không phải những quan chức chưa bị lộ sự không tử tế.”
Cựu Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Khắc Mai từ Hà Nội trả lời phỏng vấn của đài Á Châu Tự Do RFA, vào ngày 01/01/2023, cho rằng: “qua vụ việc này cho thấy “chuyện nhân sự chỉ do một nhóm người làm thôi”, “… Đấy là cái tù mù, quan trọng là công tác cán bộ không phải là công tác toàn dân như trong một xã hội dân chủ, mà là công tác của một nhóm người… chứ không phải của một dân tộc, của nhân dân, thậm chí không phải của Quốc hội.”
Cùng ngày, Facebooker Thái Văn Đường, một người quan sát và phản biện chính trị, xã hội hiện đang tỵ nạn tại Thái Lan đưa ra nhận xét với RFA: “Thể chế chính trị Việt Nam là thanh trừng phe nhóm, có những lỗi rất nhỏ nhưng khi họ muốn thanh trừng, họ thổi phồng nó lên. Nhưng cũng có những người cùng phe cánh, mặc dù lỗi rất lớn nhưng họ vẫn làm dịu, cho qua đi rồi thoát tội.”
Kim Anh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Mới nhảy qua mảng làm đường, Vượng Vin đã đuối vốn
>>> Việt Nam 2022 – một năm đầy biến động
>>> “Hoảng quá chạy trốn”, Nguyễn Văn Thể liệu có thoát!
“Bảo tồn văn hóa” để bảo vệ Đảng Cộng sản