Link Video: https://youtu.be/ELd-4l2tK60
Bài bình luận trên tờ báo The Economist mới đây vào hôm 26/01, mặc dù cho rằng, thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng chống tham nhũng quốc tế đã được thăng hạng nhờ vào chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nếu muốn cải thiện hình ảnh và phát triển kinh tế bền vững.
Bài báo này đã sử dụng nguyên văn từ “dot lo” (đốt lò – blazing furnace) mà dư luận trong nước vẫn thường gọi cho chiến dịch thanh trừng phe đối lập của ông Trọng dưới danh nghĩa “chống tham nhũng”. Bài báo nhấn mạnh, cuộc thanh trừng này “là chính sách đặc trưng của Nguyễn Phú Trọng, người với tư cách là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, là nhà lãnh đạo tối cao của đất nước, có quyền lực hơn cả Thủ tướng hoặc Chủ tịch nước”.
Bài báo đã dựa vào chỉ số cảm nhận tham nhũng mới nhất được công bố trên trang web của Tổ chức Minh bạch Quốc tế vào tháng 12/2022. Theo đó, Việt Nam đã tăng 24 hạng, lên vị trí 87/180 quốc gia được đánh giá.
Trang The Economist cũng nhắc đến hai đại án lớn của Việt Nam trong giai đoạn đại dịch đạt mức đỉnh điểm. Cụ thể bài báo cho biết: “Các quan chức Đại sứ quán của Việt Nam đã ra điều kiện lấy các khoản phí từ 5.000 đô la trở lên cho một suất hồi hương. “Một phụ nữ trong trại cách ly nơi tôi ở, đã phải trả gấp ba lần chi phí bình thường để được về nước”, một người được về nước trên chuyến bay giải cứu nhớ lại. Sau đó, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng mở cuộc điều tra về vụ việc tiêu cực trong quá trình đưa công dân về nước. Đầu năm 2022, các nhà chức trách bắt đầu bắt giữ các quan chức với cáo buộc bắt những người muốn về nước trong đại dịch phải đưa tiền lại quả. Hàng chục cán bộ hiện phải đối mặt với việc truy tố, trong đó có hai cựu Bộ trưởng. Vào ngày 17 tháng 1, Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch nước Việt Nam, đã từ chức để chịu trách nhiệm về vụ bê bối.”
“Vào tháng 12 năm 2021, Giám đốc điều hành của Công ty Thiết bị Y tế Việt Á, bị buộc tội hối lộ các quan chức, để bán bộ xét nghiệm Covid-19 của Công ty này. Các quan chức bị cáo buộc đồng lõa đã bị bắt giữ sau đó, bao gồm cả Bộ trưởng Y tế và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, vì đã tuyên bố sai sự thật rằng, kit test Việt Á đã được chứng nhận bởi WHO và Chính phủ Anh”. Trang tuần báo của Anh cho biết thêm.
Báo bbc.com hôm 30/1, trong một bài bình luận về việc thăng hạng chống tham nhũng của Việt Nam, đã trích dẫn luận văn “Tiền là tiên là phật: Điều tra vấn nạn tham nhũng “thâm căn cố đế” ở Việt Nam”, của Tiến sĩ Vũ Anh Đào thực hiện vào năm 2017:
“Về phòng, chống tham nhũng, ‘trách nhiệm’ được quy định là trách nhiệm của toàn xã hội, nhiều cơ quan cùng tham gia nhưng không cơ quan nào được giao nhiệm vụ cụ thể, nhất là phòng, chống tham nhũng. Cứ cho là phòng chống tham nhũng thì ai cũng có trách nhiệm, nhưng trên thực tế thì không ai chịu trách nhiệm chính,”
“Thực tế, hầu hết những người được phỏng vấn cho rằng, các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức rõ điều gì tốt và không tốt cho đất nước, tuy nhiên, họ vẫn muốn duy trì thể chế hiện tại và hệ thống phức tạp vì lợi ích của họ“. Kết quả nghiên cứu của Vũ Anh Đào cho biết.
“…giải thích tình trạng tham nhũng dai dẳng ở Việt Nam, có thể thấy hầu như tất cả mọi người trong hệ thống đều tham gia đưa và nhận lại quả hoặc hối lộ, và họ có lý do để làm như vậy. Hơn nữa, quan chức Chính phủ có xu hướng nghĩ rằng, ngừng làm như vậy có nghĩa là bị loại trừ khỏi hệ thống. Điều đáng quan tâm là không ai tự coi mình là một mắt xích trong một chuỗi tham nhũng có hệ thống,” nghiên cứu kết luận.
Mặc dù nhận định chiến dịch chống tham nhũng của Tổng Bí thư có hiệu quả nhất định, bài trên The Economist cũng có lời khuyên cho ông Trọng, nếu muốn Việt Nam phát triển trong trung hạn: “Nếu ông Trọng muốn Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình năm 2030 thì cần phải làm sao để các quan chức trung thực có thể thông qua dự án mà không sợ bị bắt.”
Vấn đề tham nhũng ở Việt Nam được nhận định là có tính hệ thống chứ không chỉ đơn thuần là liên quan đến đạo đức cá nhân. Làm sao để chống tham nhũng mà vẫn phát triển và tạo được niềm tin đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước về môi trường chính trị và kinh tế vĩ mô an toàn là điều quan trọng và cấp thiết đối với Việt Nam nói chung và đối với Đảng Cộng sản cầm quyền nói riêng.
Minh Vũ – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Đất có thời, phe có vận ( Người Buôn Gió)
>>> Giữa lúc đối đầu, Ngoại trưởng Mỹ đến Bắc Kinh để làm dịu căng thẳng?
>>> Mối nguy của tổng Trọng ( Người Buôn Gió)
Việt Nam xuất khẩu mì tôm chứa chất độc hại bị trả về