Lê Minh Hưng là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dưới thời ông Nguyễn Văn Bình làm Thống đốc. Năm 2016, khi Nguyễn Văn Bình vào Bộ Chính trị, nắm chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương, thì ông Lê Minh Hưng lên thay thế. Một nhiệm kỳ làm Thống đốc, Lê Minh Hưng đã để lại nhiều hệ lụy mà nền kinh tế đang Việt Nam phải gánh chịu.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan ra chính sách tiền tệ, điều khiển hệ thống ngân hàng thương mại. Chính sách sai khiến cho hệ thống ngân hàng thương mại bị biến tướng, tạo nhiều hệ lụy xấu cho nền kinh tế. Chính thời kỳ Lê Minh Hưng làm Thống đốc, ông đã làm ngơ mặc cho liên minh ma quỷ giữa doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng cấu kết nhau làm bậy. Ngân hàng trở thành sân sau của doanh nghiệp, để cho vay dưới chuẩn, để đảo nợ, để phát hành trái phiếu cho doanh nghiệp không đạt chuẩn… Điều này khiến cho những doanh nghiệp bất động sản lẽ ra phải phá sản, thì họ lại có cơ hội chiếm dụng vốn của nhà đầu tư.
Hình mẫu cho loại cấu kết này là Ngân hàng SCB và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát. Ngân hàng SCB là đầu mối thu hút nguồn vốn từ xã hội. Nguồn vốn này được SCB cho các công ty con của Vạn Thịnh Phát vay, với lãi suất ưu đãi, và chấp nhận cho các doanh nghiệp thành viên thế chấp các dự án cho ngân hàng. Nói chung, trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, SCB là đầu mối hút tiền từ túi người dân để cho tập đoàn này sử dụng.
Chưa hết, Ngân hàng SCB còn lừa khách hàng gửi tiền ngân hàng, mua trái phiếu của Công ty An Đông, một công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Như vậy, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã dùng SCB để “lùa gà”. Họ lùa khách hàng gửi tiết kiệm vào chuồng trái phiếu doanh nghiệp, và cho đến nay, các khổ chủ gần như mất trắng số tiền họ dùng cả đời để dành dụm.
Việc chủ doanh nghiệp nào đấy mua cổ phần ngân hàng là chuyện không hiếm. Tuy nhiên, với vai trò quản lý và điều hành chính sách tiền tệ, mà ông Lê Minh Hưng không ra tay ngăn cản những doanh nghiệp hoặc tập đoàn chủ sở hữu ngân hàng, dùng ngân hàng để lùa gà. Dùng ngân hàng để hút vốn cho các công ty con trong tập đoàn, một cách làm không minh bạch.
Theo thông tin chúng tôi có được, có một số tập đoàn đang bên bờ vực phá sản, bỗng nhiên nhảy vào mua cổ phần, trở thành chủ sở hữu ngân hàng. Sau đấy, họ dùng ngân hàng này như công cụ để hút vốn, cứu cho tập đoàn khỏi phá sản. Khi tiền rót vào các dự án, các doanh nghiệp bất động sản tạo sốt đất, thổi giá bất động sản, rồi đẩy hàng thu lợi. Có nhiều bất động sản tăng giá gấp đôi, gấp 3, chỉ trong thời gian ngắn, giúp các đại gia đẩy hàng trả nợ. Hậu quả là ngành bất động sản cũng bị méo mó theo.
Vụ Vạn Thịnh Phát và SCB chỉ là phần nổi của tảng băng. Rất nhiều đại gia bất động sản sở hữu ngân hàng, trong đó có đại gia Dương Công Minh, vừa chủ Tập đoàn bất động sản Him Lam, vừa là cổ đông lớn nhất của ngân hàng Sacombank.
Hiện nay, đã có 4 ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện theo dõi đặc biệt. Đó là CBBank, OceanBank, GPBank và DongABank. Một số chuyên gia cho rằng, với tình hình như hiện nay, có thể năm 2023 sẽ có những ngân hàng khác nối gót 4 ngân hàng này, bị đưa vào diện theo dõi đặc biệt.
Đấy là những hệ lụy từ thời ông Lê Minh Hưng để lại. Với vai trò là người đứng đầu Đảng, liệu ông Nguyễn Phú Trọng có đưa ông cựu Thống đốc Ngân hàng này vào lò hay không? Ông Lê Minh Hưng hiện nay đang là Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, vị trí này được cho là cận kề với Bộ Chính trị. Nếu không xử lý, thì khi ông Lê Minh Hưng vào được Bộ Chính trị, và được ban cho chức nào đấy liên quan đến việc điều hành nền kinh tế, thì có phải là nền kinh tế Việt Nam đánh đu với rủi ro hay không?
Trong mối quan hệ giữa quan chức và doanh nghiệp, các đại gia bất động sản dùng ngân hàng thương mại làm công cụ để hút vốn, để đảo nợ, đẩy rủi ro về cho người dân thấp cổ bé họng, và cứu những doanh nghiệp bết bát phá hoại nền kinh tế. Thì ắt quan chức đưa ra những chính sách ấy sẽ được các đại gia phải biết trả lễ thế nào chứ?
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)