Báo động tình trạng suy thoái đạo đức và lối sống của quan chức lãnh đạo Việt Nam?

Luật cán bộ, công chức năm 2008 hiện hành, quy định về đạo đức công chức khi thi hành nhiệm vụ, ghi rõ: “Cán bộ, công chức, viên chức không lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi; Không uống rượu bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa;…”

Báo VietnamNet đưa tin ngày 3/11, với tiêu đề, “Kiểm điểm cán bộ địa chính đi nhậu, không xử lý hồ sơ cho dân”. VietnamNet cho biết, “Một cán bộ địa chính xã ở Đắk Lắk – ông Y.S.N đi ăn nhậu buổi trưa, rồi vắng mặt trong giờ làm việc, đang bị yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Được biết, ông Y.S.N tên thật là ông Y Siêng Niê, đã bị kiểm điểm, do: “… sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn trong giờ nghỉ trưa của ngày làm việc; vắng mặt trong giờ làm việc không có lý do chính đáng, không tiếp nhận hồ sơ khi người dân đến liên hệ giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai.”

Theo người dân địa phương phản ánh, Ủy ban Nhân dân xã Hòa Phú, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk, không xử lý hồ sơ của người dân, vì cán bộ địa chính xã này bận “họp nghị quyết”. Trước cửa phòng làm việc của người này, chiều 11/10, người dân thấy có treo tấm bảng: “Chiều nay cán bộ họp nghị quyết, công việc ngày mai tiếp nhận và giải quyết, xin cảm ơn”.

Tuy nhiên, kết quả xác minh cho biết, ông Y Siêng Niê lại đi ăn nhậu tại nhà một Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hòa Phú, và vị Phó Chủ tịch này cũng đã xin phép nghỉ làm việc một ngày.

Rất nhiều người dân đã kiên nhẫn ngồi chờ ông Y Siêng Niê họp xong, trở về để giải quyết giấy tờ cho họ. Nhưng đến cuối giờ chiều ngày làm việc hôm đó, vị cán bộ địa chính này vẫn bặt tăm hơi.

Người dân cho rằng, ông Y Siêng Niê đã tính toán trước sẽ nhậu “ xả láng, đến sáng về sớm”, nên đã làm sẵn tấm bảng treo trước cửa phòng làm việc để đối phó. Và đây không phải lần đầu ông Y Siêng Niê dán bảng thông báo đi họp nghị quyết theo kiểu đó.

Tình trạng “ăn cắp” giờ làm việc của cán bộ, công chức, kể cả các lãnh đạo, để làm việc riêng hoặc ăn nhậu, đã trở thành điều phổ biến từ lâu ở hầu hết các cơ quan nhà nước. Thậm chí, trong giờ làm việc, lãnh đạo các cơ quan nhà nước còn “hồn nhiên” rủ nhau đi nhậu bia ôm, là chuyện rất bình thường.

Nhưng đối chiếu với Luật cán bộ, công chức và quy định 19 điều cấm với cán bộ đảng viên không được làm, thì những điều này hoàn toàn không bình thường.

Mới đây, chuyện Đại tá T.Đ.V – cựu Giám đốc Công an Quảng Trị – cùng một “ông anh ở trên Bộ” tham gia vào bữa nhậu phản cảm gây xôn xao dư luận, là một ví dụ.

Trong một clip được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, cho thấy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, Trưởng phòng Tổ chức Công an tỉnh, cùng một “ông anh ở trên Bộ”, trong một bữa nhậu “vui vẻ”, có các cô gái tiếp viên phục vụ. Hình ảnh trong clip cho thấy, “ông anh trên Bộ” đang ngồi sát cạnh một phụ nữ, thì đột nhiên ông hứng chí, kéo cô gái sát lại, hôn thẳng vào miệng đầy cảm xúc. Còn ông Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị lúc đó, tay liên tục rút các tờ 500 ngàn đồng từ một cục tiền để trên bàn nhậu, phát cho các cô gái đang đứng hát…

Điều đáng nói, những cảnh sa đọa ấy đã trở thành bình thường trong xã hội nói chung, và trong giới lãnh đạo cũng như công chức ở Việt Nam hiện nay nói riêng.

Trước đây nhiều năm, trong đại án tham nhũng đình đám xảy ra ở một tổng công ty 90-91, truyền thông nhà nước cho biết, một vị lãnh đạo ở đơn vị này từng tổ chức những bữa tiệc sa đọa tới mức, để một cô gái trẻ xinh đẹp khỏa thân, ngồi trong một thùng thủy tinh lớn trong suốt, đổ đầy bia và các quan khách dự tiệc múc bia trong thùng ra uống với nhau vui vẻ.

Đó là những điều cấm mà ai cũng biết, và trong các văn bản chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam gọi là “các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống”.

Câu hỏi, tại sao sự suy thoái này lại diễn ra ngày càng sâu, rộng, và trở thành quá đỗi bình thường, với những quan chức cán bộ đảng viên tham nhũng?

Phải chăng, lý do như câu ca dao:

“Người trên ở chẳng chính ngôi

Khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào

Người trên ở chẳng được cao

Khiến cho kẻ dưới lộn nhào lên trên”

Điều đó cho thấy một thực trạng đáng báo động, tham nhũng và suy thoái lối sống, đạo đức của quan chức, trở thành quá bình thường. Điều đó đã thể hiện một sự mục ruỗng, một sự bất bình thường, nhưng lại quá đỗi bình thường ở Việt Nam./.

Trà My – Thoibao.de

Kasse animation 7.8.2023