Chạy án đã vô hiệu hóa bộ máy nhà nước Việt Nam như thế nào?

Chạy án đã vô hiệu hóa bộ máy nhà nước VN như thế nào?

Ở Việt Nam hiện nay, chuyện chạy án đã là chuyện phổ biến, và được người ta “nhờ vả” công khai. Dù phạm tội gì, cứ có tiền để chạy án, thì đều có khả năng thoát tội, hoặc tội nặng sẽ thành nhẹ, tội nhẹ thành không có tội.

Các vụ chạy án đình đám với giá tiền lên tới triệu USD gần đây, như: vụ cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca nhận 35 tỷ để chạy án trong một vụ mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng; vụ Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nhận 2,65 triệu USD để chạy án trong vụ chuyến bay giải cứu, là những minh chứng.

Báo Tuổi Trẻ ngày 12/3 đưa tin, “Bắt 1 cán bộ ở Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên lừa “chạy án’”. Bản tin cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Yên thông tin, đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, liên quan đến một vụ chạy án.

Đó là các bị can Lê Hải (54 tuổi) – cán bộ Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên; và Phạm Phú Hoàng Duy (39 tuổi), liên quan đến việc “lừa chạy án”.

Theo báo Tuổi Trẻ, vụ việc xảy ra vào ngày 9/1, Tòa án tỉnh Phú Yên xét xử vụ án mua bán chất ma túy trái phép, đối với hai vợ chồng Lê Thị Xuân Thảo và Phú Văn Hùng. Ông Hùng bị tuyên chung thân, còn bà Thảo nhận án 20 năm tù.

Nhưng bà Thảo do bị bệnh nên không phải thi hành án ngay, mà chỉ bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Thông qua mạng xã hội, bà Thảo làm quen với một người tên là Nguyễn Đức Thiên, và được người này hứa giúp “chạy án”.

Ông Thiên sau đó đã liên lạc với ông Phạm Phú Hoàng Duy và ông Lê Hải. Bà Thảo đã chi tiền ăn nhậu, đi lại, quà biếu cho nhóm này, với số tiền tổng cộng là 55 triệu đồng. Phần dùng làm “quà tặng” cho cán bộ ở Đà Nẵng, vào khoảng 500-700 triệu đồng. Đồng thời, ông Lê Hải còn hứa với bà Thảo rằng, sau khi xét xử phúc thẩm, sẽ xin cho bà Thảo được hoãn thi hành án và đặc xá, không phải ngồi tù.

Đầu tháng 2/2024, cả 2 ông Hải và Duy đã liên lạc với  bà Thảo, yêu cầu lấy 600 triệu đồng để đi Đà Nẵng “lo công việc”. Khi đó, bà Thảo nghi ngờ rằng mình đã bị lừa, nên đã báo công an.

Vẫn theo Tuổi Trẻ, trưa ngày 7/3, tại một quán cà phê ở phường 7, thành phố Tuy Hòa, sau khi bà Thảo giao cho ông Duy 600 triệu đồng, và ông này vừa bước ra khỏi quán, thì bị lực lượng công an “mật phục” ập vào bắt quả tang.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Phú Yên phát biểu trên truyền thông rằng: “Hành vi vi phạm pháp luật của ông Lê Hải là trách nhiệm của cá nhân, không thuộc phạm vi trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được tỉnh giao.”

 

Trên mạng xã hội và các Diễn đàn Chính trị cho rằng, phát biểu này của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Phú Yên chỉ mang tính bao biện, đối phó, né tránh trách nhiệm.

Công luận thấy rằng, chạy án là căn bệnh trầm kha, bộc lỗ hổng lớn trong ngành tư pháp Việt Nam. Nguyên nhân là do thực trạng, công lý tại các phiên tòa đa số bị bẻ cong, luật pháp xử kiểu gì cũng đúng.

Đó là lý do, người dân phải dùng tiền bạc hay vật chất để chạy án, cũng như để bảo vệ quyền lợi cho mình, một khi lỡ vướng vào vòng lao lý.

Đài Á Châu Tự do cho biết, năm 2013, Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương đã chất vấn ông Trương Hòa Bình – Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao lúc đó, với câu hỏi: “Có hay không tiêu cực trong chạy án tham nhũng, khi số vụ án đưa ra xét xử thì ít, nhưng số bị cáo được hưởng án treo, phạt tù nhẹ chiếm rất cao, có nơi đến 45%?”

Ông Trương Hòa Bình cũng đã thừa nhận điều mà ông Đương đề cập.

Công luận cho rằng, việc chạy án ở Việt Nam hiện nay đã trở thành hệ thống có tổ chức, với sự cấu kết và những thủ đoạn hết sức tinh vi. Toàn bộ quá trình chạy án có sự thống nhất chung giữa 3 cơ quan tố tụng, là công an, viện kiểm sát và tòa án.

Một cựu lãnh đạo ngành tư pháp ở Hà Nội cho thoibao.de biết:

“Chạy án thì nói thật, cả án chính trị cũng chạy được, án nào cũng chạy được. Tử hình xuống chung thân có khó gì đâu, chưa kể đến mua người để thay người (bị tử hình), chuyện này nó dích dắc lắm. Ở Việt Nam, có những chuyện mà ta không thể hiểu nổi.”

Đó cũng là lý do mà Năm Cam – trùm xã hội đen ở Sài Gòn, đã có một câu nói bất tử về nền tư pháp Việt Nam dưới thời Cộng sản:

“Cái gì không mua được bằng tiền, thì có thể mua bằng rất nhiều tiền.”

 

Trà My – Thoibao.de