Đừng ngộ nhận rằng, đất nước đang đứng trước “bước ngoặt” vì cuộc chiến cung đình

Ngày 23/5, blog Trần Đông A trên VOA Tiếng Việt bình “Sau tuyên thệ của Tô Lâm, “cuộc chiến cung đình” có đảo chiều?”

Tác giả nhắc sự thiếu vắng của Tổng Trọng, tại Lễ tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước của Tô Lâm, mà vốn theo thông lệ, ông phải có mặt để chúc mừng.

Tin nội chính của Việt Nam những ngày này xoay như chong chóng, do việc các bên vẫn chưa thể thống nhất được, chọn ra ai sẽ ngồi vào ghế Bộ trưởng Công an thay Đại tướng Tô Lâm.

Tác giả bình luận, theo tấm hình Tô Đại tướng mà tất cả báo chí nước ngoài chuyển tải trưa 22/5, chưa thấy Nguyên thủ quốc gia nào nhậm chức mà thiểu não đến như vậy!

Sáng 22/5, Thượng tướng – Thứ trưởng Công an Trần Quốc Tỏ đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính phân công điều hành hoạt động của Bộ Công an, cho đến khi “cấp có thẩm quyền” – tức Bộ Chính trị, kiện toàn chức danh Bộ trưởng Công an.

Theo tác giả, ở đây mới thấy hết “tài thao lược” của Tổng Trọng. Khi Bộ Chính trị đã “trám” được 4/6 ghế trống, lại hầu hết là người bên Đảng, đủ để thay đổi tương quan lực lượng, nên đã “thuyết phục” được ông Tô Lâm “buông ghế” Bộ trưởng Công an!

Tuy nhiên, dù đã bổ sung, nhưng vẫn còn 2 ghế trống trong Bộ Chính trị. Tác giả nhận xét, đằng sau câu chuyện này có thể hé lộ mấy điều sau đây:

Thứ nhất, phơi bày một sự thật là Hội nghị Trung ương 9 đã vỡ trận! Vì cả Bộ Chính trị và Trung ương 9 đều phải giằng co căng thẳng về vấn đề nhân sự cấp cao.

(hình 02: Tân Chủ tịch nước Tô Lâm tuyên thệ nhận chức với bộ dạng ảo não)

Thứ hai, hệ lụy của việc “để trống” hai vị trí trong Bộ Chính trị sẽ kéo dài cuộc đấu đá giữa “các lãnh đạo chủ chốt” chưa biết đến bao lâu.

Thứ ba, không “trám đủ” chỗ trống còn liên quan đến việc tái phân công, phân nhiệm phạm vi công tác của 4 “tân Ủy viên Bộ Chính trị”. 

Và lại một cuộc “xáo bài” mới sẽ tiếp diễn…

Vẫn theo tác giả, lễ tuyên thệ nhậm chức của Tô Lâm và Trần Thanh Mẫn cũng lại gây nên nhiều dư âm trong dân.

Người dân giễu nhại, “thề cá trê chui ống”. Bởi vì, tất cả thề trước dân, nhưng dân không biết chuyện gì thực sự đã xảy ra?

Tác giả dẫn lại nhận định của Tiến sĩ Bill Hayton, viết trên trang web của Chatham House, Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh quốc, trước khi ông Tô Lâm trở thành Chủ tịch nước, rằng, Việt Nam sẽ ngày càng tô đậm ấn tượng về một “nhà nước công an trị”. Bởi “Tứ trụ” thì có đến 2 người đi lên từ công an, là Tô Lâm và Phạm Minh Chính. Bộ Chính trị có đến 5 người xuất thân từ công an, và 3 người xuất thân từ quân đội, chiếm đến 50%.

Tác giả mỉa mai, với một thể chế mà đội ngũ “tinh hoa” gồm những thành phần “ưu việt” như trên, thì không có gì lạ là, chỉ riêng những ngày qua, khối ngoại đã bán ròng hơn 5.000 tỷ VND. Nếu tính từ đầu năm đến nay, nhóm này bán ròng 25.000 tỷ VND tương đương với gần 1 tỷ USD, vượt cả giá trị bán ròng trong suốt cả năm 2023. Bên cạnh việc vốn ngoại ồ ạt rút khỏi sàn chứng khoán, Việt Nam đã mất ít nhất 2,5 tỷ USD viện trợ nước ngoài trong 3 năm qua, và có thể mất thêm 1 tỷ USD nữa, do tình trạng tê liệt bộ máy hành chính. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái hôm 20/5 đã thừa nhận, nền kinh tế Việt Nam đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng.

Tác giả đánh giá, với những thách thức kể trên, thể chế lạc lõng của Việt Nam vẫn chưa đến điểm tới hạn. Mặc dầu có nhiều dự báo bi quan, nhưng với một thể chế lấy “thành tích” bạo lực và đàn áp dân chúng làm tiêu chí duy nhất để “ổn định xã hội”, thể chế đó vẫn còn không gian tồn tại trong một thời gian dài.

Đừng thấy lãnh đạo đánh nhau trên thượng tầng mà ngộ nhận rằng, đất nước đứng trước bước ngoặt. Các cuộc tiến hóa không từ trên trời rơi xuống, nó phải từ người dân đi lên. Chừng nào người dân còn thái độ cam chịu, thì không có lý do gì để hy vọng vào bước ngoặt hay sự chuyển đổi hệ thống một cách ngoạn mục.

 

Ý Nhi – thoibao.de