Vì sao Đảng cho bắt giữ 2 nhà cải cách lao động?

Như thoibao.de đã đưa tin, Việt Nam đã bắt giữ 2 quan chức, những người đang tích cực vận động cho sự cải cách trong lĩnh vực công đoàn – ông Nguyễn Văn Bình và ông Vũ Minh Tiến.

Điều đáng nói là, chính quyền Việt Nam đã giấu nhẹm thông tin về việc bắt giữ 2 ông này. Sự việc chỉ được công luận biết đến, sau khi Dự án 88 – một tổ chức bảo vệ nhân quyền cho người Việt, lên tiếng.

Theo đó, ngày 6/5, một thông cáo của Dự án 88 cho hay, ông Nguyễn Văn Bình – Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ Lao động, đã bị bắt từ tháng trước.

Trước khi bị bắt, ông Bình đang chuẩn bị hồ sơ để Quốc hội phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO, về quyền thành lập nghiệp đoàn của người lao động. Việt Nam đã cam kết sẽ thông qua Công ước 87 này vào năm 2023, theo một thoả thuận trong Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam (EVFTA). Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam luôn tìm cách trì hoãn, và theo thông tin được công bố gần nhất, họ dự kiến sẽ phê chuẩn vào tháng 10 năm nay.

Tiếp đó, ngày 20/5, Dự án 88 tiếp tục tố cáo, Việt Nam đã bắt giữ ông Vũ Minh Tiến – Trưởng ban Chính sách Pháp luật của Tổng Liên đoàn Lao động, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn. Đến nay, Chính phủ Việt Nam vẫn chưa thừa nhận vụ bắt giữ này.

Dự án 88 cho biết, ông Tiến được giao nhiệm vụ sửa đổi Luật Công đoàn, dự kiến sẽ trình Quốc hội ký thành luật vào cuối năm nay.

Cả ông Bình và ông Tiến đều bị bắt vì tội “Làm lộ bí mật quốc gia”, theo Điều 337 Bộ luật Hình sự.

Tìm hiểu về vấn đề này, thoibao.de đã có cuộc trao đổi bà Ca Dao – một nhà hoạt động thúc đẩy quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập cho người lao động Việt Nam, từ Paris, Cộng hoà Pháp. Theo bà, với vụ bắt giữ ông Bình và ông Tiến, có thể thấy, tương lai để có thể thành lập nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam còn xa vời.

Bà Ca Dao đặt nghi vấn: Phải chăng, việc bắt giữ ông Bình và ông Tiến nhằm ngăn chặn việc thông qua Công ước 87 và Dự luật Công đoàn sửa đổi.

Nhà hoạt động nghiệp đoàn cho biết, tuy cả 2 hiệp định thương mại EVFTA ký giữa Việt Nam và EU, và CPTPP ký giữa 11 nước khu vực Thái Bình Dương, đều có điều khoản đòi hỏi Việt Nam phải cho phép các nghiệp đoàn độc lập hoạt động, nhưng lại không có biện pháp chế tài. Như vậy, một khi Việt Nam không tuân thủ cam kết, thì cũng sẽ không có điều gì xảy ra.

Mặt khác, bà cho rằng, Việt Nam không công bố việc bắt ông Bình và ông Tiến vì họ ủng hộ nghiệp đoàn độc lập, mà lại chụp cho họ tội danh “Làm lộ bí mật quốc gia” – một tội danh rất mơ hồ. Bởi đã là “bí mật quốc gia”, thì không cần công bố cụ thể là 2 người này đã làm lộ điều gì.

Về quan hệ quốc tế, bà Ca Dao nhận định, quốc tế cũng chỉ lên án 2 vụ bắt giữ này một cách chung chung, chỉ bằng ngôn ngữ và không có biện pháp nào khác. Mà một khi không có biện pháp mạnh, thì không có điều gì xảy ra.

Việt Nam may mắn nằm trong khu vực địa lý chiến lược của Mỹ và phương Tây, để kìm hãm Trung Quốc. Do đó, Việt Nam cần phương Tây để phát triển kinh tế, nhưng phương Tây cũng cần Việt Nam cho các chiến lược của họ. Do đó, họ không thể ép Việt Nam đến mức độ tuyệt đối, như “anh không làm thì tôi sẽ rút anh ra” – nhà hoạt động đánh giá.

Được biết, ông Bình là “nhân tố chủ chốt” thúc đẩy việc thông qua Bộ luật Lao động mới vào năm 2019, tạo cơ sở pháp lý để Việt Nam phê chuẩn các công ước của ILO bảo vệ quyền lợi người lao động. Nhưng theo bà Ca Dao, đến nay vẫn chưa có tổ chức nào được thành lập theo luật này.

Mặt khác, bà cũng bày tỏ sự nghi ngại về việc gian lận của nhà cầm quyền Việt Nam. Theo đó, họ hoàn toàn có thể thành lập các “nghiệp đoàn độc lập” giả hiệu, chịu sự chi phối của chính quyền. Nghĩa là, về danh nghĩa, về hình thức, sẽ có những “nghiệp đoàn” do người lao động thành lập nên, nhưng thực chất, các tổ chức đó do cán bộ nhà nước đứng đằng sau điều khiển.

Tuy nhiên, bà Ca Dao cho hay, cái khó là làm sao để biết, để chứng minh tổ chức nào là giả hiệu, bởi không cách nào có thể tiếp cận để tìm hiểu vấn đề này.

Bà cho biết thêm, dù biết là khó khăn, nhưng những nhà hoạt động nghiệp đoàn tự do vẫn đang chuẩn bị các nguồn lực, sẵn sàng thúc đẩy các hoạt động, dù chỉ trong vòng bí mật, một khi các công ước quốc tế của ILO được thông qua. Và các nhà hoạt động cũng hiểu rõ, dù có thông qua các công ước này, thì Việt Nam vẫn sẵn sàng chà đạp, như cách họ đã làm sau khi ký kết các công ước quốc tế khác.

Khó khăn cho người lao động Việt, cho giới hoạt động, và cho cả nền dân chủ trong tương lai của Việt Nam vẫn ở phía trước.

 

Chúc Anh – thoibao.de