Chỉ có loại vô công rồi nghề, mượn áo tu để ăn bám xã hội, mới kêu ca không đủ tiền làm Phật sự

Ngày 24/5, trên Facebook cá nhân của nhà giáo, Tiến sĩ Chu Mộng Long có bài viết “Chăm lo Phật sự hay nuôi tăng béo núc?”

Thoibao.de trích giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Tôi bắt đầu câu chuyện tuổi thơ của tôi gắn với chùa như thế nào. Cái chùa, đúng hơn là một cái am thờ Phật, do một người phụ nữ lập ra trong vùng tranh chấp trước năm 1975. Am nằm ven thị trấn, thỉnh thoảng bị pháo kích từ trên núi dội xuống, nhưng so với nơi khác thì khá bình yên, từng làm nơi tạm trú cho bà con “chạy giặc”.

Những năm ấy chiến tranh khốc liệt. Người tản cư hàng đoàn, thây người chết vung vãi khắp nơi. Nhà người phụ nữ này thành địa điểm cho dân tạm cư.

Thuở ấy, chưa lên mười, tôi đã cùng ba mẹ, anh em đêm đêm quỳ trước Tam bảo, tụng kinh, niệm Phật. Nhờ vậy, từ bé, tôi đã thuộc lòng gần chục bộ kinh nhật tụng.

Hàng ngày bà cần mẫn hái lá cây, phơi sấy làm thuốc chữa bệnh. Bà không lấy tiền của bất cứ ai. Chỉ cúng hoa quả. Hoa quả chính bà mua hoặc bà con mua dâng lên Tam Bảo. Bà có chồng con, nhưng cả nhà ăn chay. Riêng bà chỉ ăn trái cây và rau quả. Từ năm 1974, bà bắt đầu nhịn ăn và chỉ uống nước trong. Đúng 31 tháng 3 năm 1975, giải phóng Bình Định thì bà viên tịch. Dân xung quanh gọi bà là Bồ tát.

Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh bà khi trở về cõi trên. Bà nằm trong tư thế Phật nhập Niết Bàn. Mắt nhắm. Làn da trắng sáng. Môi tươi như hoa. Khi ấy bà mới 42 tuổi.

Nói đến chuyện “Phật sự” thì tôi nhớ lại tất cả những việc bà làm.

Các bạn có thấy bà khác xa với các đấng, bậc tu hành theo Đạo pháp Xã hội Chủ nghĩa không?

Tôi quan sát các tăng đoàn, toàn những người trai trẻ lực lưỡng. Tính ra, các chùa to như hiện nay, mỗi tăng đoàn có lẽ lớn hơn một trung đoàn lính. Họ tu tập và giúp ích gì cho cuộc sống người dân, có thể tôi không biết. Nhưng để có lương thực nuôi các tăng đoàn này, có lẽ số tiền cũng bằng dân nộp thuế nuôi quân đội.

Nếu Giáo hội được trang bị vũ khí, có khi có sức mạnh tương đương với lực lượng vũ trang của nhà nước.

Đừng tưởng ăn chay là rẻ. Tôi từng ăn chay cả tháng sau khi ba và em tôi mất. Vợ tôi lặng lẽ mua sắm đồ chay, không nói gì. Nhưng sau đó tôi mới biết, số tiền chi ăn chay đắt hơn nhiều so với ăn mặn. Lương của tôi so với giảng viên trẻ là khá cao, ăn chay chỉ rau cỏ, đậu, nấm mà còn khó khăn, huống hồ, nghe nói trong chùa to, các tăng toàn ăn cao lương mĩ vị.

Tôi biết trước đây, trừ những ngôi chùa cổ với sinh hoạt đạm bạc, các chùa to chủ yếu sống bằng tiền của đại gia và quan chức. Mỗi chùa sở hữu hàng ngàn ngàn tỉ.

Những năm gần đây, các ngôi chùa to với những tăng đoàn lớn hơn trung đoàn lính ấy ắt gặp khó khăn. Không phải vì sự xuất hiện của hành giả hạnh đầu đà Thích Minh Tuệ, mà vì dòng tiền trên đã cạn. Loại đại gia và quan chức đầu tư và kinh doanh tâm linh lần lượt vào tù như là nghiệp báo nhãn tiền, số còn lại bắt đầu lo sợ, hết dám chơi trò buôn thần bán thánh. Vậy là, nói như Thích Thanh Quyết, dù bày trò cúng sao giải hạn, trục vong giải nghiệp và dù nhát ma dọa quỷ để moi tiền công chúng, nhà chùa vẫn đang bị “lỗ chổng vó”.

Người lính ngoài hưởng phụ cấp cho tiêu vặt, họ còn phải lao động sản xuất để cải thiện bữa ăn. Trong khi các tăng thì chẳng làm gì hơn ngoài chờ ăn cúng dường. Khủng hoảng là chắc chắn và rất cần khủng hoảng như vậy để thay đổi.

Tôi xem hình ảnh các tăng đoàn của các chùa, mà liên tưởng đến giới tăng lữ thời các đế chế “nhà nước hóa tôn giáo”. Họ thuộc thành phần ngồi mát ăn bát vàng, hưởng lợi từ đặc ân của nhà nước, và đối với dân, họ có cả quyền sinh quyền sát trong tay. Nay lẽ nào tái hiện lại cái lịch sử một thời dân chúng làm nô lệ cho tăng lữ?

Hiểu “chăm lo Phật sự” bằng lấy danh Phật, ăn trên xương máu của người khổ nạn, bệnh tật, là làm ô danh Phật, gieo thêm nghiệp ác trùng trùng. Chăm lo Phật sự phải là làm tiếp cái việc Phật chưa làm hết, tức tu Nhân tích Đức, tích Thiện cho dân, góp phần cho quốc thái dân an, chứ không đồng nghĩa với việc biến dân thành con mồi, nuôi tăng béo núc!

 

Ý Nhi – thoibao.de