Tổng Trọng mở đường để Thưởng, Huệ, Mai… trở lại công tác: Sự thật hay tin đồn?

Chỉ trong hơn 3 năm đầu của Đại hội 13, công cuộc “đốt lò” của Đảng Cộng sản Việt Nam đã “thiêu rụi” hơn 20 uỷ viên Trung ương Đảng, trong đó có 6 uỷ viên Bộ Chính trị. Hơn thế nữa, trong số các uỷ viên Bộ Chính trị phải ra đi, có 4/5 lãnh đạo cấp cao nhất, đó là 2 Chủ tịch nước, 1 Chủ tịch Quốc hội và Thường trực Ban Bí thư.

Đây là hậu quả của việc phòng chống tham nhũng không hiệu quả, đặc biệt, công tác nhân sự hoàn toàn thất bại. Tổng Trọng đã chọn lựa quá nhiều các nhân vật đã nhúng chàm trước đó vào bộ máy lãnh đạo cấp cao.

Trong vai trò Bộ trưởng Bộ Công an, kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng Chống tham nhũng và tiêu cực Trung ương, trên tinh thần “chống tham nhũng không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ”, theo chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ trưởng Công an Tô Lâm rõ ràng đã làm đúng với chức năng của mình, theo quy định của Đảng cũng như pháp luật của nhà nước.

Tuy nhiên, việc Bộ Công an đã khởi tố và bắt giam hàng loạt lãnh đạo cấp cao ở Trung ương, cũng như ở nhiều địa phương, không hiểu do vô tình hay hữu ý, mà một phần không nhỏ trong số những người bị bắt, là những người thân cận với ông Trọng, bị khui ra với những hồ sơ tham nhũng vô cùng khủng khiếp.

Đó là lý do vì sao, theo một số nhà quan sát, “có sự phẫn nộ, oán hận âm ỉ trong nội bộ lãnh đạo cấp cao, đối với Bộ trưởng Công an Tô Lâm, trong các vụ việc mang tính “triệt hạ”, với mưu đồ cá nhân.”

Theo đó, nhiều dấu hiệu cho thấy, đa số thành viên Ban Chấp hành Trung ương có thể không hài lòng với cách làm của ông Tô Lâm. Thông qua lạm dụng việc chống tham nhũng, để hạ bệ một loạt các đối thủ của mình, một cách có tính toán, với mục tiêu loại bỏ các ứng viên sáng giá trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư. Đây là điều khiến cho ông Tô Lâm – một nhân vật đầy quyền uy, nhưng hầu như không có đồng minh.

Tại Hội nghị Trung ương 9, khóa 13, đa số các thành viên còn lại trong Bộ Chính trị, đã thông qua một Nghị quyết, “ép” Bộ trưởng Tô Lâm phải trở thành ứng viên cho ghế Chủ tịch nước, với mục đích đẩy ông ra khỏi ghế Bộ trưởng Bộ Công an – chiếc ghế quyền lực bậc nhất hiện nay.

Tổng Trọng và phe cánh, với đa số trong Bộ Chính trị cũng như Ban Chấp hành Trung ương, đã nhanh chóng vô hiệu hóa quyền lực, và đẩy Tô Lâm vào “ngõ cụt”, trên chiếc ghế Chủ tịch nước – có tiếng nhưng ít quyền lực.

Ngay sau khi ông Tô Lâm không còn quyền lực ở Bộ Công an, theo nhận xét của một số người, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ – người được giao nhiệm vụ “điều hành Bộ Công an”, đã có những động thái bảo vệ cho Dương Công Minh và nhóm lợi ích của quân đội, chỉ 1 ngày sau khi nắm quyền.

Chưa hết, cũng trong ngày 23/5, báo Dân Việt có bài “Đại biểu Phạm Văn Hoà: ‘Củi đưa vào lò hiện nay toàn là loại gỗ quý hiếm”. Theo đó, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng, những vụ sai phạm trước đây cũng có phần do cơ chế, chính sách, vì vậy, Đảng và nhà nước nên có quy định, để cho số người lỡ “nhúng chàm” được ăn năn hối cải.

Đồng thời, Đại biểu Hòa đề nghị: “Cán bộ đã có những việc làm không đúng pháp luật, thu lợi bất chính từ tham nhũng, tiêu cực… tự giác khai báo và hoàn trả lại nguồn tiền bất hợp pháp cho nhà nước. Những người này sẽ được bảo vệ bí mật và được khép lại hồ sơ từ 2023 trở về trước, hoạt động, công tác bình thường”.

Đề nghị “vô lý” như vừa kể, thực ra không có gì mới. Tổng Trọng từng tuyên bố: “Cán bộ nào đã có sai phạm rồi tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền thì mình “miễn xử hoặc xử nhẹ”; và không phải cứ xử nặng mới là tốt, cách chức hết tất cả mới là tốt…”

Cùng với phát ngôn trên, ông Trọng cũng đã chỉ đạo Bộ Chính trị và Ban Bí thư ra Thông báo số 20/BBT-TW, ngày 8/9/2022, cho phép lãnh đạo, từ Ủy viên Trung ương trở lên, nếu tham nhũng, khắc phục hậu quả và chủ động xin thôi chức, sẽ được miễn truy tố hình sự.

Đề nghị của Đại biểu Phạm Văn Hoà đã khiến mạng xã hội nổi sóng. Nhiều ý kiến cho rằng, trong các quyết định kỷ luật và cho thôi chức đối với các lãnh đạo cấp cao, Bộ Chính trị và Tổng Trọng chỉ xác nhận chung chung rằng, họ “có một số sai phạm và tự nguyện xin thôi mọi chức vụ”.

Phải chăng, đó là hành động “kẻ tung, người hứng” của “cấp có thẩm quyền”, nhằm giải cứu cho những người thân cận của Tổng Trọng, trong đó có Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Trương Thị Mai… Khép lại hồ sơ “tham nhũng” của họ từ 2023 trở về trước, là muốn mở đường để họ trở lại chính trường, với những cương vị quan trọng trong Đảng?

Nếu đúng như vậy, đây thực sự là vấn đề rất nguy hiểm!./.

 

Trà My – Thoibao.de