Tham vọng của Tổng Trọng bị đổ vỡ, từ đức trị hóa Công an trị!

 

Tuy nhà nước Cộng sản vẫn hô hào khẩu hiệu, rằng, họ là “nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa”. Cái đuôi “Xã hội Chủ nghĩa” được xác định là hoang tưởng. Tuy nhiên, pháp quyền không phải là “hoang tưởng”, mà là một mô hình nhà nước đã và đang tồn tại khá phổ biến. 

Những nhà nước bị Đảng chụp mũ là “tư bản giãy chết”, hoặc “tư bản bóc lột”, đa số đều là nhà nước pháp quyền. Trong một nhà nước pháp quyền, luật pháp được thượng tôn và nhà nước là công cụ của luật pháp. Còn với Việt Nam, luật pháp là công cụ của Đảng, không có thứ luật nào có thể đứng trên Bộ Chính trị – tổ chức siêu quyền lực đạp trên mọi loại luật.

Đã độc tài toàn trị thì không thể có pháp quyền, bởi đây là 2 thể chế đối lập nhau. Tuy nhiên, với bản chất lừa bịp, nên Đảng vẫn rao giảng về “nhà nước pháp quyền”, để ru ngủ toàn dân, để họ lên giọng đạo đức và bắt dân phải biết ơn Đảng.

Nhà nước pháp quyền là mục đích mà mọi đất nước trên thế giới này hướng đến, và rất nhiều quốc gia đã có được. Tuy nhiên, đây lại là giấc mơ xa vời với người dân Việt Nam. Ở Việt Nam, “pháp quyền” chỉ tồn tại dưới dạng khẩu hiệu, mà không có giá trị thực tế. Có thể nói, ngày nào chưa giải thể Đảng Cộng sản, thì ngày đó, Việt Nam chưa thể có nhà nước pháp quyền. 

Người Cộng sản không có định hướng, không có chiến lược hiệu quả nào để xây dựng đất nước, mặc dù miệng họ vẫn ra rả “định hướng” và “chiến lược”. Nghĩa là, họ mù lòa không thấy hướng đi, nhưng vẫn tự vỗ ngực sáng suốt, rồi dẫn dắt đất nước đi vào ngõ cụt, bế tắc. Ví dụ, năm 2006, họ đặt ra mục tiêu, đến năm 2020 Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp tiến bộ. Thực tế, mục tiêu này đã thất bại hoàn toàn. 

Từ khi ông Trọng làm Tổng Bí thư, ông lại muốn dùng đức trị để xây dựng quyền lực. Khẩu hiệu thì hô hào pháp trị, nhưng ước mơ lại dùng đức trị để trị dân. 

Đức trị là một học thuyết chính trị, chủ trương “Điều hành chính sự bằng đạo đức”, xuất hiện từ thời Tây Chu, rồi được Khổng Tử đúc kết và nâng lên thành học thuyết. 

Nguyễn Phú Trọng sử dụng các văn bản nội bộ của Đảng, như Quy định Số 41/QĐ-TW năm 2021, và Quy định số 08/QĐ/TW năm 2018, về đạo đức và trách nhiệm nêu gương, trước khi đề cập đến pháp luật, pháp lý hay tòa án. Ông Trọng muốn xây dựng một bộ khung “đức trị” cho chính quyền này, nhưng rồi cho đến chết, ông cũng không thành công.

Chưa bao giờ, ngành tòa án Việt Nam lại bóp méo luật và ra phán quyết tùy tiện như lúc này. Mặc dù ông Trọng luật hóa đức trị trong Đảng, nhưng rồi đạo đức quan chức xuống cấp nghiêm trọng. Hàng trăm, hàng ngàn quan chức bị “lộ”, rõ ràng đều là những kẻ tham lam vô đạo đức. Chính bà Nguyễn Thị Doan khi còn là Phó Chủ tịch nước đã nhận xét rằng, quan chức “ăn của dân không chừa thứ gì”.

Sau cái chết của ông Trọng, chẳng còn thấy bóng dáng đạo đức ở đâu, chỉ còn lại một nhà nước Công an trị hà khắc do Tô Lâm cầm đầu. Ngay cả Tô Lâm cũng đã phơi bày sự vô đạo đức, với hình ảnh há miệng đớp miếng thịt bò dát vàng, ngay vào lúc người dân đang vật lộn với dich Covid; hay việc ăn tiền của nhà nước (mà thực chất là tiền của dân) đến hàng ngàn tỷ đồng.

Sau cái chết của ông Trọng, chắc chắn, bộ máy chính quyền sẽ mở hết công suất, để thần thánh hóa ông. Bởi ông Trọng là một lãnh đạo hiếm hoi, có thể đánh lừa được nhiều người dân, về một con người Cộng sản “liêm khiết”.

Tô Lâm không thể xây dựng được hình ảnh “thanh liêm” như ông Phú Trọng, nên Tô Lâm cần thần thánh hóa người tiền nhiệm, để nấp bóng “ông thánh” mà trị dân. Cũng giống như Lê Duẩn, người đã tước sạch quyền lực của ông Hồ Chí Minh, nhưng lại xây dựng hình ảnh ông Hồ thành thánh, để tiện bề cai trị dân.

Nhưng dù Đảng có thần thánh hóa ông Trọng thế nào đi nữa, thì thực tế, hậu Nguyễn Phú Trọng cũng là thời kỳ đen tối – thời kỳ Công an trị, cả trong dân lẫn trong Đảng. Nếu không có ông Trọng, thì Việt Nam và cả Đảng Cộng sản, sao lại chìm sâu trong đêm tối thế này được?

Thoibao.de