Tại Hội nghị Trung ương khóa 13 sáng 3/8, ngay sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đưa ra cam kết, sẽ tiếp tục duy trì công cuộc “đốt lò” của Tổng Trọng. Đồng thời, tân Tổng Bí thư khẳng định, sẽ tiếp tục chống tham nhũng với phương châm “không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”.
Tô Tổng cũng cam kết, “tập trung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là từ những cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy lùi tham nhũng vặt, bằng nhiều giải pháp cụ thể, mở rộng chống tham nhũng, tiêu cực ngoài khu vực nhà nước, góp phần làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước”.
Cùng ngày 3/8, dưới sự chỉ đạo của Tô Tổng, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Nghị quyết, loại 4 ủy viên đương chức khỏi Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó có một Bí thư Trung ương, kiêm Phó Thủ tướng, một Bộ trưởng và 2 Bí thư Tỉnh ủy, do có những sai phạm liên quan đến quy định “đảng viên không được phép làm”. Nhưng Đảng không cho biết, các ông này đã vi phạm vấn đề gì.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Đảng, có đến 4 nhân sự lãnh đạo cấp cao phải “chủ động làm đơn xin nghỉ” cùng lúc, vì “nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân”.
Mặt khác, công luận cho rằng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái rồi cũng sẽ được hạ cánh an toàn, để về quê “làm người tử tế”. Tuy nhiên, chỉ 6 ngày sau, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra kết luận, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xem xét kỷ luật ông Khái, vì sai phạm liên quan đến Dự án Sài Gòn Đại Ninh, lúc còn làm Tổng Thanh tra Chính phủ.
Công luận đánh giá, những nhận xét của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về sai phạm của ông Lê Minh Khái, đã cho thấy mùi của “củi lửa”. Có lẽ từ đây trở đi, dưới sự chỉ huy của Tô Tổng, sẽ không còn sự ưu ái “giơ cao, đánh khẽ” đối với các lãnh đạo xin thôi chức, như thời Tổng Trọng.
Câu hỏi được đặt ra là, liệu Tô Tổng có yêu cầu hồi tố, và lật lại các hồ sơ tham nhũng của giới lãnh đạo cấp cao, kể từ sau Đại hội Đảng 12, khi Đảng khởi động công cuộc “đốt lò”, để làm cơ sở cho việc tịch thu tài sản tham nhũng, nộp lại cho ngân sách nhà nước?
Đây được cho là điều hết sức cần thiết, để khắc phục sai lầm của Tổng Trọng trước đây. Theo đó, Tổng Trọng đã đưa ra chủ trương, “cán bộ nào đã có sai phạm, rồi tự giác xin thôi, tự giác xin nộp lại tiền, thì miễn xử hoặc xử nhẹ, và không phải cứ xử nặng mới là tốt, cách chức hết tất cả mới là tốt”. Điều này thể hiện rõ tại Thông báo số 20/BBT-TW ngày 8/9/2022, về việc cho phép lãnh đạo từ uỷ viên Trung ương trở lên, nếu tham nhũng, khắc phục hậu quả, nộp lại 3/4 tài sản tham nhũng, và chủ động xin thôi chức, sẽ được miễn truy tố hình sự.
Đường lối này hoàn toàn đi ngược với quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có vùng tránh”, của Tô Tổng.
Con số tài sản, tiền bạc, mà nhà nước thất thoát mỗi năm, bình quân không dưới 100 ngàn tỷ. Báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, trong năm 2023, thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, đạt cao nhất từ trước đến nay, trên 89.000 tỷ đồng, trong đó, trên 20.000 tỷ đồng từ thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Công luận nhận thấy rằng, việc Tô Tổng sẽ tiến hành hồi tố, lật lại các hồ sơ tham nhũng, là việc làm hết sức cần thiết. Trên tinh thần “không có vùng cấm”, và kể cả với các lãnh đạo cấp cao nhất cũng phải xử lý triệt để, không có ngoại lệ. Đây là một nguồn thu không hề nhỏ để tái đầu tư, phục vụ cho sự phát triển đất nước.