Tiếp tục “đốt lò” – nhất cử lưỡng tiện cho tân Tổng Bí thư

Ngày 9/8, Luật sư Đặng Đình Mạnh viết trên Facebook cá nhân bài bình luận “Việc đầu tiên của tân Tổng Bí thư: “Thay máu” Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.

Thoibao.de tóm lược và giới thiệu bài viết này đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Khi vừa trở thành tân Tổng Bí thư, ông Tô Lâm khẳng định: “Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không ngừng nghỉ”, khiến nhiều nhà quan sát cho rằng, ông Tô Lâm sẽ tiếp tục công cuộc “Đốt lò”, là di sản của ông Nguyễn Phú Trọng.

Đánh giá này là đúng, nhưng chưa đầy đủ.

Đúng, vì một mặt, ông Tô Lâm cần tiếp tục việc chống tham nhũng, để khẳng định tính chính danh của người kế thừa ông Trọng. Đồng thời, trước vấn nạn tham nhũng trầm kha như hiện nay, với tư cách là người đứng đầu, ông ấy không thể thoái thác trách nhiệm phải chống tham nhũng.

Do đó, dù tâm ý thế nào, thì về phương diện hình thức, ông Tô Lâm không thể tuyên bố ngừng, hoặc giảm, mức độ chống tham nhũng.

Mặt khác, vị tân Tổng Bí thư có “món nợ” cần phải thanh toán “sạch sẽ”.

Tưởng nên nhắc lại. Dịp họp Hội nghị Trung ương 9 vào trung tuần tháng 5/2024, dù không muốn, ông Tô Lâm vẫn phải ngồi vào ghế Chủ tịch nước. Thế nên, ông ấy cần có thuộc cấp thân tín ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an, để bảo đảm sinh mạng chính trị của chính mình.

Theo đó, ông đã đề cử Thứ trưởng Bộ Công an là ông Lương Tam Quang, để bầu bổ sung vào Bộ Chính trị. Vì chỉ có Ủy viên Bộ Chính trị mới có thể được cử làm Bộ trưởng Bộ Công an.

Thế nhưng, khi bỏ phiếu thì ông Lương Tam Quang không đủ túc số phiếu bầu, để vào Bộ Chính trị. Buộc lòng, Bộ Công an phải làm một việc vô tiền khoáng hậu, là triệu tập Hội nghị Đảng ủy Trung ương Bộ Công an, gồm lãnh đạo từ 63 tỉnh thành, về họp tại Hà Nội, để đề cử Thứ trưởng Lương Tam Quang làm Bộ trưởng Bộ Công an.

Trước sự đã rồi, ông Trọng, với cương vị Tổng Bí thư, phải muối mặt chấp nhận gửi hồ sơ cho Quốc hội phê chuẩn chức Bộ trưởng Bộ Công an cho ông Lương Tam Quang. Theo đó, ông Lương Tam Quang trở thành Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản, mà không phải là Ủy viên Bộ Chính trị.

Sự việc đã qua, nhưng món nợ từ Hội nghị Trung ương 9 vẫn còn nguyên đó, với ít nhất đa số ủy viên đã công khai ra mặt “chống” lại yêu sách của Tô Lâm. Dĩ nhiên, món nợ nhục nhã này cần phải đòi thanh toán sạch sẽ!

Do đó, khi đã đạt tham vọng nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư, ông Tô Lâm có cơ hội để đòi thanh toán món nợ này đối với số uỷ viên Trung ương Đảng không ăn cánh, đồng thời, “thay máu” nhân sự, để bảo đảm một Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm toàn cánh hẩu, chấp nhận mọi chủ trương, chính sách ông ấy đưa ra. Vì ông ấy không thể điều hành Đảng suôn sẻ, nếu có một Ban Chấp hành Trung ương với đa số uỷ viên lúc nào cũng bác bỏ các yêu sách của Tổng Bí thư.

Thế nên, tiếp tục chống tham nhũng là phương cách để ông Tô Lâm thanh trừng, và để “thay máu” trong nội bộ Đảng. Việc này khá đơn giản, bởi lẽ, leo cao đến uỷ viên Trung ương Đảng, hầu hết đều dính chàm, không bê bối tài chính thì cũng tham nhũng. Việc thanh trừng chỉ còn là thời gian.

Không chỉ thế, tiếp tục chính sách chống tham nhũng còn giúp khẳng định tính chính danh của Tô Lâm trong Đảng và trước công chúng. Thật là, nhất cử lưỡng tiện.

Bên cạnh đó, còn phải tính đến số “con nợ” của Tô Lâm. Họ cũng không thể ngây thơ đến độ, cứ ngồi yên chờ số phận đen đủi rớt xuống đầu mình. Tất cả họ đều xem Tô Lâm là kẻ thù. Khi có cơ hội trừ khử, thì sao lại họ lại không ra tay?

Cho nên, chính trường xứ này sẽ chẳng còn những ngày yên ả, trái lại, vẫn còn tiếp tục nóng tanh mùi máu, trong những ngày sắp tới là điều khó tránh khỏi.

Quang Minh – thoibao.de