Hậu quả của bão Yagi chưa được khắc phục, Việt Nam có nguy cơ phải đón cơn bão mới

Ngày 17/9, RFA Tiếng Việt loan tin “Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với cơn bão mới ngay sau bão Yagi”.

RFA cho biết, một vùng áp thấp nhiệt đới đang đi vào vùng biển phía Đông và Bắc Biển Đông, có thể sẽ sớm mạnh lên thành bão, ảnh hưởng đến Việt Nam trong những ngày tới. Trong khi, các tỉnh miền Bắc Việt Nam vẫn đang cố gắng khắc phục hậu quả của bão Yagi vừa qua.

RFA dẫn Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Việt Nam, cho hay, cơn bão có thể hình thành trong vòng 24 đến 48 giờ tới, với cường độ cấp 8 – 9, giật cấp 10 – 11.

Trong khi đó, Thông Tấn Xã Việt Nam dẫn nhận định của Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng, cho biết, khoảng sáng 17/9, áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông, và ngày 18/9 sẽ mạnh lên thành bão số 4.

Theo ông Hưởng, bão số 4 có thể xảy ra 2 kịch bản.

Kịch bản thứ nhất: Bão di chuyển về phía khu vực Trung Trung Bộ, và tác động với khu vực này sẽ vào khoảng từ ngày 19 đến 20/9.

Kịch bản thứ hai: Bão đổi hướng và di chuyển theo hướng Tây Bắc, đi về khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, tác động của bão đến đất liền sẽ vào cuối tuần này.

RFA cũng cho biết, các vùng có nhiều khả năng bị ảnh hưởng là từ Thanh Hóa đến Quảng Nam, nhưng cũng có xác suất thấp hơn là bão sẽ di chuyển về phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Có thể vào tối ngày 18/9 đến ngày 21/9, khu vực Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ có một đợt mưa lớn diện rộng, với lượng mưa phổ biến từ 100 – 300 mm, có nơi trên 500 mm.

Đề cập đến cơn bão số 4, trang chinhphu.vn, ngày 18/9 cho biết:

“Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 97/CĐ-TTg, ngày 17/9/2024, của Thủ tướng Chính phủ, về việc chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.”

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

  • Bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện và các hoạt động trên biển, ven biển.
  • Bố trí lực lượng, phương tiện để ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét… tại các địa phương dự kiến ảnh hưởng trực tiếp, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.
  • Bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của người dân.
  • Vận hành khoa học, an toàn các hồ đập thủy điện.

Những chỉ đạo kiểu như thế này vẫn thường xuyên được lãnh đạo Việt Nam đưa ra trước bão lũ, từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến khi thiên tai ập đến, thì vẫn luôn không hề thấy bóng dáng của lực lượng cứu hộ đâu, thuỷ điện thì vẫn luôn xả lũ “đúng quy trình, vì đại cục”.

Theo RFA, các tỉnh, thành của Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn khắc phục hậu quả của bão Yagi, đổ vào Việt Nam hôm 7/9 vừa qua, gây lũ lụt và sạt lở đất.

Hiện tại công tác cứu hộ tìm người mất tích do lũ và sạt lở đất vẫn đang được tiến hành.

RFA dẫn báo cáo của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, tính đến sáng ngày 17/9, bão Yagi, mưa lũ và sạt lở đất đã làm 291 người chết và 38 người mất tích.

Hai tỉnh có thiệt hại về người nhiều nhất, gồm: Lào Cai với 150 người, Yên Bái với 54 người. Phần lớn những người chết và mất tích là do lũ và sạt lở đất do bão gây ra.

RFA cũng cho hay, bão Yagi gây thiệt hại nặng nề về nông nghiệp cho Việt Nam với hơn 200.000 ha lúa, và hơn 50.000 ha hoa màu bị ngập úng, gần ba triệu con gia súc và gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi.

Ước tính thiệt hại về kinh tế do bão Yagi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra là 1,6 tỷ đô la. Tăng trưởng GDP của Việt Nam theo dự báo sẽ giảm mất 0,15% trong năm nay, so với con số dự báo được đưa ra trước đó là 7%.

 

Thu Phương – thoibao.de