Giới hoạt động nghi ngờ Formosa chưa hoàn thành khắc phục hậu quả vụ xả thải năm 2016

Ngày 14/10, RFA Tiếng Việt cho hay: “Vụ xả thải năm 2016: Formosa nói đã thực hiện xong trách nhiệm, giới hoạt động nghi ngờ”.

RFA cho biết, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, ngày 30/9 đã gửi thư cho Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, khẳng định, đã thực hiện xong mọi nghĩa vụ trong việc khắc phục hậu quả, gây ra bởi việc xả thải của doanh nghiệp này, trong năm 2016. Đồng thời cho biết, Công ty này tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế, trong việc thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ môi trường, an toàn công nghiệp và an toàn sức khỏe nghề nghiệp.

Tuy nhiên, nhiều người trong giới hoạt động cho rằng, tuyên bố của Formosa không đáng tin cậy.

Theo RFA, Công ty con của Formosa Plastic Corporation (Đài Loan) nói rằng, sự kiện xả thải gây nhiễm độc ven biển miền Trung Việt Nam vào tháng 4/2016, là tai nạn môi trường đơn lẻ, và họ đã ngay lập tức thực hiện bồi thường 500 triệu USD, theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, vào tháng 8/2016.

Sau đó, phía Việt Nam đã sử dụng số tiền nói trên để bồi thường cho những cá nhân bị ảnh hưởng, thiệt hại về người và tài sản, mất việc làm, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, để khôi phục sinh kế, bảo vệ sức khỏe và phục hồi hệ sinh thái biển.

Tuy nhiên, vẫn theo RFA, nhiều người hoạt động và cả người dân ở nơi bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vụ xả thải, không đồng ý với nội dung thư Formosa gửi cho Liên Hiệp Quốc, cho rằng, việc đền bù không thỏa đáng, và tuyên bố của doanh nghiệp này là không đáng tin cậy, khi chưa có một cơ quan độc lập nào thực hiện việc điều tra ảnh hưởng của khí thải và chất thải của nhà máy này ra môi trường.

RFA dẫn lời một nhà hoạt động ở thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, cho biết, gia đình ông ở trong khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, từ việc Formosa xả thải gây thảm hoạ môi trường biển miền Trung.

Ông nói, khi xác định mức đền bù, cán bộ địa phương làm việc rất bừa bãi, họ định ra mức đền bù theo đánh giá chủ quan của họ, chứ không theo thực tế. Như bản thân ông là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sửa chữa tàu thuyền đánh cá, nhưng khi đánh giá thiệt hại do Formosa gây ra, ông chỉ được coi là lao động phổ thông, với định mức đền bù là 17 triệu đồng, chỉ bằng 20% so với thiệt hại thực tế.

Có những chủ tàu cá nhận được hàng trăm triệu đền bù, tuy nhiên, thiệt hại mà họ gánh chịu gấp 3, 4 lần số tiền này – ông cho hay.

RFA dẫn nhận định của Linh mục Nguyễn Văn Hùng, tại Đài Loan, cho rằng:

Formosa nói là đã khắc phục hậu quả của vấn đề ô nhiễm môi trường, do Công ty Formosa gây ra năm 2016, chúng tôi yêu cầu cung cấp các dữ kiện, và công bố các dữ kiện đó, ở trên các phương tiện truyền thông, nhưng mà cho đến hôm nay vẫn chưa có thông tin công khai nào về việc đó cả.”

RFA cũng cho biết, trong thư gửi Liên Hiệp Quốc, Formosa Hà Tĩnh nói, tác động của vụ việc đối với người dân địa phương đã được kiểm soát, trong thời gian ngắn nhất có thể, và đã phục hồi gần như hoàn toàn vào tháng 5/2018.

Vẫn theo Formosa Hà Tĩnh, sau thảm họa năm 2016, Công ty này đã đầu tư hơn một tỷ USD vào nhiều sáng kiến về môi trường, để đảm bảo rằng, tất cả các khí thải của họ đều tuân thủ các quy định của Việt Nam.

RFA trích dẫn bức thư của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc gửi Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Trung Quốc, và Tập đoàn Formosa, cho hay, cho đến nay, nhiều nạn nhân của vụ xả chất độc vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản bồi thường tài chính nào.

Thư cũng nhắc đến việc Việt Nam bác đơn kiện Formosa của người dân. Thay vì trợ giúp những người này, chính quyền Việt Nam không cho phép họ xin hộ chiếu và giấy tờ cá nhân cần thiết cho quá trình tố tụng. Thậm chí Hà Nội còn bị cho là đã trấn áp nhằm buộc họ phải rút đơn kiện.

 

Ý Nhi – thoibao.de