Nguyễn Trọng Nghĩa thắng, Mai Văn Chính văng ra “bãi rác”?

Thông tin cho biết, ông Nguyễn Trọng Nghĩa chính thức trở thành Trưởng ban Tuyên Giáo Dân vận. Như vậy, ông Mai Văn Chính – Trưởng Ban Dân vận Trung ương bị loại sau khi 2 ban sáp nhập. Kết quả ông Nguyễn Trọng Nghĩa chiến thắng không khó đoán, bởi ông Nghĩa là Ủy viên Bộ Chính trị, còn ông Mai Văn Chính chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng. Ông Chính phải nhường là điều dễ hiểu. 

Đáng nói là ông Nghĩa chỉ mới vào Bộ Chính trị trong năm 2024, không bao lâu trước khi ông Nguyễn Phú Trọng mất. Ông Trọng đưa 4 người thuộc Ban Bí thư trong đó có ông Nguyễn Trọng Nghĩa vào Bộ Chính trị, như là giải pháp tình thế nhằm vá lại vết thương sau những đòn tấn công của Tô Lâm. Nhờ chức ủy viên Bộ Chính trị kịp lúc mà Nguyễn Trọng Nghĩa đã dễ dàng hất văng Mai Văn Chính ra khỏi ban sau khi hợp nhất. 

Ông Mai Văn Chính và ông Nguyễn Trọng Nghĩa đều là người của ông Nguyễn Phú Trọng sắp xếp. Cả 2 đều là những nhân sự cần phải bị thay thế dưới triều đại Tô Lâm. Tuy nhiên, Nguyễn Trọng Nghĩa nguy hiểm hơn vì ông Nghĩa là người của phe Chủ tịch nước Lương Cường. Cả Nguyễn Trọng Nghĩa và Lương Cường được xem là trục quân đội gánh vác trách nhiệm phòng thủ trước phe Tô Lâm. 

Việc nắm toàn bộ bộ máy truyền thông của Đảng trong tay, Nguyễn Trọng Nghĩa đang khiến Tổng Bí thư Tô Lâm phải e ngại. Được biết, tuyên giáo là lá chắn mềm cho Đảng, sức mạnh không thua gì lá chắn cứng như  Bộ Công an. Tô Lâm rất cần kiểm soát Ban Tuyên giáo Dân vận, bởi Ban này biết cách ru ngủ, xoa dịu những đòn đau thấu xương do Bộ Công an nhắm vào nhân dân.

Là Ủy viên Bộ Chính trị, mang hàm tướng, nắm trong tay một lá chắn của Đảng, kể ra Nguyễn Trọng Nghĩa có sức mạnh không thua gì Lương Tam Quang. Nếu Nguyễn Trọng Nghĩa vẫn quyết “nằm lì” trong Ban Bí thư thì đấy cũng là bài toán nan giải cho ông Tổng Bí thư, nó sẽ chặn đứng đà thâu tóm quyền lực của Tô Lâm. Có thể ví Nguyễn Trọng Nghĩa là “cổ phần” của Chủ tịch nước Lương Cường góp vào Ban Bí thư. 

Có lẽ, bài toán Lương Cường cần phải có thời gian thì Tô Lâm mới liệu được, giờ chỉ có thể giải quyết Mai Văn Chính. Thông tin nội bộ cho biết, có khả năng ông Mai Văn Chính sẽ sang Chính phủ nhận chức Phó Thủ tướng.

Trước đây, Nguyễn Hòa Bình tháo chạy sang Chính phủ vì không thể gia nhập hệ sinh thái quyền lực của Tổng Bí thư mới. Giờ đây, nếu Mai Văn Chính lại chạy sang Chính phủ thì Chính phủ không khác nào “bãi rác” của Ban Bí thư. Hàng thải, ông Tô Lâm vứt cho Phạm Minh Chính.

Cho tới nay vẫn chưa có thông tin ông Mai Văn Chính về hưu, vậy nên khả năng cao ông Chính sẽ là Phó Thủ tướng. Phạm Minh Chính sẽ lại tiếp nhận thêm người và bố trí thêm việc. 

Không bị dính hồ sơ đen, không thể đuổi Mai Văn Chính về vườn nếu chưa đến tuổi nghỉ hưu, Tô Lâm muốn đưa Mai Văn Chính ra khỏi Ban Bí thư thì phải bố trí cho ông Chính một chức vụ tương đương, và chức Phó Thủ tướng được xem là tương đương chức Trưởng Ban Tuyên giáo.

Có lẽ Chính phủ chỉ là nơi tá túc tạm thời. Đến năm 2026, Mai Văn Chính đã 65 tuổi không thể ở lại Trung ương Đảng và cửa vào Bộ Chính trị cũng không còn. Với tương lai như vậy, Phạm Minh Chính cũng chẳng thể sử dụng Mai Văn Chính vào kế lâu dài được.

Bài toán tinh gọn của Tô Lâm đang cho thấy, nó giúp ông gọn bỏ phần thừa thãi, còn lại những vị trí quan trọng bố trí cho đàn em thân tín. Tinh gọn nhưng không mạnh tay cắt gọt nhân sự mà chỉ chuyển từ nơi này đến nơi khác. Như thế là thất bại.

Có lẽ, mục đích chính của chính sách này là tạo ra bộ khung như ý, cho hệ sinh thái quyền lực của Tô Lâm là chính, còn toàn bộ máy Chính quyền, không tinh cũng không giản.  

Trần Chương-Thoibao.de