Tập Cận Bình sắp thăm Việt nam để “tiếp sức” cho Chủ tịch Lương Cường?

Truyền thông quốc tế đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có chuyến công du đến 3 quốc gia Đông Nam Á. Đó là Việt Nam, Malaysia và Campuchia, có thể bắt đầu từ giữa tháng 4/2025. 

Theo giới phân tích, trong 3 quốc gia nơi Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ ghé thăm lần này, thì Malaysia, là một quốc gia có mối quan hệ nồng ấm nhất với Trung Quốc. Đối với Campuchia, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại, nhà tài trợ và đầu tư hàng đầu. Đặc biệt liên quan đến một số dự án hạ tầng lớn của Phnompenh thông qua Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Còn Việt nam, dù rằng là 2 nước láng giềng có chung ý thức hệ Cộng sản, nhưng ban lãnh đạo Hà nội vẫn tỏ ra dè chừng vì vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam, vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Asean, chiếm 26,5% tổng khối lượng thương mại của khối Đông Nam Á vào năm 2024.

Tháng 2/2025, Quốc hội Việt Nam đã phê duyệt nâng cấp tuyến đường sắt trị giá 8 tỷ đô USD từ Lào Cai, đến cảng Hải phòng. Kinh phí đầu tư cho dự án này là khoản tài chính vay từ Trung Quốc.

Đây có thể là các biểu hiện của ban lãnh đạo Bắc Kinh đang nỗ lực muốn kéo Hà Nội vào sâu trong quỹ đạo của Trung Quốc bằng các mồi nhử kinh tế.

Tuy nhiên, chuyến thăm sắp tới của ông Tập diễn ra trong bối cảnh khi cả Việt Nam đang phải đối mặt với các mức thuế quan sẽ cao hơn từ Hoa Kỳ. Ngoài ra, vào thời điểm chỉ vài tuần sau cuộc tập trận bắn đạn thật của Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ, sau khi Việt Nam công bố đường ranh giới mới trên biển.

Khi truyền thông quốc tế đưa tin, ông Tập Cận Bình sắp thăm Việt Nam, thì ngày 31/3, Tổng Bí Thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ Mỹ Knapper. Tại buổi tiếp, ông Tô Lâm đã khẳng định với ông Knapper “Việt Nam nhất quán coi Mỹ là đối tác chiến lược hàng đầu”.

Điều đó càng chứng tỏ cho thấy, ban lãnh đạo Hà nội vẫn tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao “đu dây” giữa Bắc Kinh và Washington, nhưng có phần nghiên về phía Hoa Kỳ. Bởi lý do, Hà Nội vẫn phải dựa vào thị trường Mỹ để sinh tồn, cũng như vai trò của Hoa Kỳ để cân bằng ảnh hưởng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Do đó, trong những ngày tới đây, chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ là một phép thử của lãnh đạo Hà nội nói chung, và Tổng Bí thư Tô Lâm nói riêng. 

Theo giới quan sát quốc tế, chuyến công du của Tập Cận Bình sắp tới đây, có thể ảnh hưởng đến cán cân quyền lực nội bộ của chính trường Việt Nam. Nhưng mức độ cụ thể ra sao còn phụ thuộc vào vai trò và uy thế của Tổng Bí thư Tô Lâm, và Chủ tịch Nước Lương Cường.

Các chuyến thăm cấp cao thường mang tính biểu tượng, nhưng nếu ai đóng vai trò chủ trì việc tiếp đón ông Tập Cận Bình thì vai trò của người đó sẽ được củng cố. 

Nếu Chủ tịch Nước Lương Cường đóng vai trò chính, thì rõ ràng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ mang ý nghĩa “tiếp sức” cho đối thủ của Tổng Bí thư Tô Lâm.

​Chuyến công du dự kiến của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam vào trung tuần tháng 4/2025 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang xem xét sửa đổi Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Và việc sửa đổi này có thể liên quan đến việc điều chỉnh cơ cấu lãnh đạo trong bộ máy Đảng và Nhà nước. ​

Có những suy đoán khẳng định rằng, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ tiến tới xóa bỏ nguyên tắc lãnh đạo tập thể để chuyển sang mô hình tập trung quyền lực vào tay cá nhân của mình. Tuy nhiên, không có bất kỳ thông tin chính thức về việc Trung Quốc ủng hộ hay phản đối chủ trương vừa kể, kể cả việc thay đổi trong cơ cấu của ban lãnh đạo của Việt Nam.​

Tuy nhiên, theo giới phân tích, Trung Quốc luôn có chiến lược tăng cường ảnh hưởng thông qua việc thiết lập quan hệ chặt chẽ với các lãnh đạo cấp cao, và thông qua các dự án đầu tư quan trọng mang tính chiến lược. ​

Mà mối quan hệ giữa Chủ tịch nước Lương Cường và Trung Quốc là một tiềm năng tiềm tàng cho vấn đề vừa kể.

Những thách thức này đòi hỏi Tổng Bí thư Tô Lâm phải có chiến lược khéo léo và quyết đoán để duy trì sự đoàn kết và ổn định trong nội bộ Đảng, đảm bảo thành công cho Đại hội 14 sắp tới.​

Trà My – Thoibao.de