Nếu biết tận dụng cơ hội, nâng cao năng lực sản xuất và phát triển công nghiệp thực chất, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên một tầm cao mới. Nhưng nếu tiếp tục cúi đầu làm “đối tác phụ thuộc” vào Bắc Kinh, để sản phẩm Trung Quốc mượn danh “Made in Vietnam” xuất khẩu sang Mỹ, thì cánh cửa vừa mở ra sẽ nhanh chóng khép lại. Khi đó, không chỉ thuế quan bị áp đặt nặng nề, mà Việt Nam còn có nguy cơ bị đưa vào danh sách theo dõi, thậm chí trừng phạt thương mại.
Lịch sử đã cho thấy rõ: Bắc Kinh chưa bao giờ muốn Việt Nam trở nên độc lập và hùng mạnh. Nếu để Trung Quốc lợi dụng một lần nữa, Việt Nam không chỉ đánh mất cơ hội phát triển hiếm có, mà còn phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu Mỹ và các đối tác phương Tây quay lưng.
Bài học từ năm 2019 vẫn còn nguyên giá trị. Khi chính quyền Trump áp thuế mạnh lên Trung Quốc, nhiều công ty Trung Quốc đã ồ ạt chuyển nhà máy sang Việt Nam nhằm “lách luật”. Mỹ sau đó siết kiểm soát, phát hiện nhiều trường hợp gian lận xuất xứ. Việt Nam khi ấy suýt nữa bị liệt vào danh sách vi phạm thương mại nghiêm trọng.
Nay, trong bối cảnh Mỹ đang tiếp tục áp thuế cao lên hàng hóa từ khu vực, họ càng thận trọng hơn. Washington hiểu rõ Trung Quốc có thể tiếp tục tìm cách “đi đường vòng”, và sẽ không nương tay với những nước tiếp tay cho hành vi này.
Việt Nam cần thẳng lưng mà đi. Mỹ và các nước đồng minh đang mở ra cơ hội mới để Việt Nam phát triển đúng nghĩa — không phải như một “trạm trung chuyển” cho Trung Quốc, mà như một đối tác chiến lược độc lập, đáng tin cậy.
Chính phủ cần tận dụng “90 ngày vàng” để siết chặt kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, không để bị lợi dụng. Ưu tiên thu hút đầu tư chất lượng cao từ các nước dân chủ, phát triển năng lực nội tại, và xây dựng thương hiệu Việt thực sự.
Thông điệp cuối cùng: Đừng tự biến mình thành công cụ của nước khác. Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử. Cơ hội này là có thật — nhưng nếu không tỉnh táo và quyết đoán, hậu quả sẽ là mất cả uy tín lẫn tương lai.
Cơ hội không đến lần hai!
Lão Thất