Trong bối cảnh dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ đã tiến hành hạn chế hoặc đóng cửa các đường bay quốc tế, không cho quá cảnh (transit), khiến nhiều hành khách là công dân Việt Nam bị “kẹt” tại các sân bay quốc tế.
Nhiều sân bay quốc tế tại khắp nơi trên thế giới chứng kiến cảnh người Việt bị mắc kẹt do hãng hàng không hủy chuyến bởi những quy định mới được cập nhật từng giờ của chính quyền sở tại.
Ngày 19/3, 46 công dân Việt Nam mắc kẹt tại sân bay Charles de Gaulle do hãng hàng không Air France hủy chuyến vào giờ chót. Sau đó, hãng chỉ có thể thu xếp cho 26 người từ các nước khác quá cảnh Paris lên máy bay để có thể về đến Việt Nam ngày 21/3; 20 người cư trú tại Pháp đã quay về địa phương, tạm thời ở lại chờ chuyến bay khác.
Tối ngày 21/3, 1 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại sân bay Kuala Lumpur khi quá cảnh từ Macau về Việt Nam. Do ảnh hưởng của Lệnh hạn chế di chuyển của chính quyền sở tại (từ ngày 18 – 31/3) mà hầu như không còn đường bay từ Kuala Lumpur về Việt Nam.
Ngày 22/3, 40 công dân Việt Nam trong đó có các du học sinh bị mắc kẹt tại sân bay Dallas (Hoa Kỳ) do chuyến bay về Việt Nam quá cảnh ở Narita (Nhật Bản) bị hủy. Đến tối ngày 22/3 (theo giờ Hoa Kỳ), gần 30 thành viên trong đoàn du học sinh nói trên đã đổi được vé máy bay về Việt Nam quá cảnh tại San Francsico (Hoa Kỳ) và Hồng Kông. 12 du học sinh phải đợi tại sân bay Dallas và di chuyển vào hôm sau.
Ngày 23/3, 35 công dân Việt Nam, phần lớn là học sinh, sinh viên trên đường về nước quá cảnh tại sân bay Changi, Singapore, đã bị mắc kẹt không thể về nước do hãng hàng không Singapore Airlines huỷ chuyến không báo trước. Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã thực hiện bảo hộ công dân và nhóm này đã về Việt Nam vào ngày 24/3.
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, Việt Nam cũng đã tiến hành đóng cửa với thế giới bên ngoài.
Ngày 21/3, Bộ Ngoại giao thông báo:
Trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam quyết định:
- Tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, trừ trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt (khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao…).
- Các cơ quan chức năng trong nước xem xét duyệt cấp thị thực phù hợp (nếu cần thiết) cho các trường hợp nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và những trường hợp đặc biệt nói trên. Các trường hợp này phải hoàn thành thủ tục kiểm tra, khai báo y tế bắt buộc tại khu vực riêng và cách ly phù hợp tại cơ sở lưu trú theo quy định. Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam có hình thức cam kết thực hiện giám sát y tế đối với công dân nước mình trong thời gian công tác ở Việt Nam.
- Tạm dừng hiệu lực Giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân.
Các biện pháp tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam được áp dụng từ 0h ngày 22/3.
Người nhập cảnh Việt Nam phải tuân thủ quy trình kiểm tra y tế và thực hiện cách ly tập trung trừ trường hợp người nước ngoài nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ và các trường hợp đặc biệt khác (khách nước ngoài tham dự, phục vụ các hoạt động đối ngoại quan trọng; chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao…).
Người nước ngoài là chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao có Giấy xác nhận âm tính với viêm phổi Vũ Hán do cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại cấp và được Việt Nam chấp thuận được phép nhập cảnh Việt Nam và phải được cách ly chặt chẽ tại cơ sở lưu trú, bảo đảm các biện pháp an toàn, phòng chống dịch.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đưa ra các khuyến cáo công dân Việt Nam về việc đi lại, đặc biệt là lưu ý công dân hạn chế tối đa đi lại giữa các nước và về Việt Nam trong thời điểm hiện nay, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại, thường xuyên kiểm tra, cập nhật quy định của nước sở tại và các hãng hàng không, đảm bảo có đủ các giấy tờ cần thiết theo yêu cầu để thực hiện chuyến đi (đặc biệt là các giấy tờ xác nhận tình trạng sức khỏe nếu có).
Khi mà các nước trên toàn thế giới lần lượt bế quan tỏa cảng, những chuyến bay cuối cùng về Việt Nam mang một bầu không khí hoài nghi và đầy căng thẳng.
Anh Le T. T., một nghiên cứu sinh tiến sỹ về văn học Mỹ tại Đại học California, San Diego, đã kịp về đến Việt Nam trên chuyến bay của hãng hàng không Đài Loan Eva Air quá cảnh Đài Bắc vào ngày 19/3, tức là chỉ 3 ngày trước khi Việt Nam chính thức đóng cửa với bên ngoài.
Anh chia sẻ tâm lý ‘hoài nghi’ bao trùm trong chuyến bay : “Trên máy bay mọi người kỹ lắm. Người ngồi cạnh tôi mặc cả áo mưa. Tôi tránh cạ vào nhau. Mình mà lỡ đụng vào người họ thì họ lau hết người họ luôn.”
Anh nói : “Mọi người đều không nói chuyện với nhau, tránh quay mặt về phía nhau luôn” ; “Không khí căng thẳng lắm“.
Hơn nữa, anh còn cảm nhận được sự kỳ thị đối với những người từ nước ngoài về Việt Nam trong hoàn cảnh này.
Theo lời anh thì ngay cả họ hàng xa của anh ở Thanh Hóa cũng ‘ngại không muốn tiếp xúc’ và ‘không chịu giúp đưa đồ tiếp tế vào’.
Anh nói thên : “Bạn bè tôi cũng nói rằng nếu mày về mà mày không đi cách ly thì tao sẽ không gặp”. “Họ coi như là mình đã có viêm phổi Vũ Hán rồi vậy.”
Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán có sức mạnh phi thường, nó đã khiến chủ nghĩa ‘sính Tây’ ở Việt Nam biến đổi theo chiều hướng ngược lại trở thành trào lưu ‘bài Tây’ những ngày gần đây.
Ngoài những trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán tại Việt Nam là hai cha con người Trung Quốc và một số người ở Vĩnh Phúc thì đặc biệt từ bệnh nhân số 17 bị phát hiện nhiễm bệnh sau khi trở về từ châu Âu thì phần lớn các cơ nhiễm bệnh đến từ các nước phương Tây như Anh, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ…
Facebooker Liên Hương Lena nhận định : Đầu dịch, hàng ngàn du học sinh từ Trung quốc về, từ ổ dịch Vũ Hán về, chính phủ bưng bít thông tin, không hề công bố số lượng xét nghiệm dương tính với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. Báo Tiền phong đăng bài : ‘190.000 lưu học sinh Việt Nam đang ở nước ngoài: Bộ GD&ĐT khuyến cáo khẩn’ trong đó liệt kê du học sinh không nhắc gì tới số du học sinh ở Trung quốc mà chỉ chung chung là châu Á. Trong khi châu Á có rất nhiều quốc gia có người Việt Nam theo học. Còn các nước phương Tây thì được liệt kê cụ thể từng nước như Anh 12.000 lưu học sinh Việt Nam, Đức 7.500, Pháp 6.500, Mỹ có 29.000, Canada 21.000, Úc 30.000, NewZealand 2.500…
Cách truyền thông của nhà cầm quyền ở Hà Nội dường như đã định hướng người dân về việc dịch bệnh đến từ phương Tây chứ không phải là anh bạn ‘4 tốt’ – ’16 chữ vàng’ Trung Quốc, gây nên một làn sóng kì thị người Việt về nước tránh dịch trong thời gian này mà phần lớn là du học sinh và người lao động xuất khẩu. Có thể nói, trào lưu ‘bài Tây’ ra đời ở Việt Nam để lấp tội hay đáng lạc hướng cho việc Trung Quốc đã để lây lan, bùng phát dịch bệnh ra toàn cầu.
Truyền thông trong nước cùng lực lượng dư luận viên đã phóng đại sự việc, lợi dụng viết bài mạt sát, kỳ thị đồng bào hải ngoại với những lời lẽ miệt thị như chạy về Việt Nam tránh dịch, làm gánh nặng cho đất nước, hưởng ân cao nghĩa trọng của nhà nước, tranh thủ được chữa bệnh miễn phí…vv
Mới đây trên mạng lan truyền video Việt kiều làm loạn ở sân bay, dư luận viên bắt được thời cơ và ‘tự động’ chửi nhân vật trong clip đồng thời tranh thủ quy kết, mạt sát người Việt ở hải ngoại nói chung.
Facebooker Thuy Le phân tích sự việc : Theo clip cô Việt kiều và mấy người cùng đoàn nói là cả đoàn phải chờ đợi vật vờ đói meo từ 7h sáng đến 3h chiều gồm cả trẻ con đói lả và nỗi lo bị “nhốt chung” để bị lây nhiễm chéo rất nguy hiểm.
Vấn nạn quá tải ùn ứ nhập cảnh cũng do Chính phủ điều hành, khi đã quá khả năng kiểm soát thì hãy cho ngừng bay để chặn dịch như nhiều nước đã làm đi, sao còn tham lam thiển cận để bao chuyến bay nhập cảnh từ các vùng dịch mang cả khách nước ngoài vào du lịch rồi quá tải không kiểm soát được để sân bay như vỡ chợ và ùn ứ hàng đống người làm nguy cơ lây nhiễm dịch càng cao!?
Blogger này kêu gọi : Hãy xem clip trước khi quy kết hồ đồ, mọi người đi cùng đoàn cũng nhất trí với những gì cô Việt kiều nói. Đừng để LL47 dắt mũi và lái dư luận lao vào chửi theo mà quên vấn nạn chính về nguồn gốc của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán cũng như việc chính phủ chậm trễ đóng cửa biên giới để người dân Trung Quốc đi lại tự do gây lây lan dịch bệnh.
Những người Việt Nam về nước trong những chuyến bay cuối cùng này phần lớn là những du học sinh và người dân đi lao động xuất khẩu, tranh thủ về với gia đình trong thời gian trường học, công xưởng đóng cửa, tạm dừng hoạt động. Trước sự phản ứng vừa qua của nhiều người Việt trong nước, có lẽ họ không khỏi chạnh lòng. Còn những người gốc Việt ở nước ngoài (tức là đã mang quốc tịch nước khác) chắc chắn đã tích lũy thêm bài học từ nhà cầm quyền cộng sản. Khi cần kiều hối thì gọi là khúc ruột ngàn dặm còn khi không cần thì tìm cách thoái thác những lời thề non hẹn biển. Những chuyến bay của người Việt hải ngoại về nước sau này chắc hẳn sẽ còn nặng những tủi hờn.
Nhà cầm quyền cộng sản tại Hà Nội vẫn thường kêu gọi tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc để rồi khi dịch bệnh bùng phát thì lại để cho lực lượng dư luân viên và nhiều tờ báo quá khích của mình kích động chia rẽ người dân trong nước với người Việt ở nước ngoài, khiến những chuyến bay cuối cùng về Việt Nam vốn đã nặng nỗi lo âu về dịch bệnh, về việc học tập, lao động còn đang dang dở ở nước sở tại lại phải gánh thêm sự kì thị của một bộ phận người Việt trong nước.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)