Chiều 3/4, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi thực hiện nghiêm hơn chỉ thị 16 về cách ly xã hội trên toàn quốc để không “vỡ trận” trong lúc Việt Nam bước vào giai đoạn mất dấu bệnh nhân F0 mắc viêm phổi Vũ Hán.
Thủ tướng nêu rõ không để tác động của tình hình kinh tế làm thay đổi tinh thần của chỉ thị 16 mà cần thực hiện nghiêm hơn.
Mục tiêu đưa ra là không để vỡ trận, lây lan dịch trong cộng đồng ở mức độ cao, nhiều ca, có thể dẫn tới phá vỡ hệ thống cơ sở điều trị. Việc cách ly cần tiếp tục thực hiện nghiêm.
Theo Thủ tướng, phải hiểu đúng cụm từ cách ly xã hội để vận dụng đúng trên tinh thần thực hiện quyết liệt, không được chần chừ.
Trước đó, hôm 31/3, Thủ tướng Phúc ban hành chỉ thị thực hiện cách ly xã hội trên toàn quốc trong 15 ngày để kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh. Trước đó một ngày, ông Phúc công bố dịch viêm phổi Vũ Hán trên toàn quốc với yêu cầu cơ bản là dừng vận chuyển công cộng.
Yêu cầu “cách ly xã hội” được thực hiện kể từ 0 giờ ngày 1/4, sẽ áp dụng toàn bộ cả nước với nguyên tắc: nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất. Trường hợp phường/quận cũng được áp dụng tương đương.
Theo chỉ thị của Thủ tướng, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Nguy cơ ‘vỡ trận’ mà ông Phúc đề cập đến xuất phát từ việc mất dấu F0 tức là ca nhiễm đầu tiên tại các ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội hay quán bar Buddha ở TP HCM.
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, sáng 2/4, cho biết ở giai đoạn trước, những ca lây ra cộng đồng còn xác định được bệnh nhân đầu tiên F0 như khu vực Trúc Bạch, Hà Nội, liên quan “bệnh nhân 17“, khu vực Bình Thuận liên quan “bệnh nhân 34“. Song, đến ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai, giờ không thể xác định được đâu là ca nhiễm đầu tiên.
Việc không tìm ra nguồn lây nhiễm ở BV Bạch Mai là “từ đâu và từ chỗ nào chứng tỏ có lây lan trong cộng đồng” và điều này là đáng lo ngại. Tuy nhiên cho tới lúc này, theo ông, số ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa lớn.
Ông Phu khuyến cáo : “Những ổ dịch không tìm được bệnh nhân số 0, nguy cơ lây ra cộng đồng rất cao nên mọi người dân hãy ở yên tại chỗ“.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết hôm 30/3, dịch viêm phổi Vũ Hán từ bệnh viện Bạch Mai “đã lan ra gần 20 quận, huyện”. Bệnh viện Bạch Mai hiện đang là ‘ổ dịch’ lớn nhất của cả nước với ít nhất 42 ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán.
Trong khi đó ở TP HCM, giới chức y tế vẫn đang tiếp tục truy tìm những người liên quan đến ổ dịch tại quán bar Buddha, được xác định là một chuỗi lây truyền viêm phổi Vũ Hán với 15 trường hợp nhiễm bệnh.
Theo PGS-TS Phu, việc thực hiện “giãn cách xã hội” tốt là điều cần thiết trong việc dập dịch lây lan trong cộng đồng trong bối cảnh hiện nay.
Theo ông Phu, ở giai đoạn này, ngành y tế vẫn tiếp tục theo nguyên tắc là phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng để dập dịch. Chính phủ yêu cầu giãn cách xã hội cũng là để ngăn người bệnh tiếp xúc với người lành. Dịch bệnh lây qua tiếp xúc gần, vì vậy người dân tuyệt đối không tiếp xúc gần, đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 2m, hạn chế gặp nhau thì sẽ hạn chế lây truyền.
Khi giãn cách xã hội tốt, dịch sẽ không bùng lên thành ổ dịch lớn, đồng nghĩa chỉ là các đám cháy nhỏ thì hoàn toàn có thể dập được.
PGS Phu chỉ rõ nguy cơ : “Nếu dịch lan quá mạnh, không khoanh vùng được sẽ tạo sức ép rất lớn lên hệ thống y tế, khi đó tỉ lệ tử vong sẽ tăng cao do bác sĩ không thể dồn sức, tập trung cứu các bệnh nhân nặng”.
Vì vậy, ngay lúc này, mọi người dân cần “ai ở đâu hãy ở yên đó, nhà nào ở nhà đó“, tuyệt đối không đi ra ngoài khi không có việc cần thiết.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, cũng cho biết việc mất dấu F0 chắc chắn sẽ xảy ra do các biện pháp cách ly chưa hết những đối tượng có nguy cơ. Thực hiện tốt cách ly xã hội sẽ chặt đứt đường lây nhiễm, khi đó nếu F0 ẩn trong cộng đồng, cũng không quá lo ngại bệnh lây lan rộng.
Để kiểm soát việc cách ly toàn xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ mới được ban hành nhằm ngăn chặn dịch viêm phổi Vũ Hán, hàng chục chốt chặn kiểm tra y tế đã được lập nên tại cửa ngõ ra vào các thành phố lớn ở Việt Nam.
Các tổ công tác của thành phố Hà Nội gồm công an, thanh tra giao thông, y tế đã triển khai các tổ công tác túc trực tại 30 điểm chốt cửa ngõ ra vào thủ đô để tuần tra, kiểm soát việc thực hiện cách ly xã hội. Lực lượng chức năng đồng loạt kiểm tra y tế tất cả các phương tiện ra vào, gồm đo thân thiệt và ghi lại thông tin cá nhân người tham gia giao thông.
Cụ thể, tại hướng từ Hà Nam theo quốc lộ1A, 1B về Hà Nội, liên ngành thành lập 3 chốt trực bao gồm: chốt tại Ngã ba Cầu Giẽ, chốt tại trạm soát vé Liêm Tuyền (trên cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình), chốt quốc lộ 21B – ngã ba chợ Dầu.
Hướng từ các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh theo tuyến quốc lộ 5, cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn về Hà Nội lập 7 chốt, trong đó có các chốt: quốc lộ 5 – lối rẽ nhà máy Vinamilk, cầu Phủ Đổng, gầm cầu Thanh Trì – hướng đi Ecopark, quốc lộ 18 – lối xuống đường Võ Nguyên Giáp…
Từ Hòa Bình về Hà Nội lập 3 chốt tại ngã 3 Xuân Mai, chốt kiểm dịch Chương Mỹ và chốt tại đường Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam – cao tốc Hà Nội – Hòa Bình.
Ngoài ra, theo các hướng từ các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên về Hà Nội cũng bố trí các chốt tương tự ở cầu Thăng Long, cầu Long Biên, cầu Chương Dương.
Các tổ công tác có nhiệm vụ chốt trực 24/24h và bắt đầu từ 18h ngày 1/4 cho đến hết ngày 15/4 hoặc khi có lệnh điều động mới.
TP.HCM sẽ triển khai 62 chốt chặn kiểm tra dịch trên địa bàn.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết như vậy tại cuộc họp về công tác phòng, chống viêm phổi Vũ Hán chiều 3/4, theo Trung tâm báo chí TP.HCM.
62 chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TP, gồm 16 chốt trạm chính, 46 chốt trạm phụ nhằm tuyên truyền tới người dân các biện pháp chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán. UBND TP đề nghị các cơ quan, đơn vị cần tuyên truyền cho người dân hiểu đây không phải là phong tỏa thành phố.
Bên cạnh đó, ông Phong cũng yêu cầu Công an TP mở đợt cao điểm phòng, chống tội phạm trong suốt tháng 4.
Các sở ban ngành, UBND các quận, huyện xử lý triệt để trình trạng người dân tích trữ xăng dầu trong nhà gây nguy cơ cao về cháy nổ; tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp không mang khẩu trang tại nơi công cộng; thực hiện tốt quy định không tập trung nơi công cộng từ hai người trở lên.
Trong một động thái khác của chính phủ Việt Nam nhằm ứng phó với đại dịch viêm phổi, Thủ tướng Phúc và nội các của ông đang xem xét đưa ra gói hỗ trợ được gọi là “chưa có tiền lệ” cho hàng triệu người.
Theo dự thảo nghị quyết đang được bàn thảo tại các cuộc họp của Chính phủ trong những ngày qua, những đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất hoặc thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra, sẽ được nhận trợ cấp với các mức từ 500.000 đến 1,8 triệu đồng một tháng trong nhiều tháng.
Thủ tướng nhấn mạnh không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng; bảo đảm nguyên tắc chia sẻ khó khăn, nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm, trong đó Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần với mức phù hợp với khả năng nguồn lực.
Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nguyên tắc: việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách…
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan tiếp tục rà soát, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành theo thầm quyền thì người dân vẫn phải tự lực cánh sinh chống chọi với cuộc khủng hoảng lịch sử có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Sau một thời gian dài ngăn chặn dịch bệnh đồng thời huy động tiền tài, vật chất của nhân dân trong và ngoài nước, trong khi chính phủ các nước đã tung các gói hỗ trợ chưa từng có đến trực tiếp từng người dân của mình, thì chỉ đến khi có nguy cơ vỡ trận chính phủ Việt Nam mới bàn tính đến việc chia sẻ gánh nặng với nhân dân trong cơn đại dịch, nhưng liệu điều này có quá muộn và không như kỳ vọng của trên 90 triệu người dân Việt Nam?. Chúng ta hãy cùng đợi câu trả lời từ Thủ tướng Chính phủ trong những ngày tới đây.
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)