Vietnam Airlines sắp “hết tiền đổ xăng”

Link Video: https://youtu.be/EYvN-qS7U7E

Trong buổi tọa đàm “Chủ sở hữu Nhà nước: Hành động và trách nhiệm hậu COVID-19 – Trường hợp Vietnam Airlines” do Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức vào chiều 13/07, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đã không ngần ngại thông báo Vietnam Airlines sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 08/2020 nếu không có hỗ trợ về thanh khoản.

Lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhận định: “Từ khi hòa bình nước ta lập lại đến giờ, chưa bao giờ bầu trời Việt Nam bay ít đến thế.”

Được biết trong thời gian toàn quốc thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội (tháng 04/2020), 50% nhân viên Vietnam Airlines phải ngừng việc, tương đương 10.000 người phải ngừng việc không lương trên tổng số 20.000 nhân viên toàn hệ thống. Số nhân viên còn lại đều phải giảm lương.

Sau thời gian giãn cách xã hội đến tháng 06/2020, từ chỗ chỉ khai thác 3 chuyến bay/ngày trong thời điểm dịch bệnh bùng phát thì Vietnam Airlines đã khôi phục hoàn toàn mạng bay nội địa, bổ sung thêm 18 đường bay mới và đưa vào khai thác toàn bộ 106 máy bay hiện có. Thị trường khách nội địa của Vietnam Airlines đã tăng bằng 84% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng doanh thu chỉ bằng 46% và chưa phục hồi được. Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, lý giải bởi trong 3 tháng qua, Vietnam Airlines chỉ mở liên tục đường bay nội địa, phần lớn là các chặng ngắn, bán với giá rất rẻ để kích cầu. Trong khi thực tế, mười mấy đường bay nội địa mới bằng một đường bay quốc tế.

Ông Thành chia sẻ: “Doanh thu một đường bay châu Âu gấp hơn 10 lần nội địa nên sản lượng gốc của Vietnam Airlines vẫn giảm 53% so với cùng kỳ vì chưa thể bay quốc tế. Dự kiến năm 2020, doanh thu cả hàng hóa và hành khách từ 100 nghìn tỷ đồng giảm xuống còn 50 nghìn tỷ đồng, nếu không có biện pháp mạnh và kịp thời, Vietnam Airlines có thể lỗ 20 nghìn tỷ đồng.”

Ảnh: Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines

Đợt bùng phát dịch tại Đà Nẵng cuối tháng 07 vừa qua lại càng làm cho tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines trở nên bi đát do hành khách hoàn hủy vé đi nghỉ trong dịp hè, ảnh hưởng lớn đến dòng tiền của Vietnam Airlines.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết hiện 11 đường bay từ các cảng hàng không trong nước đi/đến Đà Nẵng với tổng số xấp xỉ 100 chuyến/chiều/ngày đã phải dừng hoàn toàn từ ngày 28/7.

Việc dừng các chuyến bay khiến tỷ lệ phi công, tiếp viên Vietnam Airlines phải ngừng việc có lúc lên tới 90%.

Được biết Vietnam Airlines đã và đang chuyển hướng từ vận chuyển khách sang vận chuyển hàng hóa đi quốc tế, bay thuê chuyến chở khách nước ngoài về nước và khách chuyên gia đến Việt Nam.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu của Vietnam Airlines kém nhất từ trước đến nay.

Dịch COVID-19 đã làm suy kiệt dòng tiền, gây ra thâm hụt nặng nề về dòng tiền và mức lỗ lớn của Vietnam Airlines trong năm 2020. Hãng phải cắt giảm chi phí, giãn tiến độ thanh toán, vay vốn ngắn hạn để bù đắp thanh khoản và đang kiến nghị Chính phủ các giải pháp giải cứu hỗ trợ dòng tiền khẩn cấp để vượt qua khùng hoảng. Để trả nợ và bù đắp dòng tiền thâm hụt, Vietnam Airlines phải cơ cấu lại tài sản để vừa giải phóng nguồn lực dư thừa vừa có thêm dòng tiền và thu nhập.

Theo kế hoạch của Vietnam Airlines tại đại hội đồng cổ đông diễn ra ngày 10/08, tổng công ty sẽ trình đại hội thông qua chủ trương bán 9 máy bay A321 CEO sản xuất từ năm 2007-2008 đồng thời đàm phán gia hạn nợ với nước ngoài. Một điều gây chú ý là Vietnam Airlines dường như lạc quan về khả năng được Chính phủ chấp thuận giải cứu khi mọi tính toán về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay của Vietnam Airlines trình Đại hội đồng cổ đông được tính toán trên phương án dự kiến Chính phủ sẽ cho vay 12 ngàn tỉ đồng.

Ảnh: Biểu đồ lợi nhuận của Vietnam Airlines từ năm 2017 đến quý 2/2020

Theo Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Chính phủ nên cứu Vietnam Airlines.

Ông đưa các lý do như sau:

Thứ nhất, doanh nghiệp nhà nước là của nhà nước nên nhà nước hỗ trợ với tư cách là chủ doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam là cổ đông chính, sở hữu 86% cổ phần của Vietnam Airlines.

Ông nói: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước khác cũng hỗ trợ theo mô hình như vậy, kể cả các quốc gia đã vận hành hoàn toàn theo mô hình kinh tế thị trường. Ngay với ngành hàng không, ở Đức hỗ trợ Lufthansa, Mỹ cũng hỗ trợ 4 hãng hàng không, Nhật Bản hỗ trợ hãng ANA. Ở Úc, giữa hãng hàng không quốc gia và Virgin Australia thì họ hỗ trợ hãng hàng không quốc gia. Vì Virgin Australia có quy mô nhỏ, nên tác động đến nền kinh tế cũng ít, còn cứu hãng hàng không quốc gia thì tác động rất lớn đến nền kinh tế, tính lan tỏa, phổ thông là lớn.

Thứ hai, Vietnam Airlines có lượng khách đi và tốc độ tăng trưởng doanh thu đang là hình chữ V, tháng 5 là đáy, nhưng tháng 6 vọt lên. Tức là đây là doanh nghiệp khả năng phục hồi, duy trì được sản xuất. Và đây cũng là đơn vị có báo cáo tài chính minh bạch nhất trong ngành cho đến thời điểm hiện nay.

Thứ ba, hàng không là ngành có sức lan toả lớn để vực dậy nhiều ngành khác, đặc biệt là du lịch.

Ảnh: Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Tuy nhiên, việc Vietnam Airlines xin Chính phủ hỗ trợ gấp với số tiền lên tới 12.000 tỷ đồng đã nhận được những luồng ý kiến trái chiều.

Có ý kiến nói rằng: Nông dân cày ruộng còn phải biết tích trữ lương thảo phòng thiên tai đằng này Vietnam Airlines kinh doanh khi lời thì họ tận hưởng riêng với nhau nhưng khi lỗ thì lại tróc nã thuế của dân, cầu cứu đến Chính phủ thì là không hợp lý.

Vấn đề là số tiền 12.000 tỷ đồng mà Vietnam Airlines cần Nhà nước hỗ trợ đã được đề cập đến trên truyền thông từ đầu tháng 04/2020 tức là mới chỉ hơn hai tháng kể từ thời điểm dịch bùng phát tại Việt Nam. Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nêu trong báo cáo gửi Thủ tướng hôm 06/04/2020 rằng: “Để đảm bảo khả năng thanh toán trong năm 2020, Vietnam Airlines cần Nhà nước hỗ trợ 12.000 tỉ đồng và phải bắt đầu giải ngân từ tháng 4-2020.”

Facebooker Nguyễn Tiến Tường nhận định trên trang facebook cá nhân rằng: “Mới hơn hai tháng dịch, Vietnam Airlines đã “làm nư”, xin Chính phủ hỗ trợ 12.000 tỷ đồng ngay trong tháng 04. Thêm một cú sốc nữa với hiện trạng của doanh nghiệp quốc doanh.

Không chỉ Vinashin ụ nổi ụ chìm, dầu khí địa hạt tham nhũng… những đứa con áo gấm xông hương cũng dần lộ mặt phá gia chi tử.

12.000 tỷ trong thời điểm này là nắm thóc giáp hạt của cả quốc gia. Trong bối cảnh khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh trầm mình tồn tại, phản xạ “đói tìm vú mẹ” của Vietnam Airlines là không thể chấp nhận.

Uỷ ban quản lý vốn nhà nước đại diện nắm giữ hơn 86% cổ phần vốn trong Vietnam Airlines. Uỷ ban này là “người gác đền” cau có của một loạt dự án, đề án tầm vóc quốc gia như cao tốc, đường sắt. VEC (tức Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam) và Đường sắt Việt Nam đối mặt với các vấn đề sống còn, gào khản cổ thời gian qua, Uỷ ban chưa thông tắc vốn. Vietnam Airlines vừa hắt hơi, Uỷ ban đã nhảy như đỉa phải vôi.

Kinh doanh lời ăn lỗ chịu, nếu cứ khó khăn níu áo chính phủ để đòi tiền thì không cần Uỷ ban nào cả. Càng khó khăn, càng cho thấy nhu cầu cổ phần hoá tại các doanh nghiệp độc quyền là cấp bách. Nới room và tạo chính sách cho họ gọi vốn hơn là nhồi tiền nuôi phá gia chi tử mãi không chịu trưởng thành.

Không thể nào chấp nhận quan hệ Chính phủ – Doanh nghiệp nhà nước kiểu mẹ là chị Dậu mà con toàn công tử Bạc Liêu mãi được!”

Ảnh: Toạ đàm “Chủ sở hữu nhà nước: Hành động và trách nhiệm hậu COVID-19″ trường hợp Vietnam Airlines do Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức ngày 13/07/2020 tại Hà Nội

Cũng tại thời điểm tháng 04 đó, nhà báo Nguyễn Tiến Tường còn làm một phép so sánh giữa Vietnam Airlines, một doanh nghiệp nhà nước với Vietjet, một doanh nghiệp trong cùng ngành hàng không nhưng là của tư nhân với mục đích làm sáng tỏ khả năng kinh doanh của hai loại hình doanh nghiệp này.

Năm 2019, Vietnam Airlines có doanh thu hơn 101 nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ đạt hơn 3,3 nghìn tỷ đồng / Vietjet Air có doanh thu chỉ 52 nghìn tỷ đồng nhưng lợi nhuận đạt gần 5 nghìn tỷ đồng.

Vietnam Airlines có đến 106 tàu bay, chủ yếu hạng sang Boeing 787-9, Boeing 787-10 và Airbus A350 / Vietjet chỉ có 68 chiếc, phần lớn là A320, A321neo.

Vietnam Airlines có gần 20 nghìn nhân sự / Vietjet chỉ có gần 4 nghìn nhân sự.

Trong đại dịch, một nửa lao động Vietnam Airlines phải nghỉ hoặc tự động không nhận lương / Vietjet Air cắt giảm lương trưởng phòng đến giám đốc từ 10-25%, nhân viên được bố trí nghỉ một số ngày không lương, lao động dưới 10 triệu đồng/tháng được bảo đảm.

Cổ phiếu Vietnam Airlines có thị giá quanh mốc 20 nghìn đồng/CP, vừa được loại khỏi danh sách Margin do vấn đề cáo bạch tài chính / Vietjet giảm nhẹ, quanh mốc 100 nghìn/CP và vẫn đang giữ phong độ trong nhóm blue chip.

Vietnam Airlines báo lỗ khủng, xin hỗ trợ 19 nghìn tỷ đồng / Vietjet Air mở thêm đường bay, mở bảo hiểm Covid 200 triệu cho hành khách.

Ảnh: Máy bay của Vietnam Airlines và Vietjet Air trên sân bay

Nhà báo Tường cũng chỉ ra trong định hướng tới, Vietnam Airlines trình kế hoạch đẩy nhanh mua thêm 50 tàu bay, với tổng mức đầu tư 3,8 tỷ đô la trong khi lợi nhuận mỗi năm của Vietnam Airlines chỉ rơi vào khoảng 3.000 – 4.000 tỷ đồng.

Nhà báo khẳng định: “Một phép tính đơn giản, bỏ chừng ấy tỷ đô để Vietnam Airlines thu về lợi nhuận còm cõi, cũng tương tự bỏ mâm để thu lại bát, bỏ tôm làm mồi câu tép vậy.

Ngân sách nhà nước không biết là sẽ nhận lại được bao nhiêu giọt nhưng khoản đầu tư cực khủng. Chưa kể nếu phát triển cơ học cồng kềnh như vậy, rất có thể sẽ phát sinh hoặc duy trì các chính sách, dịch vụ thiên lệch để bảo hộ đứa con quốc doanh.

Nếu là một pháp nhân tư nhân, tôi không nghĩ rằng một CEO nào đó có thể dựng một chiến lược “lấy bạc đè người” đầy bất trắc như vậy, trừ khi họ có thù với kinh tế học đại cương.”

Facebooker Phạm Minh Vũ cùng có cùng quan điểm khi viết trên trang cá nhân rằng: “Vietnam Airlines là hãng bay có vốn nhà nước sở hữu hơn 80%, được hưởng quá nhiều đặc quyền đặc lợi, hàng năm lãi 3 ngàn tỷ, tiền nộp ngân sách thì chẳng có bao nhiêu, có lãi thì chúng nó chia với nhau, giờ đùng cái xin 12 ngàn tỷ cho cái hãng ăn hại không giúp được gì cho dân, vậy thì nói như Alan Phan “Phải dứt khoát là hãy để chúng chết đi”. Nên thế!

Hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn vì đại dịch, nhiều công ty phá sản, có công ty cầm chừng và hàng triệu công nhân bấp bênh vì vô định. Một trong các lý do đó là doanh nghiệp thiếu vốn để xoay. 12 ngàn tỷ mà Vietnam Airlines xin hỗ trợ thì nên hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang tạo ra hàng trăm hàng ngàn công ăn việc làm cho Nhân dân có ích hơn giữ cái của nợ đó. Phải dứt khoát là….cho chúng chết đi!”

Nhân viên Vietnam Airlines làm việc trong thời kỳ dịch COVID-19 với trang phục bảo hộ

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Tổng thống Trump đổi giọng: Lãnh đạo Việt Nam từ “tồi tệ” thành “rất tốt”

>>> Trump đánh – Tập loay hoay – Huawei gần sụp đổ

>>> Trung Quốc “Ra đòn kịch độc” – Việt Nam và thế giới điêu đứng

VN: Bùng phát đợt 2 – bác sĩ “cách_ly”, Y tế nguy cơ “vỡ trận”

Kasse animation 7.8.2023