Tình trạng mất tích cưỡng bức ở Việt Nam cực kỳ nghiêm trọng

Link Youtube: https://youtu.be/BwsuuLJVPXQ

Ngày 29/8, tác giả Quốc Phương có bài “Mất tích cưỡng bức diễn ra “gần như thường xuyên” và “ngày càng nghiêm trọng” ở Việt Nam”.

Tác giả dẫn lời ông Y Quynh Buôn Đáp, một nhà hoạt động về nhân quyền người Thượng, từng bị “mất tích cưỡng bức” ở Việt Nam vài năm về trước, chia sẻ:

“Gia đình rất hoang mang vì bản thân tôi bị họ cưỡng bức, cũng như cách ly. Gia đình không biết tình trạng sức khỏe của tôi như thế nào, bởi vì, chắc chắn gia đình cũng đoán là tôi sẽ bị đánh đập, cũng như là bị ép cung. Gia đình lúc đó chỉ biết gửi đồ thăm nuôi, mà không biết là có tới hay không.”

Ngoài ra, gia đình ông Y Quynh lúc bấy giờ, chỉ biết đợi tin từ chính quyền địa phương trong vô vọng, vì những người ở cấp xã trả lời “chúng tôi không biết, việc này là cấp trên làm”.

Ông Y Quynh Buôn Đáp, sinh năm 1992, từng có trú quán tại buôn Cuê, xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, kể về những gì đã diễn ra trong thời gian ông bị “mất tích cưỡng bức” tại Việt Nam. Ông đã bị các điều tra viên đánh, bị đạp vào đầu, tát vào miệng… để ép cung.

Ông còn bị những tù nhân khác tra tấn khi bị đưa vào buồng giam chung: “Người giữ tay, người giữ chân, họ cho ngồi “sa-lông” (một hình thức tra tấn), rồi dùng chân đá vào ngực, và khai thác những thông tin của tôi, để báo lại cho chính những người điều tra thụ lý án của tôi.”

Bị cáo buộc là “đòi ly khai” và “thành lập quân đội”, “thành lập nhà nước riêng”, cuối cùng, ông Y Quynh quyết định đào thoát khỏi Việt Nam sang Thái Lan, cách đây tròn 5 năm.

Tác giả dẫn lời một cựu tù nhân lương tâm, nhà báo, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, cho biết:

Tình hình này rất nghiêm trọng, tôi bị xử hai lần, và cả hai lần trong quá trình điều tra cũng bị giam giữ mất tích, lần thứ nhất là mất một năm và lần thứ hai là mất hai năm. Còn các anh em khác, hầu hết các anh em đấu tranh dân chủ đều bị như thế hết. Nói chung là không có luật sư tham gia trong quá trình điều tra, và trong quá trình bị giam giữ, tôi phát hiện ra là tất cả những tù hình sự đều như vậy. Và nói chung, cơ quan điều tra như là vua ở trong trại giam, họ ra lệnh gì thì trại giam làm cái đó, cấm thăm gặp là trại giam không cho thăm gặp”.

“Gần đây có anh Nhật Huỳnh, tức blogger Nhật Huỳnh, đã mất tích tới 3-4 tháng rồi, không thấy gì cả, anh em cũng tìm cách đi tìm, mà tìm kiếm không ra, không biết nơi nào bắt và bắt bao giờ.” 

 

Hình: Anh Nguyễn Bảo Tiên – người vận chuyển sách của Nhà xuất bản Tự Do – người đã bị mất tích cưỡng bức 18 tháng, từ tháng 10/2019 (khi anh bị bắt), đến tháng 5/2021 (khi công an tuyên bố khởi tố anh)

 

Blogger Điếu Cày kể thêm trường hợp của Phan Kim Khánh. Sau khi xử sơ thẩm, Phan Kim Khánh có kháng cáo, nhưng trại giam không chuyển đơn kháng cáo đi, và cuối cùng họ bỏ luôn phúc thẩm, không xét xử phúc thẩm.

Tác giả tiếp tục dẫn ý kiến của cựu tù nhân lương tâm, Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, cho rằng, ở Việt Nam, những năm trở lại đây, tình trạng mất tích cưỡng bức diễn ra rất phổ biến.

Ông Đài nêu ví dụ điển hình, về trường hợp của ông Đường Văn Thái, bị “bắt cóc” từ Thái Lan. Từ tháng 4 cho tới tháng 7/2023, gia đình của Đường Văn Thái tại Việt Nam hoàn toàn không nhận được bất kỳ một thông tin nào về ông.

Luật sư Đài cho biết thêm, trong suốt thời gian bị mất tích cưỡng bức, “gia đình và luật sư của người bị bắt hoàn toàn không biết bất kỳ một thông tin nào về tình trạng sức khỏe, rồi tất cả mọi thứ hoàn toàn không biết”. Ngược lại, người bị bắt cũng “không biết được thông tin của gia đình và bên ngoài như thế nào”.

Luật sư Đài đề xuất một số việc cần phải thực hiện, để đối phó với tình trạng này. Đó là, khi gia đình thấy người nhà của mình bị mất tích và các cơ quan chức năng không trả lời, thì cần phải phối hợp với luật sư, gửi đơn khiếu nại lên tất cả các cấp của Việt Nam; sử dụng tối đa những phương tiện trên mạng xã hội, để lên tiếng gây áp lực, buộc những cơ quan đang giam giữ, cưỡng bức người mất tích phải lên tiếng, phải cung cấp thông tin.

Đồng thời, phải phối hợp với những tổ chức đấu tranh bảo vệ nhân quyền quốc tế, chính phủ của các quốc gia quan tâm tình trạng nhân quyền của Việt Nam. Chỉ có sự phối hợp mạnh mẽ từ phía gia đình của nạn nhân, giới luật sư ở trong nước, cùng với các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước, thì nó mới giảm thiểu tình trạng này ở Việt Nam.

Tác giả cũng dẫn quan điểm của Luật sư Ngô Anh Tuấn, cho rằng, mất tích cưỡng bức là sai trái, “Luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế, các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia hoàn toàn không cho phép những hành vi tương tự như vậy”.

 

Quang Minh – thoibao.de

>>>Mua quốc tịch Cyprus, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đưa Tổng – Tô vào thế kẹt “bi” trong họng!

>>>Thích Thanh Quyết quyết làm tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới

>>>Sức sống của nền kinh tế quyết định sinh mệnh chính trị của Thủ Chính

>>>Nghịch lý trong kỷ lục vốn hóa của VinFast

Đại Án Việt Á: Nguyễn Thanh Long bắt tay với Việt Á gây tai họa cho dân VN như thế nào?

Kasse animation 7.8.2023