Ngày 17/1, RFA Tiếng Việt có bài “Vụ ông Nguyễn Công Khế: sao bên điều tra không phải là cảnh sát mà là an ninh?”
Trước đó, ngày 16/1, Cơ quan An ninh Điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc, đối với hai ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông – hai cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên – vì sai phạm tại dự án số 151 – 155 Bến Vân Đồn, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh.
RFA dẫn Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận định:
“Cơ quan an ninh điều tra đa số làm các vụ án liên quan an ninh quốc gia, và một phần liên quan đến an ninh kinh tế. Còn Cơ quan cảnh sát điều tra thì đa số liên quan đến trật tự xã hội… Nhưng trong những vụ kinh tế như thế này, thì bên Cơ quan an ninh điều tra họ làm cũng đúng thẩm quyền, không sai.”
Trong khi đó, RFA dẫn quan điểm của Luật sư Đặng Đình Mạnh, cho rằng:
“Án do Cơ quan an ninh điều tra làm là án “bao ăn”! Nôm na, án ấy sẽ không bao giờ bị tòa án hủy hoặc sửa, vì đặc quyền của cơ quan này, cho dù có chứng cứ hiển nhiên về việc điều tra, truy tố, xét xử oan sai đến mức nào đi nữa. Đặc quyền ấy chỉ có thể xuất phát từ chủ trương mật, từ cấp cao nhất là Bộ Chính trị, nhằm bảo đảm thuận lợi cho cơ quan này thực thi trách nhiệm chính là bảo vệ an ninh nội bộ, củng cố sự lãnh đạo độc tài, toàn diện của Đảng Cộng sản đối với đất nước và đàn áp chính trị trong nước.”
“Do đó, khi Cơ quan An ninh Điều tra thực hiện điều tra vụ án hình sự, thì ý chí của cơ quan điều tra mới là luật. Các nguyên tắc pháp luật căn bản như “Suy đoán vô tội”, “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, hoặc quyền bảo đảm có luật sư bào chữa… đều bị vô hiệu hóa, kể cả trong các thủ tục tố tụng sau đó như truy tố và xét xử.”
“Theo quy định tố tụng hình sự, thì thẩm quyền của Cơ quan An ninh Điều tra nằm trong phạm vi điều tra những vụ án thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, có yếu tố chính trị. Thế nhưng, trong một số trường hợp vẫn có thể mở rộng phạm vi điều tra các tội danh khác, có liên quan an ninh quốc gia, hoặc theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Công an.”
“Với diễn biến được biết về vụ án, mặc dù chỉ bắt đầu giai đoạn điều tra, nhưng chúng ta hầu như có thể biết trước, việc tòa án tuyên ông Nguyễn Công Khế có tội và phải chịu sự chế tài là điều chắc chắn. Từ đó, cho phép chúng ta đưa ra suy đoán về thẩm quyền và kết quả điều tra như sau: Về thẩm quyền, suy đoán theo luật, thì rõ ràng, Bộ Công an đã e ngại sự không khách quan của Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Công an thành phố Hồ Chí Minh, nếu họ được giao điều tra vụ án ông Nguyễn Công Khế. Về kết quả điều tra, đã được định sẵn chủ trương rằng, ông Nguyễn Công Khế phải có tội. Việc giao điều tra, thực hiện những thủ tục tố tụng chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa chủ trương mà thôi. Trong trường hợp này, thì thuật ngữ “Án bỏ túi” mà dân gian thường dùng là hoàn toàn phù hợp.”
RFA cũng dẫn lời Luật sư Nguyễn văn Miếng, cho hay:
“Thông thường những vụ án làm thất thoát tài sản của nhà nước thì bên Phòng Cảnh sát Kinh tế PC03 sẽ đứng ra thụ lý. Đối với vụ ông Khế, tôi nghĩ có liên quan đến nhiều tỉnh thành hoặc liên quan đến nước ngoài, thì thường họ sẽ chuyển qua Cơ quan An ninh Điều tra. Chính Cơ quan Cảnh sát Điều tra hoặc Cơ quan An ninh Điều tra có quyền sắp xếp những trường hợp mà họ cho rằng nghiêm trọng, và Cơ quan An ninh Điều tra sẽ bốc hồ sơ ra để họ xử lý.
Không loại trừ khả năng, từ trước đến nay, Cơ quan An ninh Điều tra đã đứng đằng sau điều tra, và có thể, họ thấy có liên quan an ninh quốc gia nên họ không chuyển qua Cơ quan Cảnh sát Điều tra. Việc này do Bộ Công an chỉ định.”
Hoàng Anh – thoibao.de
18.1.2024