Từ phiên tòa Ngọc Trinh: bất bình đẳng trong xét xử quan chức và thường dân

Ngày 2/2, BBC Tiếng Việt đăng bài bình luận “Từ phiên tòa Ngọc Trinh: Bất bình đẳng trong xét xử quan chức và thường dân” của luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh.

Luật sư đề cập đến việc Ngọc Trinh bị dẫn giải ra trước một phiên tòa hình sự, trước sự soi mói của một rừng ống kính, vào sáng 2/2. Những hình ảnh kém duyên nhất, kém xinh đẹp nhất của cô người mẫu tràn ngập trên hệ thống truyền thông nhà nước.

Luật sư so sánh với hình ảnh ông cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, khi ông này được báo Nhân Dân ưu ái, nhân đạo, làm mờ đi khuôn mặt lúc đứng trước một phiên tòa hình sự, dù tội trạng của ông nguy hiểm cho xã hội gấp ngàn lần Ngọc Trinh.

Luật sư đặt vấn đề: Phải chăng quan chức cấp cao được biệt đãi trước pháp luật? Còn dân thường thì phải chịu sự thiệt thòi?

Tham chiếu các nguyên tắc pháp luật, câu trả lời là không.

Luật sư nhận xét, dù luật pháp Việt Nam chưa hoàn hảo, nhưng qua nhiều lần tu chính, luật pháp đã ngày một tiến bộ hơn, tiệm cận hơn với các quy chuẩn pháp lý văn minh của thế giới. Thế nhưng, sự vận dụng, diễn giải pháp luật tùy tiện trong thực tế, đã và đang làm méo mó, biến tướng đi những tiến bộ ấy. Mà theo đó, người mẫu Ngọc Trinh đang là nạn nhân của thực tế đáng chê trách ấy.

Do đó, so sánh bối cảnh ra tòa của ông cựu quan chức cấp cao Nguyễn Thanh Long và cô người mẫu thường dân Ngọc Trinh, thì thấy, nó đã bất bình đẳng như thế nào.

Không chỉ thế, tác giả cho biết, hình ảnh của một người thuộc về quyền nhân thân vĩnh viễn của người ấy, đến mức, nếu có hình ảnh của ai đó, thì cho dù họ có là tội phạm, chúng ta cũng không có quyền tự tiện phát tán công khai hoặc đăng tải trên các trang mạng xã hội.

Luật sư nhắc lại, trước đây, ít nhất 2 lần, tòa án đã từng minh thị bảo vệ quyền về hình ảnh của công dân, khi họ ra trước phiên tòa hình sự.

Lần đầu là vào tháng 2/2003, xảy ra trong vụ án Năm Cam. Tòa đã thông báo cho giới ký giả về việc cấm chụp ảnh một nữ công dân tên là Nguyễn Thị Thanh Tuyền, tham gia phiên tòa với tư cách người bị hại. Ông giải thích, đây là quyền hợp pháp của công dân mà báo giới phải có trách nhiệm tôn trọng.

Sau đó, đã không có một tấm ảnh nào của vị nữ công dân kia lọt lên được mặt báo.

Tuy nhiên, vật đổi sao dời, luật sư cho hay, đến tháng 3/2022, bà Nguyễn Thị Thanh Tuyền bị bắt trong danh tính mới – Nguyễn Phương Hằng. Với tư cách bị can trong một vụ án đình đám, bà đã không thể bảo vệ, giữ gìn được hình ảnh của chính mình, trước sự tấn công có chủ đích của cơ quan điều tra.

Lần thứ hai tòa bảo vệ quyền về hình ảnh, theo luật sư Mạnh, là trong một vụ án “trốn thuế” ở Khánh Hòa, vào tháng 11/2019. Một nữ bị cáo cũng đã yêu cầu được bảo vệ quyền về hình ảnh, và được tòa án chấp thuận. Thế nên, đã không có một tấm ảnh nào của bà bị đăng tải trên mặt báo.

Luật sư đánh giá, rõ ràng, sự hành xử bất nhất của pháp đình Việt Nam trước yêu cầu bảo vệ hình ảnh cá nhân, là sự vận dụng, diễn giải luật pháp theo cách vô pháp và hết sức tùy tiện. Trong đó, bao hàm sự cố ý xúc phạm hình ảnh cá nhân của chính cơ quan điều tra, kết hợp với truyền thông vô đạo đức.

Người mẫu Ngọc Trinh hôm nay và bà Nguyễn Phương Hằng cách nay không lâu, cùng hàng vạn công dân đã từng khoác chiếc áo bị cáo tại phiên tòa hình sự, đã sớm bị truyền thông “kết tội và thi hành bản án tử hình” đối với thanh danh, hình ảnh của họ, trước cả khi có bản án kết tội họ.

Luật sư kết luận, các nguyên tắc “Suy đoán vô tội”, hay “Một người chỉ bị xem là có tội khi đã có bản án kết tội tuyên có hiệu lực pháp luật”, hoặc “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, chỉ còn là khẩu hiệu đẹp trên bức tường vô tri mà thôi.

Nữ doanh nhân sở hữu cả ngàn tỷ đồng, hoặc nữ người mẫu xinh đẹp ấy, có nằm mơ cũng không thể đoán định được tương lai bi đát của mình, thì ai trong số công chúng có thể đoán định được tương lai của mình vào ngày mai?

Bảo vệ các nguyên tắc pháp luật hôm nay là bảo vệ cho chính tương lai của mình vào ngày mai.

 

Xuân Hưng – thoibao.de

4.2.2024